Le Mur Cát Tường (1012-1946)
Hoạ sĩ Nguyễn Cát Tường, bút hiệu Lemur Cát Tường (nghĩa
chữ Hán “Cát Tường là điềm lành”, và dịch tiếng Pháp “bức tường là le mur”),
sinh năm 1912 tại tỉnh Sơn Tây khi cha là Nguyễn Huy Thành, gốc Hà Nội, đang
làm việc tại sở Hỏa Xa ở đó.
Vốn bản tính hiếu động và nhiều sáng tạo, Nguyễn Cát Tường đã hội
nhập vào các lãnh vực khác nhau của đời sống, chỗ nào ông lưu tâm tới cũng đều
ghi lại sự cải tiến.
Năm 1928, Nguyễn Cát Tường trúng tuyển vào khóa 4
trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương và tốt nghiệp vào năm 1933.
Ngày 15 tháng 11, 1931 ông tham dự vào “cuộc triển
lãm hội họa và điêu khắc, các tác phẩm do học sinh của trường Cao Đẳng Mỹ Thuật
Đông Dương thực hiện trong dịp hè, nghĩa là ngoài ảnh hưởng trực tiếp của các
giáo sư của họ…”. Cuộc triển lãm này
được bà Yvonne Schultz phê bình trong bài Các Họa Sĩ trường Cao Đẳng Mỹ Thuật
Đông Dương: “Một trường phái mới xuất hiện,…sẽ làm giầu cho Viễn Đông bằng
những tác phẩm thích ứng với sự nhậy cảm của những người An-Nam thế kỷ 20”.
Năm 1932, lúc
còn đang học vẽ, ông đã có những tranh khôi hài ký tên A. S. LEMUR trên báo
Phong Hoá của Nguyễn Tường Tam, từ khi báo mới ra được 3 tháng.
Ngày 11 tháng
2, 1934 báo Phong Hóa Mùa Xuân, số 85, Nhất Linh bất ngờ tạo ra một tiết mục
mới: “VẺ ĐẸP riêng tặng các bà các cô” và giao
cho họa sĩ Nguyễn Cát Tường, mới 22 tuổi, phụ trách để làm nên cuộc Cải Tiến Y
Phục Phụ Nữ Việt Nam, sâu xa, lạ lùng và vang dội nhất từ xưa tới nay.
Người họa sĩ trẻ măng này, vừa viết bài, vừa vẽ kiểu… Đầu tiên là
việc phân tách và trình bày những ưu khuyết điểm của Y Phục Phụ Nữ đương thời,
rồi sau đó, ông đưa ra những đề nghị đổi mới cho thích hợp với thời tiết, thoải
mái khi cử động, rộng rãi cho máu huyết lưu thông và tôn cao vẻ đẹp sang trọng
và yêu kiều của người phụ nữ.
Đó là lần đầu tiên trên báo Phong Hóa và đặc san Đẹp, do nhà xuất
bản Đời Nay phát hành. Lemur Cát Tường giới thiệu đến độc giả những bộ y phục
phụ nữ tân thời mà ông đã tạo kiểu và tạo dáng: có cổ, không cổ, có tay, tay
ngắn, không tay, vai bồng, vai xẹp, cổ
tay xoè, không xòe, có khuy, không khuy, vạt áo dài, vạt áo ngắn (mini) và sau
này năm 1937 tại hiệu may LEMUR còn có áo kiểu vai chéo (đời sau gọi là vai Raglan),
áo đi xe đạp và áo cô dâu…
Ông Cát Tường còn cho rằng phần chính và cốt yếu trong bộ y phục: “
Nó là cái quần...” cần được “thay đổi lối cắt kiểu may”: “Từ cạp đến đầu gối nên thu hẹp bớt để vừa
khít với thân hình, như thế những vẻ đẹp thiên nhiên của từng người mới lộ ra
được. Còn từ đầu gối trở xuống đến chân, hai ống quần lại phải may rộng dần ra
để khi đi đứng cái dáng điệu của các bạn được tăng thêm vẻ nhẹ nhàng”. (Phong Hóa
89 1934/03/16)
Ngoài ra ông còn cải tiến cả những cái áo yếm, y phục mặc ở nhà,
trong phòng ngủ, khi dự tiệc, khi tắm biển và cho tới cả đôi giầy, đôi dép. Ông
cũng vẽ chung với Nhất Linh vài mẫu y phục trẻ con và phụ nữ miền quê.
Để cổ động giới phụ nữ, ông đã kêu gọi các bạn trường Mỹ Thuật giúp
sức. Lần đầu tiên tại Hà nội, người ta được gặp các hoạ sĩ danh tiếng như Lê
Phổ, Tô Ngọc Vân, Lemur Cát Tường … ra đứng cửa tiệm may, tiệm vải để chỉ dẫn
và cho kiểu cho các khách hàng còn bỡ ngỡ về màu áo, loại vải hay lụa thích hợp
với vóc dáng, nước da của từng người. Các bà các cô Hà Nội chưa bao giờ được
chiều chuộng đến thế...
Y phục Lemur đã được những người đẹp yêu mỹ thuật của cả nước, nhất là Hà nội, các phụ nữ trí thức như
Luật Sư Nguyễn thị Hậu, Giáo sư Trịnh Thục Oanh, bà Bác Sĩ Lê Đình Quỵ… dẫn đầu phong trào mặc y phục phụ nữ tân thời. Các cô nữ học sinh lớp lớn đua nhau may mặc… không khí xã hội và cảnh sắc Việt Nam thay đổi…
bờ hồ Hoàn Kiếm như đẹp hẳn lên...
Năm 1936, tiếp
tục qua báo Ngày Nay, Cát Tường viết những bài báo về những đề tài làm đẹp cho
phụ nữ như chuyện dồi phấn, thoa son, chọn mầu vải, tập thể dục, sống sao cho
KHỎE và ĐẸP.
Ông lập gia đình với cô Nguyễn Thị Nội, gái Bắc Ninh, con cụ Hàn
Nguyễn Văn Cầm, một gia đình chuyên sản xuất hàng thêu, hàng ren để xuất cảng
ra ngoại quốc.
Năm 1937, để việc đổi mới y phục tân thời có kết quả tốt đẹp, những
người phụ nữ muốn mặc áo dài mới được hài lòng, thấy mình đẹp hơn, duyên dáng
hơn, mỹ miều hơn, ông bà Cát Tường khai trương Hiệu May LEMUR, quảng cáo trên báo Ngày Nay:
Đây cũng là công lao của bà Cát Tường, người đã quán xuyến, điều
khiển trong ngoài cho hiệu may LEMUR để ông khỏi bận tâm mà thực hiện những cải
tiến mỹ thuật khác.
Hoạ sĩ Nguyễn
Cát Tường ngoài việc viết báo, vẽ tranh, chụp ảnh, sáng chế y phục, ông còn đưa
mỹ thuật vào đời sống và thủ công nghệ Việt Nam trong các lãnh vực:
- Sáng chế loại hàng Ren mới xuất khẩu và cải tiến nơi làm việc của các nhân công.
- Cải tiến và mỹ thuật hóa xe xích lô đạp.
- Sáng chế nón Phụ Nữ Lemur, guốc cao gót, đồ mộc và đồ chơi cho trẻ em.
- Mở hiệu cắt tóc và tắm nước nóng, khuyến khích việc vệ sinh và sạch sẽ.
- Mở phòng trà đầu tiên để tạo nơi gặp gỡ cho các văn nhân và nghệ sĩ.
- Dạy vẽ tại Trường Thăng Long.
- Cả hai Ông bà đều tham gia vào Đoàn Ánh Sáng làm việc Nhân Đạo và Xã Hội.
Tháng 12 năm 1946, tình thế trở nên rối ren khi quân đội Pháp đang
trở lại Bắc Việt để tái lập địa vị. Cả nước trên đà thực hiện việc kháng chiến,
dân Hà Nội được lệnh tản cư. Gia đình Cát Tường dời về làng Tràng Cát, tỉnh Hà
Ðông.
Ngày 17 tháng 12 năm 1946, ông Cát Tường trở về nhà để lấy thuốc
men, quần áo cho các con và người vợ sắp tới ngày sinh. Ông đã bị Dân Quân bắt tại Hà Nội và đưa đi
biệt tích…
Mother and Child by Cat Tuong
1940 - Courtesy of Sotherby
Tranh vẽ bà Cát Tường và cô con gái đầu lòng Nguyễn thị Minh Nguyệt. |
Bộ quần áo nhã
nhặn, kín đáo và duyên dáng ấy đã mang lại sự kiêu hãnh cho người mặc cũng như đưa
đến niềm vinh dự cho người Việt trong nước cũng như tại hải ngoại.
Cô Hòa Vân
trong bộ y phục tân thời mùa Thu
của Lemur 1938 - Courtesy of Trịnh Bách |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét