Hiển thị các bài đăng có nhãn Mùa Thu. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Mùa Thu. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2013

Thơ ngỏ thay lời tòa soạn

Thơ ngỏ thay lời tòa soạn

Thưa các anh chị, các bạn,

Cùng với những chiếc lá còn lại rơi vào cuối Thu, xin gởi đến các anh chị và các bạn những bài viết cuối cho Đất Lạnh Mùa Thu 2013, đánh dấu một thời điểm cuộc vui chóng qua của Họp Mặt 2013.

Mong các anh chị và các bạn tìm được trong những trang blog này những tâm tình, những tâm sự, những dấu yêu của một thời đã qua mà chúng ta muốn đọc lại để nhớ, hay viết lại để đừng quên, để chia sẻ... những kỷ niệm, những vui buồn, những thương yêu... giữa con người, giữa bạn bè, giữa thầy trò hay giữa những người vừa quen biết. Mong Đất Lạnh mãi mãi vẫn là miền đất lạnh tình nồng mà mỗi người bất luận là cựu sinh viên, là thân hữu, là người Việt ở Québec hay một nơi nào khác trên thế giới, trong một khoảnh khắc nào đó, đều có thể cảm nhận được những thương yêu, tình cảm gắn bó giữa người và người.

Đất Lạnh với chủ đề Mùa Thu đã được thực hiện với nguyện ước làm sống lại cái gia tài quí báu mà các đàn anh của những năm 1960 đã để lại cho chúng ta. Hy vọng "Mùa Đông sắp đến trong thành phố..." sẽ là thời gian để chúng ta cùng nhau sửa soạn đóng góp cho Đất Lạnh Mùa Xuân 2014, ước mong cũng sẽ đượm tình và hào hứng như Đất Lạnh đầu tiên của Tết 1962.


Nội dung Đất Lạnh Mùa Thu 2013 cho đến hôm nay:

9.        Tạ ơn - Marie Hồng



Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

Nghĩ …


Cuộc nhân thế, đã làm trọn phận.
Ngoảnh lại nhìn, thế cũng là xong ?
-          Thành bại; được thua; thị phi; thương ghét:
-          Ô !  Không màng chi. 

Chuyện cần làm, thì làm; Chuyện phải gánh, thì gánh.  Vậy thôi.

Giờ đã đến,  cuối mùa thu lá đổ.  Cành chơ vơ, giữa khoảng trời không.
Nghe tiếng gió hắt hiu, trời mây tím.  Cành thì thầm…nói, lá xuân sang !

À!  Cũng thôi.  Về, gom lá sân nhà.
Làm thoáng trống, một không gian mới.
Chăm bón, vun trồng, những mầm non, cần dậy lớn.
Cho mùa sau, rợp đóa hoa thơm.

Cuộc hành trình, đời người có nghĩa !
Trồng tỉa, dưỡng nuôi, chăm bón, mầm xanh.
Lấy tim thương yêu, trải rộng đường trần
Hoa hạnh phúc, trổ sai cây nhân ái.

Lòng thương yêu, trải trọn mọi miền.
Là nguyện ước, một đời, thật sống.


chân hội đăng,  mtl – 27.11. 2013.  Kính tặng Bác Cả kính mến.


Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

Thu này nhớ thu xưa


Bây giờ trời đã vào thu, độ giữa tháng mười, nơi miền Ngàn Đảo của tỉnh bang Ontario. Sau nhiều năm sinh sống nơi vùng sông nước Ngũ-Đại-Hồ này tôi mới kiểm chứng được cái hiện tượng khoa học mà dân nơi đây gọi là lake effect: nghĩa là khi bầu không khí bắt đầu trở lạnh sang thu thì khối lượng nước khổng lồ của Ngũ-Đại-Hồ Ontario sẽ bắt đầu làm việc nghĩa, dần dần tỏa nhiệt (đã được hấp thụ trong suốt mùa hè) ra để sưởi ấm bầu trời ven bờ hồ. Bởi vậy những cây Érables nơi vùng này mới chỉ vừa được tô điểm màu vàng, màu đỏ mà thôi; chẳng bù với những rừng cây phong nơi miền Đất Lạnh của chúng ta, nhứt là trên vùng núi của Lac-Beauport, giờ này chắc lá mùa thu đã rơi rụng gần hết, chỉ còn trơ lại những chiếc lá cuối cùng đang chờ đợi những trận bão tuyết đầu mùa cuốn đi thôi! Xin đừng trách mùa thu Québec sao quá lạnh, vì đây mới là nét đẹp riêng của miền Đất Lạnh Tình Nồng!

Trưa nào tôi cũng thường hay rảo bước dạo quanh bờ hồ của cái bán đảo nơi trường đại-học quân sự hoàng gia Canada tọa lạc.  Thực ra thì nơi đây ngày xưa đã là một trong những hòn đảo lớn của vùng ngàn đảo, nhưng người ta đã lắp đất của một con rạch bao quanh để biến hòn đảo thành một bán đảo rộng lớn hơn để xây cất khu đại học. Hôm nay bầu trời trong xanh không một áng mây che phủ. Cái màu xanh biếc đặc thù của mùa thu nơi xứ lạnh mà chúng ta không thể nào bắt gặp nơi những miền nhiệt đới, cho dù vào những ngày khô ráo mát mẻ nơi quê xưa.

Nhìn bầu trời xanh biếc tôi chợt nhớ đến một bức hình trong những tài liệu mà phái đoàn Gia-Nã- Đại đã tặng chúng tôi trước khi lên đường sang Québec. Đó là bức ảnh chụp một cây "pomme" đầy lá xanh, tô điểm thêm bởi những trái pommes màu đỏ thắm (chắc thuộc loại "Red Delicious"?), tất cả hiện giữa một bầu trời xanh thẫm, thực là một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp của miền Đất Lạnh.

Vào những ngày cuối tuần lúc mới đến Laval, nhóm năm đứa chúng tôi: Lê Khắc Huy, Nguyễn Cao Liêu, Trần Bửu Long, Bùi văn Tâm, Nguyễn Thanh Xuân, đã rủ nhau đi vòng quanh khu đại học chụp những tấm hình kỷ niệm, nhiều nhứt là trước Pavillon Vachon, với thảm cỏ xanh mướt. Một trong những tấm hình này tôi đã gởi tặng Chú Năm tôi ở Sài-gòn mà hôm hè rồi cậu em họ tôi đã tình cờ tìm thấy trong cái hộp đựng souvenirs của Chú tôi: thật giống như là thời gian đã quay ngược dòng trở lại!

Những ngày thu rồi cũng quá nhanh, tôi còn nhớ buổi trưa hôm ấy (vào giữa tháng mười) sau khi ăn trưa ở Pollack xong tôi vội vã trở lại trường, vừa ra tới parking Pollack, tôi đã say mê chiêm ngưỡng những bông tuyết bay lất phất trong nền trời màu xám đục: đây mới chính là bức tranh thiên nhiên thật sự mà hồi ở quê nhà tôi chỉ tưởng tượng ra khi nghe những tuồng hát cải lương như "tuyết phủ chiều đông" trên vùng núi Phú Sĩ của xứ sở hoa anh đào. Tôi vẫn còn nhớ, lúc ấy anh Võ Ngọc Bá (đã ra đi hơn mười năm nay!) đi đến sau tôi, và anh Bá đã cười hỏi tôi lần đầu tiên nhìn thấy tuyết rơi chắc là thích thú lắm? 

Đã qua biết bao mùa tuyết rơi, cứ mỗi lần nhìn thấy những bông tuyết đầu mùa tôi đều có cái cảm gíác rất đặc biệt của một người vừa mới đến xứ lạnh từ một miền nhiệt đới. Hai tuần lễ sau đó, vào một ngày giá buốt đầu tháng mười một, trước khi đi đến trường, tôi đã bắt radio để nghe tin tức, một tin đã làm tôi thật xao xuyến: tổng-thống của nước Việt Nam Cộng Hòa cùng với bào-đệ vừa mới bị sát hại bởi… rất nhiều người??? Và rồi đúng ba tuần lễ sau đó, trong một buổi chiều đầy tuyết rơi (đó là trận bão tuyết đầu mùa) sau khi tan học về lại Moraud, tôi đã xuống phòng TV xem tin tức, một tin tức và hình ảnh được trực tiếp đến từ thành phố Dallas, Texas, đã làm tôi và tất cả mọi người thời bấy giờ thật sự hoang mang!!

Đã qua rồi những kỷ niệm của mùa thu 50 năm trước, nhưng mà những kỷ niệm lúc ban đầu bao giờ người ta cũng nhớ mãi.

Đối với riêng tôi thì mùa thu năm ấy đã là một cái gạch nối giữa hai vùng quá khứ trong cuộc đời, hai quá khứ đã được ngăn cách rõ ràng bởi một đại dương.

Bùi văn Tâm, niên khóa 63


Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

Laval, ngày đầu thu

Nhóm 13 người chúng tôi đến Québec vào một ngày đầu Thu, tháng 9, 1963, ngơ ngác bước xuống tàu, chưa biết phải làm gì, đi đâu vì chẳng thấy ai đến đón cả. Thời gian chờ đợi có lẽ chỉ là 5, 10 phút nhưng đối với chúng tôi thật dài . Cuối cùng rồi các anh cũng xuất hiện. Anh Định, anh Rê, anh Mười Lăm,... Phần các chị  (Cúc, Hoa, Loan, Sen, Xuân) được đón đi trước, chắc chắn là đến chỗ ở an toàn. Riêng 7 người chúng tôi (Dương, Huy, Liêu, Long, Tâm, Thoại, Xuân), ngoài Kiện đã có anh Định lo, thì được chở về Biermans Moraud.
Theo như lời dặn của viên chức Plan Colombo ở Ottawa mà chúng tôi hiểu lỏm bõm thì lúc đến nơi sẽ có người đi đón và đưa về phòng nội trú. Chuyện đi đón theo các anh thì tự nguyện nhiều hơn là bắt buộc. Còn về chuyện phòng nội trú thì hoàn toàn không có, nhất là vì tình hình bất an trong nước đã làm chúng tôi đến muộn khoảng một tuần. Như vậy là chúng tôi không biết ngày mai và ngay cả tối hôm nay sẽ trú ngụ ở đâu. Dù sao thì cũng còn một an ủi là các bậc đàn anh bắt đầu tụ lại để hỏi han các người mới đến. Thỉnh thoảng có một người đi đến và hỏi: “ai là Nguyễn văn X”. Thế là bạn X đã có “bà con” và chắc là ít nhất cũng có chỗ tạm trú đêm nay.
Sau những thăm hỏi nhộn nhịp lúc đầu, mọi người, nhất là những người mới đến, đã bắt đầu mệt mỏi và một vài người đã bắt đầu theo "bà con" về ngơi nghỉ. Riêng tôi thì không biết phải làm gì, đi đâu nên vẫn đành ngồi lại phòng khách, xem ra phải qua đêm ở đó, lòng nặng trĩu không biết ngày mai sẽ ra sao. Bỗng nhiên nghe tiếng xôn xao ở cửa ra vào và một người hộc tốc đi vào vừa đi vừa hỏi "có người mới đến hả? Ở đâu?". Hình như bên ngoài đã có người chỉ dẫn trước nên anh ta đi thẳng lại chỗ của tôi và hỏi:
--Anh là người Huế phải không?
Nghe giọng nói tôi biết ngay anh ta cũng là người Huế. Thật là quá tốt, không có bà con thì tìm được đồng hương cũng tạm an ủi. Không những thế trông mặt anh ta rất quen. Bỗng nhiên tôi buộc miệng:
-- Có phải anh là Tuệ không?
-- Anh có quen biết với tôi lúc ở Huế?
-- Không. Nhưng tôi rất thích thể thao và đã từng xem anh đánh bóng bàn ở trường Quốc học.
Tuệ có vẻ thích thú vì gặp nhau xa nửa vòng trái đất vẫn có người còn nhớ tài đánh bóng bàn của anh. Có lẽ nếu không có những thắc mắc cấp thiết hơn thì có thể chúng tôi sẽ còn nói về bóng bàn hàng giờ nữa. Tuy nhiên Tuệ đổi đề tài và hỏi:
-- Lần này từ Huế có bao nhiêu người đi? Họ ở đâu rồi?
-- Chuyến này chỉ có ba người, hai nữ và một nam. Một người đã ở lại Montréal (Âu thị Minh Nguyệt) và một (Nguyễn thị Sen) thì đã được các anh khác đưa về chỗ trú ngụ rồi.
Như vậy là tôi cũng có người để tạm nhận là "bà con" và sau đó thì câu chuyện nổ dòn, không ngoài những chuyện về xứ Huế cũng như những biến động trong mấy tháng vừa qua. Dù sao không khí cũng vui tươi hơn trước đây chút ít tuy lòng tôi vẫn nặng trĩu lo âu về ngày mai nhưng cũng không dám hỏi vì theo các anh khác thì chúng tôi sang đây quá trễ nên các phòng nội trú đã được phân phối hết rồi. Không ngờ là sau một lúc chuyện trò, Tuệ bỗng hỏi:
-- Thế đã có phòng nội trú chưa?
-- Chưa?
-- Tôi có người bạn đã thuê phòng nhưng lại định dọn ra ngoài nên muốn nhường phòng lại.
Tuy nhiên ngày mai anh ta mới dọn ra, có được không?
Tôi không thể tưởng tượng tảng đá ngàn cân đè nặng lên tôi lại có thể được quẳng đi dễ dàng như vậy.
-- Được, được. Chờ một ngày thì đâu có vấn đề gì, nhưng có chắc chắn không?
-- Chắc chắn.
Bỗng nhiên có một giọng nói từ sau lưng tôi :
-- Anh còn phòng nào nữa, thuê giùm một phòng được không?
Quay lại nhìn phía sau, tôi thấy cả căn phòng khách bây giờ đã vắng, chỉ còn vài ba người ngồi trong góc. Tôi nhận ra người vừa đặt ra câu hỏi, ngồi bên cạnh tôi là Long. Trong chuyến bay từ Saigon đến Hồng Kông, Long ngồi bên cạnh tôi. Thành thật mà nói, tôi không có cảm tình mấy với anh chàng này. Trước hết anh ta cứ gọi tôi là “bồ”. Đối với người Huế thì “bồ” có một ý nghĩa đặc biệt và dứt khoát là tôi không muốn làm bồ của anh ta. Không những thế, lúc tôi muốn gợi chuyện để cho qua thì giờ thì anh ta cứ hỏi dồn dập “Bồ nói cái gì? Bồ nói cái gì?”. Làm như tôi nói tiếng thượng du không bằng. Tuy nhiên vào lúc này thì tôi hoàn toàn thông cảm mối lo nặng trĩu của Long và nhìn Tuệ như dò hỏi.
--Phòng thì thiếu gì nhưng hiện tại chưa có. Ngày mai tôi sẽ kiếm và sẽ cho biết.
Tuệ trả lời một cách miễn cưởng.
Chúng tôi lại tiếp tục câu chuyện khoảng chừng 10 phút thì Tuệ bỗng giật mình hỏi:
--Thế tối nay ngủ ở đâu?
--Chắc là ngủ tạm ở phòng khách này chờ ngày mai lấy phòng.
--Không được đâu, chắc là ông concierge không chịu. Anh ngồi chờ một chút để tôi đi kiếm xem
thử có chỗ không?
Tôi cũng hơi thầm phục anh chàng Tuệ này nhưng cũng không mấy tin tưởng lắm. Làm sao có thể tìm phòng tạm cho một đêm ngoại trừ bạn bè thân thiết cho ngủ chung. Chừng khoảng 10 phút sau thì Tuệ trở lại cho biết là có phòng rồi nhưng phòng hơi chật nên phải chịu khó một chút. Đối với một người mới từ Việt Nam sang như tôi thì có phòng là thần tiên rồi. Từ nhỏ đến lớn tôi cũng chưa hề có một phòng cho riêng mình bao giờ nên chật hẹp hoàn toàn không phải là vấn đề. Long lại lên tiếng hỏi:
--Anh có thể kiếm thêm một chỗ ngủ cho tôi được không?
Tuệ hơi ngần ngừ:
--Chỉ có một phòng và chỉ có một cái giường “ét” mà thôi
Long ngẩn người ra hỏi:
--Là giường... gì?
Đã nói chuyện với Long trong những ngày qua, tôi biết anh ta nghe giọng Huế còn chưa xong huống hồ là những thổ ngữ “đặc sệt” Huế như vậy nên vội giải thích:
--Là giường chỉ đủ cho một người ngủ mà thôi
Tuệ nói tiếp:
--Thật ra thì giường có 2 tấm nệm và tụi này vẫn thường trải một tấm xuống đất để có thể ngủ 2 người thoải mái. Tuy nhiên vì đây là phòng của anh bạn y tá cho nên có mấy cái tủ thuốc trong phòng và không còn chỗ để trải nệm xuống đất. Chỉ còn cách là một người nằm dưới đất hoặc là 2 người nằm chung trên giường, cũng khá chật chội.
Tôi và Long cũng không còn chọn lựa nào khác là vào trong phòng thuốc rồi sẽ tính sau, dù sao cũng còn tốt hơn nhiều so với việc ngủ ở phòng khách. Tuệ chia tay ra về nhưng cũng không quên nhắc là sáng phải dậy sớm để anh bạn y tá có phòng làm việc.
Đúng như Tuệ đã mô tả, vì có kê mấy tủ thuốc nên phòng không có chỗ để trải nệm xuống đất và sàn nhà thì khá lạnh nên chúng tôi chỉ còn cách là ngủ chung. Giường cũng khá chật tuy nhiên từ nhỏ tôi cũng thường ngủ chung với người em trai trên một chiếc giường chỉ hơi rộng hơn giường này chút ít nên không có vấn đề gì.
Sau một ngày mệt nhọc, tôi nằm xoay mặt vào tường cố dỗ giấc ngủ. Nhưng làm sao có thể ngủ được đây sau một ngày nhiều biến động và lo lắng. Long chắc cng cùng tâm sự nên cứ trăn trở. Tôi quay người lại hỏi:
-- Ngủ không được hay sao? 
-- Tui buồn quá bồ ơi. Chán quá !
-- Chuyện gì bắt đầu thì cũng có khó khăn, rồi cũng sẽ qua đi. Đừng lo gì cả. Nếu ngày mai tôi có phòng thì hai đứa mình ở chung. Không có mấy tủ thuốc thì trải tấm nệm xuống đất còn rộng chán. Thôi, ngủ đi mai còn phải dậy sớm trả phòng cho người ta và ghi danh đi học nữa.
Tôi lại quay mặt vào trong cố tìm giấc ngủ. Dường như Long cảm thấy hơi yên tâm hơn một chút cho nên từ từ nằm xuống.  
Và cả hai chúng tôi thiếp đi lúc nào không biết, chấm dứt ngày đầu tiên ở Laval.

khắc Huy
Tháng 5/2013


Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

Góp nhặt những bài Mùa Thu trong các số Ngày Nay từ 1937-1939

Góp Nhặt những bài Mùa Thu rất hiếm hoi
trên tuần san Ngày Nay từ 1937 đến 1939

Tranh bìa cuối cùng về Trung Thu của tuần san Ngày Nay - 1937

Ngày Nay số 81 - 1937
Ngày Nay số 132 - 1938
Ngày Nay - 1938

Ngày Nay - 1938
Ngày Nay số 136 - 1938

Ngày Nay - 1939
Ngày Nay - 1939




Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2013

Kinh tế VN mùa thu 2013: những mảng sáng tối

Trong loạt bài "Thư từ Saigon"

Kinh tế VN 
mùa thu 2013: 
những mảng sáng tối

TS. Phạm Đỗ Chí
Chưa năm nào có nhiều hội thảo và tranh luận sôi nổi về hiện trạng nền kinh tế như năm nay. Các giới chức và chuyên gia trong chính phủ thì cho là kinh tế Việt Nam đã ổn định khá và đang phục hồi. Vài đại biểu và chuyên gia Quốc Hội thì nhìn thấy “màu xám”, còn vài chuyên gia ngoài chính phủ hay nhiều nhóm dân cư lại vẫn thấy “màu tối”, theo báo chí. Chuyện gì đang xảy ra?
Một nhận định của nhiều người trong kỳ hội thảo mùa thu về Kinh tế[1] mới đây là nền kinh tế đang rất xấu với nguy cơ “vỡ trận tài chính” trong năm 2014 và triển vọng trung hạn 2013-15 cũng không mấy sáng sủa vì việc tái cấu trúc kinh tế chưa được triển khai hiệu quả bằng hành động. Riêng trong phát biểu mở đầu, TS Trần Đình Thiên gọi kinh tế VN vẫn đang mò đáy, chứ chưa thoát đáy như vài nhà kinh tế khác lạc quan hơn đã nhận định mới đây.

Thêm một chuyên gia độc lập nhận xét là tình trạng sản xuất trong nền kinh tế VN gần như tê liệt vì các doanh nghiệp thi nhau phá sản hay đóng cửa từ 2011, tăng trưởng GDP có thể trì trệ hơn và nạn thất nghiệp gia tăng mạnh hơn các con số chính thức, gây ra các tệ nạn xã hội báo động. Trong khi chính sách tín dụng trong cả nước cũng hoàn toàn nghẽn mạch—một phần vì doanh nghiệp không đủ sức hấp thụ và vì ngân hàng không muốn cho vay (với thanh khoản yếu do nợ xấu gây ra).

Nói chung, hoạch định chính sách kinh tế có thể khó khăn hơn nếu không được dựa trên dữ kiện rõ ràng hay chính xác (economic planning without facts), như nhà kinh tế nổi tiếng Kornai đã từng cảnh cáo cho nền kinh tế Hung ga ri thời còn bao cấp.

Bài trình bầy của nhóm nghiên cứu Chương trình Giảng dạy Fulbright ở Saigon qua Giám đốc Nguyễn Xuân Thành[2], phân tích trong 4 động cơ liên quan đến tăng trưởng thì 3 “động cơ nội” trục trặc, chỉ có một động cơ “ngoại” là khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang chạy tốt, và nhận định quan trọng là 3 động cơ nội trục trặc là do bị ảnh hưởng của thể chế kinh tế (khu vực quốc doanh làm chủ đạo), động cơ ngoại chạy tốt do không bị ảnh hưởng hoăc bị ảnh hưởng rất ít của thể chế trong nước. Tỷ trọng giá trị gia tăng của khu vực FDI trong GDP là 13% năm 2000, đến năm 2012 tỷ lệ này tăng khoảng 7 điểm phần trăm lên xấp xỉ 20%; lượng tiền chi trả sở hữu thuần ra nước ngoài (chi trả sở hữu – thu từ sở hữu) của năm 2012 tăng khoảng 25 lần so với năm 2000 và nếu loại trừ yếu tố giá thì tỷ lệ này cũng tăng xấp xỉ 9 lần.

Điều này làm nổi bật một điều là do đóng góp đáng kể của FDI vào tăng trưởng GDP, thu nhập quốc gia gộp (GNI—gross national income) không tăng nhanh theo cùng mức với GDP, và thu nhập lẫn tiêu thụ nội địa đều yếu dẫn đến mức tổng cầu yếu đã được ghi nhận từ ba năm qua. Từ những lập luân trên phải chăng càng tăng trưởng GDP theo kiểu này thì luồng tiền và của cải của đất nước càng sụt giảm, trong khi FDI càng thu lợi nhờ nhân công và thuê đất rẻ lại tránh được thuế (xem dưới đây)?

Mặt khác, khi đã xác định được sự đình trệ của khu vực sản xuất trong nước phần lớn là do thể chế thì các nhà họach định chính sách có thể cải thiện thể chế để phục hồi cơ cấu sản xuất và cả nền kinh tế. Việc cải thiện thể chế không chỉ đơn giản là cải cách hành chính hay chống tham nhũng như một số giới kêu gọi, hay là giãn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, mà chính là thiết lập thật sự sân chơi bằng phẳng, minh bạch đối với khu vưc tư nhân và nông nghiệp. Đây chính là nền tảng thiết yếu của chính sách tái cơ cấu kinh tế đang muốn thực hiện bởi chính phủ. Vì nến tảng chưa được thiết lập, việc áp dụng mới bị bế tắc!

Điều này không tốn kém nhưng cũng rất khó khăn vì phải tái cơ cấu tư duy của các nhà lãnh đạo và điều hành kinh tế! Việc đạt được thành tích tăng trưởng cao ngắn hạn mỗi năm thực sự không quan trọng bằng việc phục hồi 3 động cơ “nội”, theo cách phân tích nói trên của nhóm Fulbright.
Từ nghiên cứu quan trọng của nhóm này, chúng ta cũng có thể suy nghĩ thêm về những mảng sáng tối, và những lý do đàng sau, của bức tranh kinh tế Việt nam khá phức tạp năm nay với các diễn đạt khác biệt từ những góc nhìn khác nhau.

Cả nền kinh tế nói chung vẫn trong tình trạng tương đối trì trệ của 2 năm trước với mức GDP thực tế chỉ tăng quanh 5% (con số chính thức được coi là lạc quan!). Nhưng phần lớn tăng trưởng được ghi nhận là do nhóm sản xuất FDI . Và đó cũng là lý do cho điểm sáng hiếm hoi của xuất khẩu vẫn tăng khá năm nay. Nhưng với các kỹ thuật chuyển giá để khai lỗ của nhóm doanh nghiệp FDI, đóng góp vào thuế doanh nghiệp của khu vực này gần như rất ít, trong khi các doanh nghiệp tư  nhân ngoài FDI và nhà nước thua lỗ nên không thể đóng thuế: thêm một lý do cho thất thu thuế năm nay, ngoài chuyện trì trệ sản xuất.

Ngoài ra do tình trạng suy yếu của sản xuất nói chung, mức nhập siêu 10-12 tỷ USD của các năm trước 2011 đang trở thành xuất siêu, giúp cho cán cân vãng lai và thanh toán tổng thể được thặng dư, và là lý do căn bản làm bớt được áp lực tỷ giá.

Áp lực lên tỷ giá cũng bớt đi do chuyên độc quyền vàng miếng SJC làm bớt nhu cầu nhập lậu vàng. Trong khi NHNN có thể hân hoan với kết quả này, câu hỏi bất cập khác xuất hiện là khối vàng trên 60 tấn do NHNN độc quyền bán ra đã đi đâu? Khoảng 30 tấn được giải thích là cho nhu cầu tất toán của hệ thống ngân hàng trong năm, nhưng còn hơn 30 tấn vàng kia đi đâu? Báo chí xuất hiện thêm loạt bài nói là “tham nhũng ưa chuộng vàng miếng”, làm dấy lên mối lo ngại trước đây về các kênh tẩu thoát của vàng không được mong muốn, một câu hỏi nhức nhối khó trả lời và cần thời gian.

Chuyện bán ra khối vàng quan trọng cùng với việc phát hành 170.000 tỳ đồng trái phiếu chính phủ cũng được coi là hai biện pháp giúp rút bớt khối tiền đồng lưu hành để tránh áp lực lạm phát do việc NHNN mua vào thành công khối dự trữ ngoại hối tăng đến mức kỷ lục 28 tỷ USD, so với sự thất bại năm 2007 do thiếu biện pháp này để trung hòa khối tiền đồng tung ra để mua khoảng 10 tỷ USD do FDI và đầu tư gián tiếp FII mang đến. Câu hỏi đặt ra là tiền lớn đều chui vào vàng và chi tiêu chính phủ, còn đâu “room” cho đầu tư của tư nhân khi bị khu vực chi tiêu chính phủ chèn ép?

Sau hết, sản xuất trì trệ nói chung trên đây cũng gây trở ngại cho mức tổng cầu và hấp thụ tín dụng của nền kinh tế. Do đó, tín dụng  mới tăng hơn 6% cuối tháng 10 và cả năm khó đạt mục tiêu tăng 12%, và là nguyên nhân chính giúp giảm áp lực lạm phát.

Về nhu cầu chính sách tương lai trong ngắn hạn, có 2 luồng ý kiến: thứ nhất là kích cầu từ đầu tư công qua nới rộng mức độ bội chi ngân sách và thứ hai là “kiên trì” ổn định kinh tế vĩ mô. Việc “kích cầu”, qua đầu tư công thiếu hiệu quả, có thể nhất thời làm tăng GDP nhưng không bền vững và chỉ nhằm mục đích “thành tích” ngắn hạn, và một vòng xoáy lạm phát – suy trầm bị e ngại sẽ lại tiếp diễn trong năm 2014 như đã xảy ra các năm trước đây. Hơn nữa trong lúc các tỉnh thành lớn đều hụt thu nội địa thì việc nâng trần bội chi ngân sách quốc gia (lên 5,3% cho năm nay và năm tới) để dáp ứng việc giải quyết tăng GDP ngắn hạn là một việc không nên làm trong lúc này.

Điều gây bức xúc nhất vẫn là chính sách trung hạn: tiếp tục in trái phiếu khoảng 150.000-200.000 tỷ mỗi năm như lối ra cho chính sách tài khóa theo dự kiến hiện tại quả là không ổn cho bức tranh lạm phát và tổng thể. Và không giải quyết được nghẽn mạch tín dụng bằng việc tiếp tục vô thời hạn các biện pháp hành chính hiện nay trong chính sách tiền tệ, thay vì các biện pháp thị trường, do chính NHNN đã khổ công xây dựng trong nhiều năm trước đây mà kinh tế đất nước cũng đã rất quen thuộc-- mới là chuyện quan trọng: liệu có thể để các doanh nghiệp tiếp tục dẫy chết và guồng máy sản xuất suy đốn thêm?

Nhìn chung, búc tranh kinh tế 2013 có những điểm sáng như xuất khẩu tăng, tỷ giá ổn định, lạm phát giảm dần, được một số nhà kinh tế quen thuộc trong nước ngợi khen, nhưng nghĩ kỹ đều phản ánh những tia sáng le lói khó bền vững, vì chỉ đi ra từ sự kiệt quệ của nền kinh tế tư nhân với hàng chục ngàn doanh nghiệp đóng cửa hay lỗ nặng hàng tháng. Cạn nguồn thuế, ngân sách không thể kéo dài chuyện in tiền qua phát hành trái phiếu của chính phủ hay của các doanh nghiệp nhà nước được bảo lãnh. Đây không thể là tình trạng kéo dài thêm được lâu nữa.

Trong phần tóm tắt kết luận hội thảo, một nhân vật hữu trách quan trọng khẳng định là nền kinh tế không hề tê liệt để trả lời thẳng vào nhận xét chuyên gia trên đây, nhưng lại cũng hoàn toàn im lặng về các đề xuất thay đổi thể chế như nêu trên. Thay vào đó, vị này nhấn mạnh về yếu tố phục hồi tăng trưởng cho năm tới, và nêu nhận xét là các chuyên gia đã rõ ràng và đồng thuận trong phần nhận định hiện trạng, nhưng chưa đưa ra được các giải pháp chính sách phục hồi kinh tế cụ thể. Và hình như đó là bế tắc của khóa hội thảo mùa thu, cũng như của nền kinh tế suốt bốn mùa!

Trước bế tắc đó, phải chăng cần nghĩ đến giải pháp “cuối cùng” như chuyên gia Võ Đại Lược vừa đề nghị với Ủy ban Kinh tế Trung ương là mời IMF trở lại để trợ giúp cả kỹ thuật lẫn tài chính? Kỹ thuật vì họ có cái nhìn khách quan vượt trên được các nhóm lợi ích và có thể giúp tái lập bức tranh tổng thể với số liệu chính xác. Tài chính vì nhu cầu vốn để xóa món nợ xấu ngân hàng cũng như giảm khối nợ công quốc gia khổng lồ (ước tính vượt 100% GDP, gồm cả nợ của các doanh nghiệp nhà nước do chính phủ bảo lãnh) có thể lên đến 40-50 tỷ USD, con số ít ai dám nghĩ đến, nhưng là số dựa vào kinh nghiệm trợ giúp của IMF cho Thái lan và Nam dương.



[1] Do Ủy ban Kinh tế Quốc Hội tổ chức ở Huế vào hai ngày 26-27/9/2013.
[2] Tóm tắt của TS Bùi Trinh trong một bài viết ngắn chưa xuất bản.