Thứ Ba, 5 tháng 11, 2013

Giới thiệu Phan Nhật Nam và truyện Em Tôi

Cùng trong lọat bài "Viết để nhớ"



Tôi mới quen anh Phan Nhật Nam khoảng mười mấy năm.
Mười mấy năm có là gì trong suốt cuộc đời?
Trước đó anh Nam và tôi, mỗi người một cuộc sống.
Tôi đi du học trước khi binh biến trong khi anh Nam và bao nhiêu bạn bè khác thì Mùa Hè Đỏ Lửa.

Chắc cũng là cái số.

Anh Nam được ra tù sau 14 năm tù và biệt giam.Anh đã viết Dấu Binh Lửa (1969), Dọc Đường Số Một, Ải Trần-gian (1970), Mùa Hè Đỏ Lửa (1972), Dựa Lưng Nỗi Chết (1973) và Tù Binh và Hòa Bình (1974).
Những tác phẩm của anh Nam đều lấy Chiến tranh Việt Nam làm bối cảnh.
Năm 1993 anh Nam sang Mỹ và viết Những Chuyện Cần Được Kể Lại, (ấn bản tiếng Anh dưới tựa The Stories Must Be Told), Đường Trường Xa-xăm (1995), Đêm Tận Thất-thanh và Mùa Đông Giữ Lửa(1997).
Phan Nhật Nam vừa ra mắt hai tác phẩm mới tháng 10/2013: Phận Người Vận Nước và Chuyện Dọc Đường.

Tôi thấy nhiều người mình diễm phúc còn Nam, Mùa Hè Đỏ Lửa, lận đận gian nan.

Một năm, nhà văn Phan Nhật Nam được mời sang Montréal, Canada nói chuyện.
Một anh Mũ Đỏ điện thoại cho tôi, kiếm một chỗ ở thoải mái cho Nam.
Tôi sửa soạn căn phòng, để ... Nhà Văn Phan Nhật Nam đến ở vài ngày.

Phòng sẵn sàng, có rượu có bia, giường êm, nệm ấm.

Anh Nam đến.
Tôi chào Anh.
Anh Nam chào, chào bác.

Tôi dẫn anh Nam đi xem nhà. Đây là phòng của bác.

Mình ăn tối rồi mai bác còn đi diễn thuyết.

Gần đến đêm, gõ cửa hỏi anh Nam, bác có cần gì không thì thấy anh Nam ngủ trên sàn nhà.
Sao bác không ngủ trên giường lại nằm trên sàn?
Mười bốn năm tù và bao năm biệt giam bác ạ, cả ngày không thấy ánh sáng, chỉ đếm từ 32 đến 35 hạt ngô chúng cho ăn là biết trưa hay chiều.
Chúng xích chân xích tay trên một tảng xi măng, nên bây giờ ngủ trên sàn gỗ đã sung sướng quá rồi.

Tôi đóng cửa và đi ra không nói một lời.

Tôi tự nhiên nghĩ đến một câu, trích trong hàng đầu của Phim Truyện Tử Tế khi mới có phong trào  ... Đổi Mới:
Chỉ Có Loài Súc Vật Mới Vui Trong Nỗi Khổ Của Đồng Loại Mình.

Truyện phim kể những gì Về Vĩ Đại, Chính Phủ Nhân Dân, Giám Sát Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Lò Gạch Nhân Dân, và cả hình một em bé 9, 10 tuổi nói các chú ạ, mấy truyện Vĩ Đại, chúng cháu bây giờ sợ lắm rồi.

Chuyện bây giờ cũng vậy, cướp của của Nhân Dân, ức hiếp Nhân Dân, bịt miệng Nhân Dân, bỏ tù Nhân Dân, ...
Cũng chỉ vì trồng người phải trăm năm mà.

Đến cuối phim mới biết câu
Chỉ Có Loài Súc Vật Mới Vui Trong Nỗi Khổ Của Đồng Loại Mình.
là của ĐC Lê Nin vĩ đạị.

Những ngày sống bên bạn, nhà văn Phan Nhật Nam vẫn viết bình luận về chiến tranh, chiến thuật, chiến lược, còn tôi vẫn những bài văn lẩm cẩm, kiểu Em Ơi Chiều Nay Có Mình Anh, chẳng cô nào biết để mà yêu.

Một hai tuần nay đọc lại bài Em Tôi của anh Nam.
Nghĩ đi, nghĩ lại, tôi viết cho Đất Lạnh đề nghị cho tôi viết vài hàng về Nhà Văn Phan Nhật Nam và truyện Em Tôi của anh.

Tôi cũng theo nghi lễ, xin phép anh Phan Nhật Nam, để Đất Lạnh , báo SV Québec, từ gần nửa thế kỷ, đăng bài Em Tôi.
Anh Nam nói các bác cứ đăng.

Thôi hy vọng đâu vào đó , trước khi TS/HS không phải của VN.

Các anh, các chị đọc một hay lần nữa về Truyện Em Tôi.
Buồn và thương nhớ.
Khi cha đi tập kết em mới lên ba và anh vừa chín tuổi, quyền huynh thế phụ. Rồi mẹ mất khi em mới mười ba.
Đó mới là chuyện cần viết.

Viết lại hai câu tặng bạn:

Bây giờ em biết anh về được,
Mà biết bao giờ anh thấy em.

Viết cho Nam và cho Em Tôi Nam vẫn còn thương nhớ, đứa em mất cha khi mới lên ba rồi sau này, em và anh mất cả cha lẫn mẹ.

Điệp.


4/11/2013.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét