Cùng trong loạt bài "Viết để nhớ!"
Hình như đa số những đứa chúng tôi, những đứa học trường trung học Nguyễn Trãi SG và lớn lên ở miền Nam sau 1954, đứa nào cũng biết chút đỉnh về các văn thi sĩ miền Nam trước 75 (mà tôi viết tắt là VTSMNT75).
Riêng cá nhân
tôi vì đi phải rời quê hương sớm lúc còn trẻ nên tôi không biết nhiều về các VTSMNT75 và khi nói
đến VTSMNT75 tôi chỉ nêu ra được một số tên tuổi các văn nghệ sĩ nổi tiếng thời
tôi còn học ở trung học NT như Nguyễn Mộng Giác, Nhã Ca, Mai Thảo, Võ Phiến,
Nguyễn Thị Hoàng, Duyên Anh, Hồ Hữu Tường, Vũ Khắc Khoan, Dương Nghiễm Mậu, Phạm
Công Thiện, Thanh Tâm Tuyền, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Lê Xuyên, Doãn Quốc Sỹ,
Duy Lam, Vũ Hoàng Chương, Phan Nhật Nam, Đinh Hùng, Bùi Giáng, Nhất Linh, Nhật
Tiến, Nguyên Sa, Nhất Hạnh và Tuệ Sỹ qua các tác phẩm tôi đã đọc được trước khi
rời quê hương. Còn những tác phẩm của các VTSMNT75 khác như Trùng Dương, Lê Huy Oanh,
Thế Uyên, Tạ Tỵ, Tạ Ký, Ngô Thế Vinh, Thái Lãng, Nguyễn Đình Toàn, Tô Thùy Yên,
Đỗ Quý Toàn, Đặng Tiến, Viên Linh, Quách Thoại, Nguyễn Sỹ Tế, ni sư Trí Hải
v.v… thì mãi sau này tôi mới được dịp biết đến. Và tôi biết danh sách này chắc
chắn vẫn còn rất nhiều thiếu sót và dần dà với thời gian tôi tin rằng sẽ có dịp
được đọc thêm và bổ túc trong tương lai.
Có một số những
VTSMNT75 mà tôi xin lược thuật dưới đây từ các tài liệu tôi thâu nhặt được trên
mạng như talawas.org, http://vietsciences.free.fr/, và VN
Thư Quán và những tác phẩm đã được ấn loát ở Hoa-Kỳ (qua Thư Ấn Quán của văn sĩ
Trần Hoài Thư hiện cư ngụ ở Hoa Kỳ). Lược thuật này thật ra là để trả lời câu đố
vui để học của nhóm NT chúng tôi tháng trước nhưng cũng là để giới thiệu một
vài VTSMNT75 mà ít người biết đến, hoặc chỉ nghe tên nhưng chưa có dịp đọc tác
phẩm của họ.
Tôi tìm thấy qua
các tác phẩm đã đọc này một nền văn học trước 1975 mang đậm tính nhân văn mà
các văn thi sĩ miền Nam đã góp phần bồi đắp. Những nhà văn nhà thơ này đã góp
công xây dựng một nền văn học miền Nam, nay đã ít nhiều bị lãng quên, trong đó
họ đã mang đến cho chúng ta những nét đẹp và những cảm nhận chân thật của văn học
nghệ thuật miền Nam và họ chưa bao giờ phải đánh bóng cho chế độ hay xã hội khi
họ đang sống và viết. Những tác giả đó là:
Võ Hồng: Ông
sinh năm 1923, quê quán ở Phú Yên và cư ngụ tại Nha Trang (ông vừa qua đời gần
đây). Trước 1975, ông từng là hiệu trưởng trường trung học Lương Văn Chánh (Phú
Yên). Sau này ông dạy học ở Nha Trang. Ông xuất bản khoảng 30 tác phẩm, trước
và sau 1975. Người ta tìm đến ông, biết
nhiều đến ông bởi nhân cách của ông trong cuộc sống và trên những trang giấy.
Cũng như phần lớn người Việt chúng ta, Võ Hồng đã sống trong một bối cảnh bi
thương của chiến tranh. Ông sống và viết bằng kinh nghiệm sống. Giọng văn ông
bình dị, nhiều khi mộc mạc. Cuộc đời của ông là ngòi bút và những tác phẩm để
trả nợ quê hương đã nuôi dưỡng ông. Những tác phẩm đặc sắc của ông gồm có: Một
Bông Hồng Cho Cha, Áo Em Cài Hoa Trắng, Bên Đập Đồng Cháy, Thiên Đường Ở Trên
Cao, Vẫy Tay Ngậm Ngùi, Trong Vùng Rêu Im Lặng, Chia Tay Người Bạn Nhỏ, Chúng Tôi
Có Mặt, Trầm Tư, Hoài Cố Nhân, Vết Hằn Năm Tháng, Con Suối Mùa Xuân, Như Cánh
Chim Bay, Người Về Đầu Non….
Xin các bạn hãy
cùng đọc vài dòng trong Một Bông Hồng Cho Cha:
“Gần như mọi người con, cuối cùng
đều âm thầm tự trách, lặng lẽ xót xa. Cha biết trước tâm trạng đó, phòng xa
ngày nào mình từ trần con mới chợt ân hận muộn màng, nên trong mỗi bức thư gởi
con, cha đều kết thúc bằng sự bằng lòng, rằng con đã học hành thành đạt và cha
mãn nguyện, cha vui. Lòng vị tha, lòng hy sinh cho con kéo dài mãi sau khi nhắm
mắt.
Báo hiếu đâu chỉ món quà, mà có thể
đôi tháng gởi một bức thư. Nội dung đâu đòi hỏi cao siêu, chỉ cần mươi dòng
lược kể một chuyện đã nghe, một điều vừa thấy. Thì cũng như bè bạn gặp nhau,
chào nhau một câu rất nhảm mà vẫn rất cần. “Đi đâu đó? Mạnh giỏi?” Sinh nhật
cha, tặng một cành hoa. Nếu ở thành phố xa, hai ba đứa con gởi về hai, ba bức
điện chúc mừng, tốn không bao nhiêu mà tạo được sự rộn ràng tới tấp. Niềm vui
tinh thần đâu thua bữa tiệc cao lương?
Ngày Vu Lan, nhiều chùa tổ chức lễ hội
Bông hồng cài áo. Hoa hồng tượng trưng cho mẹ. Để tỏ lòng thương nghĩ tới cha,
nhiều nơi buộc thêm dải nơ tượng trưng cho cha. Cha còn: nơ xanh. Cha mất: nơ
trắng. Lễ đường xếp thành bốn dãy, dãy cha mẹ song toàn: hoa hồng nơ xanh. Mẹ
còn, cha mất: hoa hồng nơ trắng. Mẹ mất, cha còn: hoa trắng, nơ xanh. Mẹ cha
đều mất: hoa trắng, nơ trắng. Người dự lễ đứng theo hoàn cảnh của mình. Có lần,
một em nhỏ tuổi chừng lên tám đứng trong hàng hoa trắng nơ trắng. Em nhìn
quanh, tủi thân khóc òa và cả lễ đường cùng khóc òa theo.
Cha cũng như mẹ, rồi sẽ một ngày:
Đỉnh hoa biểu từ khơi bóng hạc
nên mỗi người con đều phải vội vàng.
Trả hiếu không bao giờ đủ, không được coi là dư bởi tình cha thương con là “cho” chứ không phải “cho vay” để có thể gọi là trả
đủ”
Y Uyên: Ông
sinh năm 1943 tại làng Dục Nội (Hà Nội). Năm 1954 di cư vào Nam cùng gia đình,
cư ngụ tại Hạnh Thông Tây (Gò Vấp). Ông Y Uyên tốt nghiệp sư phạm Sài Gòn năm
1964, dạy học và sau nhập ngũ khoá 27 sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Mãn khoá về đóng
tại Phan Thiết. Không lâu sau đó ông đã bỏ mình trong trận phục kích dưới chân
núi Tà Lơn (Phan Thiết, có sách viết Tà Dơn) năm 1969. Ông được coi là một cây
bút có phong cách viết riêng biệt và hầu như tất cả những tác phẩm của ông đều
viết về chiến tranh. Tuy thế, những chuyện ông viết về chiến tranh không bao giờ
có súng đạn nổ ầm ĩ hay cảnh quân hai bên bắn nhau như cách viết của Phan Nhật
Nam mà lại là những điều bị cuộc chiến xô đẩy tới bờ vực của đổ nát, tang
thương. Những tác phẩm đặc sắc của ông gồm có: Tiền Đồn, Người Đàn Bà Mang Thai
Trên Kinh Đồng Tháp, Bên Ngoài Khán Đài, Bão Khô, Mùa Xuân Mặc Áo Vàng, Cỏ Heo
May Hà Nội…Các bạn có thể vào tủ sách của talawas.org để đọc trọn vẹn truyện
Bão Khô của Y Uyên.
Hoài Khanh: Ông sinh năm 1923 tại Phan Thiết. Hiện cư ngụ
trong nước. Trước 1975 ông là thư ký toà soạn tạp chí Giữ Thơm Quê Mẹ. Ông đã
xuất bản trên 10 tác phẩm gồm thơ và các sách chuyển ngữ. “Dâng rừng” là tập
thơ đầu tay của ông xuất bản năm 1957. Trích đây một đoạn thơ của Hoài Khanh để
chúng ta cùng hình dung tính chất bình dị hồn nhiên trong cách sử dụng ngôn ngữ
đầy rung cảm của ông:
Vì
em là tiếng thiên thu
Hoá thân vô cõi ngục tù nhân gian
Cho nên mộng cũng hoang tàn
Thiên thu ơi cứ phụ phàng nữa đi
Những tác phẩm thơ đặc sắc của ông gồm có:
Hỡi người tóc suối áo bay, Thân phận, Gió
bấc trẻ nhỏ đoá hồng và dế, Hơi thở ánh trăng và mặt đất…
Từ Thế Mộng: Ông
sinh năm 1937 tại Huế. Sĩ quan bộ binh Trung Đoàn 47 thuộc SĐ 22/BB. Mất năm
2007 tại Phan Thiết. Thơ ông rất lạ:
Ước
chi là chiếc cặp da
Để em ôm siết nõn nà tay nương
Trong tập văn
Dáng Mẹ Trăm Chiều, ông dùng văn chương để nói lên nỗi lòng của mình về một người
Mẹ ông hằng luôn kính trọng và biết ơn qua những năm tháng sống bên Mẹ trong tuổi
thơ cơ cực: « Má lầm lũi nuôi con, cánh xoè khói súng. Không phải một lần
mà biết bao nhiêu lần như vậy, má lao vào cõi tơi bời đó, không chần chừ, e ngại.
Má kiệt sức ! Má như trườn như lết, chịu tủi chịu nhục… ». Ông còn được
bạn bè gọi là thi sĩ mê gái. Trong « Biển màu hoa vàng » ông viết:
Biển
đang xanh
Bỗng dưng vàng rực đến
Em bỗng dưng vàng
Áo mỏng manh…
Gót chân son
Em qua
triền cát lún
Sao dấu chân
In tận trái tim
mình
Những tác phẩm đặc
sắc của ông gồm có: Lẽo đẽo một phương quỳ, Dáng Mẹ trăm chiều, Thơ Từ Thế Mộng,
Trường ca má thân yêu…
Nguyến Bắc Sơn: Ông
sinh năm 1944 tại Phan Thiết. Thơ ông được xem như có một phong cách ngang tàng
và đầy khẩu khí. Đây hãy nghe NBS thốt lên:
Chiến
tranh này cũng chỉ một trò chơi
Suy nghĩ làm gì lao tâm khổ trí
Lũ chúng ta sống một đời vô vị
Nên chọn rừng sâu núi cả đánh nhau
Những tác phẩm đặc
sắc của ông gồm có: Chiến tranh VN và tôi, Căn bệnh thời chiến, Bài hát khổ nhục,
Tiệc tẩy trần của người sống sót…
Phạm Ngọc Lư: Ông
sinh năm 1946 tại Thừa Thiên. Hiện cư ngụ
trong nước. Tốt nghiệp trường quốc gia sư phạm Qui Nhơn sau đó dạy học ở Tuy
Hoà. Thơ văn ông nói nhiều về sự cùng cực của những năm tháng nhọc nhằn mưu
sinh trong thời buổi nhiễu nhương. Ông viết:
Mười lăm năm nát thân Kiều
Còn
thân ta nát bao nhiêu năm rồi
Đoạn trường
tuế nguyệt gấp đôi
Từ
đêm trắng mộng, vốn lời trắng tay !
Những tác phẩm đặc sắc của ông gồm có: Đan tâm, Mây nổi…
Khuất Đẩu: ông
sinh năm 1940 tại Bình Định. Trước năm 1975 ông dạy học tại Khánh Hoà. Đọc văn
ông, người ta thường thấy có những bối cảnh, những diễn biến rất bi thảm. Những
nhân vật trong văn ông phải chịu những tấn tuồng đầy tủi nhục và oán hờn. Giọng
văn thản nhiên của ông khi miêu tả những cảnh tượng đấu tố, bắt bớ, giết người
v.v…khiến người đọc rùng mình. Đây là một đoạn trong Những Tháng Năm Cuồng Nộ: “…trong khi mọi người đang ngẩn ngơ và người
đàn bà chửa đang đỏ mặt mắc cỡ vì cái bụng to kềnh của mình thì cô Thành (ghi
chú: cô này là cán bộ Việt Minh trong truyện) nghiêng bàn tay như một cái dao
kéo từ ngực kéo xuống. Cô nói mổ bụng lôi đứa nhỏ trong này ra ! Tức thì có nhiều
tiếng rú thất thanh, nhiều người đưa tay ôm mặt không dám nhìn. Người đàn bà chửa thì ngất xỉu tự bao giờ,
chân tay lạnh ngắt…”.
Vũ Hữu Định: Ông
sinh năm 1942 tại Thừa Thiên, sinh sống tại Đà Nẵng. Ông đã nổi tiếng với bài
thơ “Còn một chút gì để nhớ” đã được phổ nhạc sau này mà tôi xin trích một đoạn
ở đây:
Phố
núi cao phố núi đầy sương
Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn
Anh khách lạ đi lên đi xuống
May mà có em đời còn dễ thương…
Phố núi cao phố núi trời gần
Phố núi không xa nên phố tình thân
Đi dăm phút đã về chốn cũ
Một buổi chiều nào lòng vẫn bâng
khuâng
Em Pleiku mà đỏ môi hồng
Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông
Nên mắt em ướt và tóc em ướt
Da em mềm như mây chiều trong…
Xin cảm
ơn thành phố có em….
Ông qua đời năm
1981 để lại hai tác phẩm: Còn một chút gì để nhớ, Thơ Vũ Hữu Định toàn tập.
Lê Văn Thiện: Ông
sinh năm 1947 tại Khánh Hoà. Ông tốt nghiệp khoá HSQ 47 tại Đồng Đế, Nha Trang
và phục vụ tại Tiểu Đoàn 1 BB. Sau 30 tháng 4 năm 75, ông đi tù cải tạo và sau
khi ra khỏi trại, ông về làm nhà nông tại Ninh Hoà. Những tác phẩm đặc sắc của
ông trước 75 gồm có: Một cách buồn phiền, Sao không như ngày xưa. Nhà văn Trần
Hoài Thư đã xuất bản tập Thư Quán Bản Thảo năm 2010 tại Hoa Kỳ trong đó có rất
nhiều bài giới thiệu nhà văn chiến tranh Lê Văn Thiện và truyện Một cách buồn
phiền đã được in lại (mà các bạn có thể viết về Thư Ấn Quán ở New Jersey để tìm
mua, xin tìm địa chỉ qua các bài trên talawas).
Linh Phương: Ông
sinh năm 1949 tại Sài Gòn. Trước năm 1975, ông là quân nhân thuộc Tiểu Đoàn 6
TQLC. Bài được biết đến nhiều nhất của ông là bài thơ Kỷ Vật Cho Em mà tôi xin
trích một đoạn dưới đây:
Thì
thôi ! Hãy nhìn nhau xa lạ
Em nhìn anh ánh mắt chưa quen
Anh nhìn em anh sẽ cố quên
Tình nghĩa cũ một lần trăn trối…
Em hỏi anh, em hỏi anh
Bao
giờ trở lại….
Và còn rất nhiều tác giả trong nhóm VTSMNT75 nữa mà tôi chưa có dịp biết
đến….
Tôi xin tạm ngừng
với 10 tác giả vừa kể và mong rằng tôi đã “mua vui cũng được một vài trống
canh”…
Xin tạm ngừng
bút ,
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét