Hiển thị các bài đăng có nhãn Một thời để nhớ. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Một thời để nhớ. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

Buồn vui nghề dạy học

Cùng trong loạt bài Một Thời Để Nhớ


V
ào giữa niên học 1962-63, tôi được đổi từ Vĩnh Long về Mỹ Tho. Vì đổi vào giữa năm như vậy, nhà trường không thể xếp đủ giờ cho tôi…hành nghề. Ông giám học phải cắt xén bớt một số giờ của các giáo sư khác để tôi không phải “ngồi chơi xơi nước” mà cuối tháng vẫn cứ được nhà nước trả lương. Vì tôi là một giáo sư mới, nhà trường chưa biết khả năng của tôi nên không thể cho tôi phụ trách những lớp đi thi. Tôi ăn lương giáo sư đệ nhị cấp, không thể cho tôi dạy những lớp nhỏ. Sau khi tính toán, đắn đo, ông giám học cho tôi vào mấy lớp đệ Tam. Cách giải quyết đó vừa là một biện pháp ưu đãi (vì ông là bạn đồng môn của tôi ở sư phạm) vừa là một cách thử tay nghề. Ai cũng biết học sinh lớp đệ Tam quậy nhất trong bảy lớp trung học. Các em mới ra khỏi bậc đệ nhất cấp nên vẫn thuộc loại ”ăn chưa no, lo chưa tới”, lại chưa phải lo thi. Nhiều em nghịch ngầm và thường che chở lẫn nhau nên giáo sư khó tìm ra thủ phạm.
Hào hoa của Kim Trọng
Năm ấy, trong những lớp đệ Tam do tôi phụ trách, có một lớp văn chương. Học văn chương thì cũng quậy theo văn chương. Nói cho ngay, dùng chữ “quậy” không đúng với các em trong lớp này. Các em có những câu hỏi về văn chương làm giáo sư cũng khó trả lời.
Một hôm, tôi giảng Kiều, đoạn Kim Trọng lấy được chiếc thoa cài tóc của Thúy Kiều, một học sinh có ý kiến :
- Thưa thầy, theo em, Kim Trọng là một tên ăn cắp, đã với tay sang nhà hàng xóm lấy đồ.
            Cả lớp, kể cả tôi, đều ngạc nhiên về ý kiến mới lạ này. Tôi hỏi tại sao em lại nói như vậy, em bình tĩnh đáp :
- Thưa thầy, em xin đọc lại đoạn văn này để cả lớp cùng nhận định.
Nhẫn từ quán khách lân la,
Tuần trăng thấm thoắt nay đà thêm hai.
Cách tường phải buổi êm trời,
Dưới đào dường có bóng người thướt tha.
Buông cầm, xốc áo, vội ra,
Hương còn thơm nức, người đà vắng tanh.
Lần theo tường gấm dạo quanh,
Trên đào nhác thấy một cành kim thoa.
Giơ tay, với lấy về nhà:
“Này trong khuê các đâu mà đến đây?...”

Như vậy, rõ ràng là Kim Trọng thò tay sang nhà hàng xóm lấy trộm kim thoa.
Cả lớp im lặng như tờ, chính tôi cũng chưa biết nói sao. Ngưng một chút, em tiếp:
- Thưa thầy, phải giơ tay, với mới tới thì chắc chắn chiếc thoa phải ở sâu trong vườn nhà Kiều, chớ không ở sát bờ rào. Hàng xóm nhà em có một cây mận gần bờ rào. Nếu cành mận xòa hẳn sang vườn nhà em, em mới có quyền hái trái mà không bị tiếng là ăn trộm. Em mà bắt chước Kim Trọng với tay sang nhà hàng xóm lấy đồ, chắc chắn sẽ bị đánh què tay.
Ngay lúc đó, tôi không biết nói sao, vì lý lẽ của em học sinh đúng quá. Ðưa tay sâu vào vườn nhà người khác để lấy đồ vật không phải của mình chắc chắn là một kẻ ăn trộm. Nếu, vì một lý do nào đó, đồ của mình rớt vào vườn nhà người ta, muốn lấy lại, mình cũng phải xin phép chủ nhà đàng hoàng, không thể tự tiện thò tay vào lấy. Học sinh trong lớp bắt đầu xôn xao bàn tán. Ai cũng khen ý kiến của bạn là đúng, là độc đáo. Một em học sinh khác bỗng nói lớn :
- Vậy mà cứ khen là “vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa” Hào hoa mà đi ăn trộm đồ nhà hàng xóm.
Thế là cả lớp cười ồ lên. Tôi cũng đành cười theo. Em học sinh vừa có ý kiến độc đáo lại nói thêm :
- Thưa thầy, đã không biết mắc cở, sáng hôm sau Kim Trọng còn bắt bí Thúy Kiều phải thề thốt nữa. Như vậy là tống tình chớ không phải tỏ tình.
Cả lớp lại cười.
Tối hôm đó, tôi tìm trong bản Kiều dịch sang tiếng Pháp xem những chữ “giơ tay với lấy” đã được dịch như thế nào. Theo bản dịch của giáo sư Nguyễn Cửu Chấn thì bốn chữ đó được dịch như sau: « Etendant le bras, il prit l’objet et le ramenant chez lui ». Ðã hơn bốn chục năm qua, tôi không dám chắc câu dịch vừa kể hoàn toàn đúng 100%, nhưng nếu sai cũng không sai bao nhiêu. Như vậy là rõ ràng Kim Trọng đã đưa tay sâu vào vườn nhà người khác, không phải như chàng nói với Kiều vào sáng hôm sau: « Thoa này bắt được hư không, Biết đâu Hợp phố mà mong châu về ».  (Bắt được hư không nghĩa là vô tình mà nhặt được). Sau này, khi đã sang Mỹ, nhớ lại chuyện cũ, tôi xem bản tiếng Anh của giáo sư Huỳnh Sanh Thông: « He reached for it and took it home ».
Em học sinh có ý kiến độc đáo này sau khi đậu tú tái, lên Saigon học Triết ở đại học Văn khoa. Vì bận học, em ít liên lạc với tôi, rồi dần dần biến luôn. Nhưng tôi tin em đã trở thành một giáo sư Triết xuất sắc.    
Cơn đằng Tây
Trong một lớp học, thầy giảng về ca dao, tục ngữ, nói tới kinh nghiệm của người nông dân trong việc theo dõi thời tiết để canh tác.. Nào là “Mống đông, vồng tây, chẳng mưa dây cũng gió giật”, nào là “cơn đằng Ðông vừa trông vừa chạy, cơn đằng Nam vừa làm vừa chơi”…Một nữ sinh ngồi bàn đầu hỏi :”Thế còn cơn đằng Bắc và đằng Tây thì sao?” Thầy chưa kịp trả lời vì trong ca dao, tục ngữ không nói tới cơn mưa ở hai phương đó, một nam sinh ngồi ở cuối lớp, tục gọi là “xóm nhà lá” vì nơi đây quy tụ phần lớn các học sinh nghịch ngợm, phá phách, bỗng nói lớn :”Thì vác chầy mà lộn chớ còn sao nữa.” Thoạt mới nghe, cả lớp không có phản ứng gì, thầy giáo cũng ngơ ngác không hiểu sao phải vác chầy mà lộn. Nhưng chỉ nửa phút sau, một nữ sinh khác mắng nho nhỏ :” Ðồ quỷ ! Chỉ ăn nói bậy bạ.” Thế là cả lớp hiểu ra, liền cười phá lên như một cái chợ vỡ. Thầy giáo cũng cười theo dù đã cố nhịn. Thầy cũng thầm phục cậu học sinh “nhỏ tuồi mà tài cao” Thầy cho rằng sự nghiệp văn chương trào phúng  của cậu chắc phải chói lọi lắm, nếu cậu lao vào “trường văn trận bút”. Chỉ tiếc rằng sau đó thầy hỏi “quý danh phương tánh” của cậu mà không ai chịu tiết lộ.                                    
Cây trúc xinh
 Cũng trong giờ giảng về ca dao, tục ngữ, thầy đề cập tới những lời tình tứ của con trai dành cho con gái, như :
Trúc xinh, trúc mọc đầu đình,
Em xinh, em đứng một mình cũng xinh
hoặc
Trúc xinh trúc mọc bờ ao,
Em xinh, em đứng chỗ nào cũng xinh.
 
Một vài nam sinh xì xào bàn tán: ”Các cụ nhà ta nịnh đầm cũng một cây xanh rờn. Ngày nay đố có ai theo kịp.” Sau tiếng xì xào liền có những tiếng cười khúc khích. Thầy không phản ứng gì vì cho là câu nói đùa vô hại. Thầy định đọc thêm mấy câu ca dao tình tứ nữa , bỗng ở cuối lớp, một nam sinh gọi tên một nữ sinh thật lớn:
- Ngọc Hoa ơi! Trúc xinh trúc mọc trong vườn, Hoa xinh Hoa có cởi truồng cũng xinh.
Tức thì cả lớp cười phá lên.  Trò Ngọc Hoa ngồi ngay bàn đầu mặt đỏ ửng, nhưng cũng cười theo cả lớp. Thấy cũng không nhịn được cười và thầm phục tên học trò nhanh trí đã “phóng tác” cấp thời  để cả lớp cùng vui.
Tình không đợi tuổi
Tôi đang tìm cách đổi giờ cho một giáo sư vì ông mới được một trường tư mời dạy mà thời khóa biểu của trường tư lại trùng với trường công mấy giờ thì cửa phòng bật mở. Một nữ giáo sư hầm hầm bước vào phòng mà không báo trước. Tôi vội ngửng lên, nhận ngay ra vẻ tức tối của bà. Mặt đỏ ửng và hai mắt rưng rưng. Bà là một nữ giáo sư trẻ mới đổi về trường đầu niên khóa này. Bà thuộc loại xinh xắn, duyên dáng, lại mới có con đầu lòng. Nhiều nam giáo sư trong trường còn độc thân cứ tiếc ngẩn tiếc ngơ vì đã không được gặp bà khi bà chưa có chồng. Một ông dạy quốc văn mỗi khi được gặp cô trong phòng giáo sư lại ông ổng ngâm bài ca dao “Trèo lên cây bưởi hái hoa…”  Bà bước thẳng đến bàn giấy của tôi, ném lên mặt bàn một tờ giấy gấp tư, rồi nói :
”Ông giám học xem thế này có láo không?”
Tôi thong thả mở ra đọc. Ðó là một bức thư tình ngắn ngủi.
 “Lệ Hương yêu mến,
“Anh yêu em tha thiết. Hãy bỏ chồng để lấy anh.”
Nguyện Văn Thưởng.”
Lệ Hương là tên cô giáo, còn Nguyễn Văn Thưởng thì tôi không biết là ai. Chỉ đoán lờ mờ là một tên học trò nào đó vì tuồng chữ còn non nớt. Tôi hỏi bà Hương ai đã gửi cho bà thư tỏ tình này ?  Bà cho biết đó một học sinh lớp Tám (trước kia là đệ ngũ). Tôi ngạc nhiên vì học sinh lớp Tám chỉ mới 13, 14 tuổi. Tuổi này cònh ham chơi, đâu đã biết yêu với thương. Không những thế, nó còn dám viết thư tỏ tình với cô giáo của mình. Tôi vội mở tủ tìm học bạ của nó để tìm hiểu. Nó thuộc loại học trò trung bình. Tôi ghi tên cha mẹ và địa chỉ của nó và quyết định phải giải quyết chuyện này nhanh chóng vì nếu còn tên học trò mất dạy này thì bà Lệ Hương không thể vào lớp đó được. Tôi tạm cho bà nghỉ dạy lớp này một tuần. Giờ của bà sẽ có giám thị vào giữ trật tự. Tôi viết thư mời bố mẹ nó đến gặp tôi gấp. Khi bố nó tới, tôi đưa lá thư của con ông ta viết cho bà Lệ Hương để ông hiểu rõ vấn đề mà không cần nói lôi thôi dài dòng. Đọc xong, ông tỏ vẻ ngượng ngùng, rồi ấp úng hỏi:
“Thầy tính sao ?”
Tôi đáp :
“Đó là lý do tôi mời ông đến đây.”
Suy nghĩ một lúc, ông khẽ thở dài nói :
“Tôi đành xin chuyển trường cho nó.”
Tôi đồng ý ngay :
“Đó là một biện pháp tốt đẹp.”

X X
X


Cuộc đời dạy học của tôi nhiều vui hơn buồn dù tôi đã từng bị học sinh thân cộng sách động biểu tình, bãi khóa trên sân trường để phản đối tôi. Ngoài những tên học trò thân cộng ấy, tôi được nhiều học sinh quý mến mà cho đến nay, sau 40 năm rời khỏi trường vẫn liên lạc thường xuyên với tôi qua điện thư hoặc thư gữi bưu điện.