Hiển thị các bài đăng có nhãn NKP. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn NKP. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

Nhìn chiếc lá rơi

Ngoài trời, gió đã bắt đầu se lạnh. Có những ngày mây xám, lơ lửng, như chẳng buồn bay. Mưa đến rồi đi, như người lữ khách. Có hôm người lữ khách lại quay về, mang trên mình chiếc áo xanh ngắt màu da trời. Nắng không còn gay gắt và mặt trời đã bắt đầu xuôi Nam.
Bây giờ trời đã sang Thu. Ngoài kia, ánh nắng đang lung linh trên hoa cỏ nhuộm màu. Mùa Thu bây giờ không còn cái ngỡ ngàng của mùa Thu gần 50 năm về trước, trên đất lạ, trong náo nức chưa biết ngày sau sẽ ra sao. Nhớ mùa Thu năm đầu, hai đứa dẫn nhau vào rừng phong rực màu, dẫm chân trên xác lá xào xạc, như con nai vàng trong Tiếng Thu. Ngày đó trời không lạnh lắm, nhưng có kẻ đã lợi dụng tình thế để ghì người kia vào lòng, nói khẽ “để anh sưởi ấm cho em”. Từ đó, hai người mỗi năm lại dẫn nhau đi tìm kỷ niệm thuở ban đầu, chụp hình lá vàng mùa Thu để biết mỗi năm mình già thêm một chút. Ôi, mắt ai bao giờ cũng dịu dàng như mắt nai.
Mới đó mà đã gần 50 năm, từ ngày hai đứa đặt chân đến xứ này. Đất trời đã thay đổi quá nhiều. Mái tóc xanh ngày nào đã ngã màu như lá mùa Thu, không biết từ bao giờ. Bon chen với cuộc sống, người ta đã quên đếm thời gian. Đến một ngày bừng tỉnh giấc mơ, mới tiếc tuổi trẻ đã qua từ bao giờ. Nay, thêm môt mùa cây lá đổi màu, thêm một mùa lá rơi.
Chợt một chiếc lá vàng rơi, ngập ngừng bay trong gió, như còn luyến tiếc chưa muốn lìa cành. Rồi lá sẽ nằm yên trên đất, hay sẽ bị cơn gió lốc cuốn đi, để mãi mãi xa lìa cành cây mẹ. Xót xa cho lá khi đến phút cuối cũng bị vập vùi. Mẹ Lá ơi, sao người lại thản nhiên đứng nhìn không chút tiếc thương. Hay Mẹ Lá có quá nhiều con và năm nào cũng chứng kiến cảnh chia lìa như vậy, nên đối với người chuyện này là chuyện không đáng quan tâm? Mà cũng có lẽ Mẹ Lá đang ngậm ngùi, không nói nên lời.
Có ai từng nhặt lá vàng, và đi tìm trong đó nét đẹp tinh anh của lá ngày còn mới lớn? Có ai nhìn hình một cụ già mà tìm được trong đó vẻ đẹp của tuổi xuân thì? Nét đẹp thật sự, mãi mãi sẽ không bao giờ tàn phai. Em, qua những tấm ảnh chụp từ bao năm qua, nét đẹp của em chưa hề thay đổi, trong anh. Trong mắt anh, sau lằn da đầy vết chân chim, nụ cười em vẫn tươi như hoa, như ngày nào em đã làm say đắm lòng anh. Giọng nói ngọt ngào của em vẫn ngọt ngào đến phút cuối. Trong thinh không anh nghe như chừng em đang thỏ thẻ với anh “yêu anh thật nhiều”.
Nhìn chiếc lá rơi, anh thấy nhớ em nhiều, thật nhiều. Nhớ mãi ngày anh vuốt mắt em lần cuối. Bàng hoàng. Ngày đó, anh đau lắm. Anh chắc em cũng như anh. Em đi rồi, hồn em có còn vấn vương, đau xót nữa hay không? Còn anh, anh một mình khắc khoải với kỷ niệm; càng nghĩ, càng đau.
Cây phong anh trồng sau nhà là để tuởng nhớ em. Trong lòng đất dưới gốc cây là tro cốt của em; em sẽ vẫn mãi ở bên anh. Anh ấp yêu cây phong như ngày nào anh ấp yêu em. Cây phong giờ đã cao hơn hai thước. Có người hỏi anh cây bao nhiêu tuổi; anh trả lời “cây không có tuổi” vì thời gian đã ngừng lại trong anh, ngày em vĩnh viễn ra đi. 
Bây giờ, cây phong đã thay màu lá. Nhìn chiếc lá rơi, anh ngậm ngùi. Đơn côi, thui thủi một mình. Còn một chiếc lá đang phất phơ trước gió, chưa biết khi nào mới đến lượt mình.

Chờ anh với, nghe em. 


Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2013

Tôi trở về thành phố


Tôi trở về thành phố vào một chiều giữa tháng chín. Trời xám phủ mây chì, mưa rơi từng chập, như ngập ngừng, như trêu chọc. Thành phố sớm vội lên đèn. Ngày xưa tôi rủ áo xa thành phố, chôn vùi kỷ niệm một thời. Ngày ấy đã qua đi từ lâu lắm rồi. Tôi không muốn trở lại nơi đây vì không muốn khơi dậy những gì nằm yên dưới mồ. Nhưng hôm nay bước lữ hành đã rong ruổi, đưa tôi về đây. Ngập ngừng, nửa muốn quay về, nửa muốn không. Bồi hồi. 

Trên con đường này, đêm nào ánh đèn vàng vọt soi bước chân ai. Bước đi chầm chậm, cố tình kéo dài con đường, dầu biết mình không thể. Lặng lẽ, hai tâm hồn đang dấu tất cả vào lòng. E dè; sợ phải đối đầu với ngỡ ngàng, với lời chối từ. Có lẽ trong vô hình có lời cản ngăn. Lời chia tay cuối đường dấu tất cả vào hư không để rồi hai tâm hồn lạc về hai lối. Cho đến ngày không còn e dè, không sợ ngỡ ngàng, thì muộn màng mất rồi, đã quá muộn màng. Cay nghiệt.

Cũng con đường này, ngày nào có hương thơm mùi gạo mới chín, tỏa đi từ căn gác trọ. Chưa vào đến nơi, tôi đã biết ai nấu cơm chiều. Bữa cơm ngày đó sao mà ngon chi lạ, biết rằng người nấu đã vì tôi mà ra sức như vầy. Kể từ đó, tôi biết cám ơn người nấu – cám ơn tấm lòng muốn cho người ăn có bữa cơm ngon – và âm thầm cám ơn những ai nấu cho tôi. Một việc nhỏ nhưng đủ để thay đổi đời tôi. Mỗi lần tự nấu cơm lấy, nghe mùi cơm mới chín, tôi lại nghĩ đến người ấy. Kỷ niệm đã ăn sâu trong tiềm thức, ngủ yên, rồi thỉnh thoảng chợt mình thức giấc, ve vảng. Duyên kiếp.

Nhớ hôm nào tôi nôn nóng tìm đến nhà bạn tôi khi nghe tin nhà bạn tôi có chuyện không may. Vội vã như ngày xưa An Lộc Sơn cấp tốc phi ngựa về Trường An để kịp tặng Dương Quý Phi mấy quả lệ chi đầu mùa. Chỉ muốn bạn tôi không phải sống trong cảnh khốn cùng thêm một phút giây nào nữa. Rồi tất cả, chuyện gì cũng qua; bạn tôi đã chóng qua những giây phút khó khăn. Sau này nghĩ lại, tôi mới biết lúc ấy mình đã yêu – yêu là muốn người mình yêu được hạnh phúc, an toàn. Thế gian này được chia làm hai mảnh: một mảnh chỉ có người yêu, mảnh còn lại có vô số người nhưng nơi đó không đáng quan tâm. Ngày xưa, thật tình lòng tôi không rõ. Ngây ngô.

Có một ngày cuối đông, tuyết tan, cả bọn chúng tôi kéo nhau đi ăn trưa. Một chiếc xe chạy vội vã, vô tình làm tuyết lẫn bùn bay tung tóe. Không ai bị gì cả, chỉ trừ bạn tôi: áo quần, tóc tai đều lấm bùn. Như thế này thì làm sao tiếp tục đi ăn trưa được, bạn tôi phải quay về tắm gội, lỡ bữa ăn chung. Bữa ăn trưa chỉ thiếu một người, mà tôi thấy thiếu cả một bầu trời. Hụt hẫng.

Chiều đã xuống mau. Đã đến giờ cơm chiều. Tôi trở lại khuôn viên trường cũ, tìm một quán ăn, như ngày nào. Nhưng tất cả đều đã khác xưa. Quán cũ ngày xưa đã ra đi từ lúc nào. Dập dìu nơi đây là các cô cậu trẻ măng, tung tăng, tíu tít như chúng tôi ngày nào. Họ vui với những gì họ có trong hiện tại; chưa biết gì sẽ xảy ra ở ngày mai. Còn tôi, tôi lại quay về với quá khứ, cố tìm những gì đã mất. Biết vậy, nhưng tôi vẫn cố tìm. Cố chấp. 

Qua loa cho xong bữa cơm chiều, ăn trong vội vả, trong cô đơn; tôi thăm thành phố về đêm. Cao ốc mọc đầy, kiến trúc hiện đại. Đêm đã về mà xe cộ vẫn nườm nượp, dọc ngang trên đường phố. Nhớ ngày nào, sáng chúa nhật, đường phố không một bóng người đi, y như thành phố chết không bằng. Khi mướn phòng trọ, xin chủ nhà một chìa khóa cửa trước, thì chủ nhà bảo rằng nhà không cần khóa cửa, kể cả những lúc chủ nhà đi vắng cả tuần. Tôi nghĩ mình đang sống ở thiên đường – không cần lo âu chi cả. Một kỷ niệm đẹp, êm đềm. Tiếc rằng ở xứ sở này, không phải nơi đâu cũng được như vậy; nhưng còn giữ được kỷ niệm như vậy, lòng tôi đã thấy vui. Tiếc nuối. 

Mệt mỏi sau chuyến đi xa, tôi quay về phòng trọ, ngủ qua đêm. Cố dỗ giấc ngủ, nhưng tôi cứ trằn trọc, trong cô đơn lạnh lẽo. Miên man với bao nhiêu ý tưởng từ xưa đến giờ. Có lần xem phim Xóm Vắng, tôi chợt chạnh lòng, ước ao ngày nào đó Hàm Yên của tôi sẽ trờ về. Niềm vui trùng phùng sẽ không bút mực nào tả xiết. Gặp nhau trong hoàn cảnh nào cũng được, miễn sao Hàm Yên vẫn còn sống để tôi không đau trong niềm đau tử biệt. Nguyện cầu.

Tôi đi vào mơ lúc nào không hay. Trong mơ, tôi gặp Mộng Trúc, người tình sầu thảm trong phim Mấy Độ Tà Dương. Có lẽ ngày xưa Lưu Tuyết Hoa thủ diễn vai Mộng Trúc quá điêu luyện nên hình ảnh trong phim đã ăn sâu vào tiềm thức và theo tôi vào trong mơ. Người đàn bà âm thầm dấu tình yêu cũ vào lòng, đớn đau vì nghĩ mình lừa gạt, nhưng vẫn giữ hình bóng người yêu mãi trong tim. Khi bóng trăng xuyên mành, hay lúc hoàng hôn đỏ ráng chiều, nàng lại thẩn thờ, sống trong kỷ niệm. Sau ngày gặp lại người yêu cũ, nàng phải tranh đấu với nội tâm, dằng co giữa nghĩa với tình. Tình chỉ còn là hình bóng; nghĩa là hiện thực và tương lai. Có lẽ tình không trọn vẹn là tình đẹp muôn đời. Lãng mạn.

Thức giấc sáng hôm sau, thân thể rã rời, nhưng lòng lại lâng lâng. Có lẽ đêm qua tôi đã một mình xem phim, sống trọn với mình, với chuyên tình của Hà Mậu Thiên và Lý Mộng Trúc. Phim hay rồi cũng đến hồi phải kết cuộc. Phim hay thì mỗi lần xem lại, vẫn thấy hay. Có lẽ người xem phải cùng cảnh ngộ với nhân vật nên mới thấy hay. Có lẽ tôi đã không nhận thức được đâu là thực, đâu là mơ. Điên rồ?

Ăn sáng qua loa rồi tôi vội vả trả phòng vì không có lý do gì để lưu luyến với căn phòng trọ. Cơ duyên của tôi với thành phố có lẽ đã tận. Ngày xưa tôi đến đây và ở lại, rồi gặp gỡ bạn tôi. Tất cà đều không phải do tôi chọn lựa, nên tôi nghĩ là có sự sắp đặt của cơ duyên. Ngày xưa tôi rời thành phố cũng không phải do tôi chọn lựa; tôi đi vì phải hoàn tất những gì người khác muốn tôi phải hoàn tất. Tuổi trẻ, tôi lại còn mộng chưa tròn. Tôi phải đi, dầu biết rằng không biết ngày nào tôi sẽ trở lại. Trước đó, đã có lần tôi bỏ làng ra đi, đi thật xa, bỏ lại sau lưng bao nhiêu người thân, bao nhiêu kỷ niệm. Tất cả kỷ niệm, người thân lần lượt bỏ tôi ra đi, không một lời giả từ. Ngày giả từ thành phố, lòng tôi nặng trĩu. Da diết.

Lần này, cuối cùng tôi lại ra đi; không còn ai để nói lời giã từ. Lần này tôi quyết định sẽ không quay về thành phố nữa. Quyết định chắc chắn, mãi mãi không đổi. Bây giờ tôi đã hiểu: chuyện đời chỉ xảy đến một lần, rồi thôi; tình cảm chỉ đến và ở lại trong thời gian thật ngắn, một lần, rồi thôi. Tất cả rồi sẽ qua đi; vui cũng như buồn. Xin hãy đừng quay lại bươi tìm dấu vết đã vùi chôn trong bụi thời gian. Mai sau nếu tôi còn may mắn hội ngộ với Hàm Yên, tôi chưa biết mình phải xử sự như thế nào. Nhưng dầu thế nào đi nữa, niềm vui ngày đó sẽ là niềm vui lớn nhất đời tôi, mãi mãi ở trong tôi. Giã biệt.