Hiển thị các bài đăng có nhãn Cựu ULaval. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Cựu ULaval. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

Laval, ngày đầu thu

Nhóm 13 người chúng tôi đến Québec vào một ngày đầu Thu, tháng 9, 1963, ngơ ngác bước xuống tàu, chưa biết phải làm gì, đi đâu vì chẳng thấy ai đến đón cả. Thời gian chờ đợi có lẽ chỉ là 5, 10 phút nhưng đối với chúng tôi thật dài . Cuối cùng rồi các anh cũng xuất hiện. Anh Định, anh Rê, anh Mười Lăm,... Phần các chị  (Cúc, Hoa, Loan, Sen, Xuân) được đón đi trước, chắc chắn là đến chỗ ở an toàn. Riêng 7 người chúng tôi (Dương, Huy, Liêu, Long, Tâm, Thoại, Xuân), ngoài Kiện đã có anh Định lo, thì được chở về Biermans Moraud.
Theo như lời dặn của viên chức Plan Colombo ở Ottawa mà chúng tôi hiểu lỏm bõm thì lúc đến nơi sẽ có người đi đón và đưa về phòng nội trú. Chuyện đi đón theo các anh thì tự nguyện nhiều hơn là bắt buộc. Còn về chuyện phòng nội trú thì hoàn toàn không có, nhất là vì tình hình bất an trong nước đã làm chúng tôi đến muộn khoảng một tuần. Như vậy là chúng tôi không biết ngày mai và ngay cả tối hôm nay sẽ trú ngụ ở đâu. Dù sao thì cũng còn một an ủi là các bậc đàn anh bắt đầu tụ lại để hỏi han các người mới đến. Thỉnh thoảng có một người đi đến và hỏi: “ai là Nguyễn văn X”. Thế là bạn X đã có “bà con” và chắc là ít nhất cũng có chỗ tạm trú đêm nay.
Sau những thăm hỏi nhộn nhịp lúc đầu, mọi người, nhất là những người mới đến, đã bắt đầu mệt mỏi và một vài người đã bắt đầu theo "bà con" về ngơi nghỉ. Riêng tôi thì không biết phải làm gì, đi đâu nên vẫn đành ngồi lại phòng khách, xem ra phải qua đêm ở đó, lòng nặng trĩu không biết ngày mai sẽ ra sao. Bỗng nhiên nghe tiếng xôn xao ở cửa ra vào và một người hộc tốc đi vào vừa đi vừa hỏi "có người mới đến hả? Ở đâu?". Hình như bên ngoài đã có người chỉ dẫn trước nên anh ta đi thẳng lại chỗ của tôi và hỏi:
--Anh là người Huế phải không?
Nghe giọng nói tôi biết ngay anh ta cũng là người Huế. Thật là quá tốt, không có bà con thì tìm được đồng hương cũng tạm an ủi. Không những thế trông mặt anh ta rất quen. Bỗng nhiên tôi buộc miệng:
-- Có phải anh là Tuệ không?
-- Anh có quen biết với tôi lúc ở Huế?
-- Không. Nhưng tôi rất thích thể thao và đã từng xem anh đánh bóng bàn ở trường Quốc học.
Tuệ có vẻ thích thú vì gặp nhau xa nửa vòng trái đất vẫn có người còn nhớ tài đánh bóng bàn của anh. Có lẽ nếu không có những thắc mắc cấp thiết hơn thì có thể chúng tôi sẽ còn nói về bóng bàn hàng giờ nữa. Tuy nhiên Tuệ đổi đề tài và hỏi:
-- Lần này từ Huế có bao nhiêu người đi? Họ ở đâu rồi?
-- Chuyến này chỉ có ba người, hai nữ và một nam. Một người đã ở lại Montréal (Âu thị Minh Nguyệt) và một (Nguyễn thị Sen) thì đã được các anh khác đưa về chỗ trú ngụ rồi.
Như vậy là tôi cũng có người để tạm nhận là "bà con" và sau đó thì câu chuyện nổ dòn, không ngoài những chuyện về xứ Huế cũng như những biến động trong mấy tháng vừa qua. Dù sao không khí cũng vui tươi hơn trước đây chút ít tuy lòng tôi vẫn nặng trĩu lo âu về ngày mai nhưng cũng không dám hỏi vì theo các anh khác thì chúng tôi sang đây quá trễ nên các phòng nội trú đã được phân phối hết rồi. Không ngờ là sau một lúc chuyện trò, Tuệ bỗng hỏi:
-- Thế đã có phòng nội trú chưa?
-- Chưa?
-- Tôi có người bạn đã thuê phòng nhưng lại định dọn ra ngoài nên muốn nhường phòng lại.
Tuy nhiên ngày mai anh ta mới dọn ra, có được không?
Tôi không thể tưởng tượng tảng đá ngàn cân đè nặng lên tôi lại có thể được quẳng đi dễ dàng như vậy.
-- Được, được. Chờ một ngày thì đâu có vấn đề gì, nhưng có chắc chắn không?
-- Chắc chắn.
Bỗng nhiên có một giọng nói từ sau lưng tôi :
-- Anh còn phòng nào nữa, thuê giùm một phòng được không?
Quay lại nhìn phía sau, tôi thấy cả căn phòng khách bây giờ đã vắng, chỉ còn vài ba người ngồi trong góc. Tôi nhận ra người vừa đặt ra câu hỏi, ngồi bên cạnh tôi là Long. Trong chuyến bay từ Saigon đến Hồng Kông, Long ngồi bên cạnh tôi. Thành thật mà nói, tôi không có cảm tình mấy với anh chàng này. Trước hết anh ta cứ gọi tôi là “bồ”. Đối với người Huế thì “bồ” có một ý nghĩa đặc biệt và dứt khoát là tôi không muốn làm bồ của anh ta. Không những thế, lúc tôi muốn gợi chuyện để cho qua thì giờ thì anh ta cứ hỏi dồn dập “Bồ nói cái gì? Bồ nói cái gì?”. Làm như tôi nói tiếng thượng du không bằng. Tuy nhiên vào lúc này thì tôi hoàn toàn thông cảm mối lo nặng trĩu của Long và nhìn Tuệ như dò hỏi.
--Phòng thì thiếu gì nhưng hiện tại chưa có. Ngày mai tôi sẽ kiếm và sẽ cho biết.
Tuệ trả lời một cách miễn cưởng.
Chúng tôi lại tiếp tục câu chuyện khoảng chừng 10 phút thì Tuệ bỗng giật mình hỏi:
--Thế tối nay ngủ ở đâu?
--Chắc là ngủ tạm ở phòng khách này chờ ngày mai lấy phòng.
--Không được đâu, chắc là ông concierge không chịu. Anh ngồi chờ một chút để tôi đi kiếm xem
thử có chỗ không?
Tôi cũng hơi thầm phục anh chàng Tuệ này nhưng cũng không mấy tin tưởng lắm. Làm sao có thể tìm phòng tạm cho một đêm ngoại trừ bạn bè thân thiết cho ngủ chung. Chừng khoảng 10 phút sau thì Tuệ trở lại cho biết là có phòng rồi nhưng phòng hơi chật nên phải chịu khó một chút. Đối với một người mới từ Việt Nam sang như tôi thì có phòng là thần tiên rồi. Từ nhỏ đến lớn tôi cũng chưa hề có một phòng cho riêng mình bao giờ nên chật hẹp hoàn toàn không phải là vấn đề. Long lại lên tiếng hỏi:
--Anh có thể kiếm thêm một chỗ ngủ cho tôi được không?
Tuệ hơi ngần ngừ:
--Chỉ có một phòng và chỉ có một cái giường “ét” mà thôi
Long ngẩn người ra hỏi:
--Là giường... gì?
Đã nói chuyện với Long trong những ngày qua, tôi biết anh ta nghe giọng Huế còn chưa xong huống hồ là những thổ ngữ “đặc sệt” Huế như vậy nên vội giải thích:
--Là giường chỉ đủ cho một người ngủ mà thôi
Tuệ nói tiếp:
--Thật ra thì giường có 2 tấm nệm và tụi này vẫn thường trải một tấm xuống đất để có thể ngủ 2 người thoải mái. Tuy nhiên vì đây là phòng của anh bạn y tá cho nên có mấy cái tủ thuốc trong phòng và không còn chỗ để trải nệm xuống đất. Chỉ còn cách là một người nằm dưới đất hoặc là 2 người nằm chung trên giường, cũng khá chật chội.
Tôi và Long cũng không còn chọn lựa nào khác là vào trong phòng thuốc rồi sẽ tính sau, dù sao cũng còn tốt hơn nhiều so với việc ngủ ở phòng khách. Tuệ chia tay ra về nhưng cũng không quên nhắc là sáng phải dậy sớm để anh bạn y tá có phòng làm việc.
Đúng như Tuệ đã mô tả, vì có kê mấy tủ thuốc nên phòng không có chỗ để trải nệm xuống đất và sàn nhà thì khá lạnh nên chúng tôi chỉ còn cách là ngủ chung. Giường cũng khá chật tuy nhiên từ nhỏ tôi cũng thường ngủ chung với người em trai trên một chiếc giường chỉ hơi rộng hơn giường này chút ít nên không có vấn đề gì.
Sau một ngày mệt nhọc, tôi nằm xoay mặt vào tường cố dỗ giấc ngủ. Nhưng làm sao có thể ngủ được đây sau một ngày nhiều biến động và lo lắng. Long chắc cng cùng tâm sự nên cứ trăn trở. Tôi quay người lại hỏi:
-- Ngủ không được hay sao? 
-- Tui buồn quá bồ ơi. Chán quá !
-- Chuyện gì bắt đầu thì cũng có khó khăn, rồi cũng sẽ qua đi. Đừng lo gì cả. Nếu ngày mai tôi có phòng thì hai đứa mình ở chung. Không có mấy tủ thuốc thì trải tấm nệm xuống đất còn rộng chán. Thôi, ngủ đi mai còn phải dậy sớm trả phòng cho người ta và ghi danh đi học nữa.
Tôi lại quay mặt vào trong cố tìm giấc ngủ. Dường như Long cảm thấy hơi yên tâm hơn một chút cho nên từ từ nằm xuống.  
Và cả hai chúng tôi thiếp đi lúc nào không biết, chấm dứt ngày đầu tiên ở Laval.

khắc Huy
Tháng 5/2013


Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

Nhìn Những Mùa Thu Đi

Nhìn Những Mùa Thu Đi hay Nhìn Những Mùa Thu Đến.

Khi gặp nhau, mùa hè năm nay, tôi trong Vòng Tay Cô Y Tá, như cô nhà văn nào ngày xưa đã viết quyển truyện Vòng Tay Học Trò.
Trong Vòng Tay Y Tá, người chăm sóc cho mình, trong khi trong Vòng Tay Học Trò, lo cho học trò, mai mốt tụi nó bỏ nó đi.

Thế mà cũng trốn đi.
Lấy xe về Đất Lạnh giữa Mùa Hè, sắp đến Mùa Thu.

Ngày xưa đến Vancouver, Calgary, Toronto, Ottawa, Québec, Sherbrooke, Ottawa, Montréal, mùa tựu trường lúc đó và bây giờ vẫn khi Mùa Thu đến, có gió lành lạnh như ai nói đó là gió heo may.

Có lá thu đỏ, anh nhặt tặng  em.

Có mộng mơ nhưng phải học.
Ở chương trình Điện, Théorie des Circuits I et II, của Pr Boivert, tuần nào cũng có Quizz.
Thầy nho nhỏ, khi dạy học rất đam mê.
Thầy giảng rất hay. Điều gì Thầy giảng, ba bốn phút hiểu liền.

Tôi không nhớ.
Có một phương trình gì về điện, IR=V2… gì đó, học mãi mà không nhớ.
Thầy Boisvert  ít khi cho Quizz, chỉ để anh Giao, anh Định hay anh Mười Lăm, hay Đài, hay ai đó.
Không phải không muốn nhớ, nhưng bây giờ Nhìn Những Mùa Thu Đi, quên nhiều mà nhớ ít.
Anh vẫn nhớ những ngày đó em hay mặc áo màu gì.

Nhớ anh Giao rất nhà giáo, anh Định chưa nói đã cười, anh Mười Lăm, nghe tên đã biết tính người, còn cả nhiều cây cổ thụ khác như anh Khương, hay còn sắp cổ thụ thì nhiều lắm.
Nhớ Thầy Larkin Kirwin: Nous commencons le cours avec une prière; Thầy Chassé dạy Mécanique, Thầy Pouliot lãng đãng tối ngày, Thầy Dupras, dạy Toán, có thói quen vuốt moustache, …

Tôi viết  và nhớ lại chỉ vì bao năm, một mình Nhìn Những Mùa Thu Đi.

Thu đi, cho lá vàng bay,

49 năm qua, có ai gặp lại, cũng khó nhận ra nhau.

Tôi thì dễ lắm, khi nhìn ai bạn cũ, tôi không biết đánh guitare và không biết hát, nhưng cũng nho nhỏ:
Anh Là Ai?

Ừ nhỉ.
Sao Việt Khang vẫn cứ bị tù?

Mẹ, lời Minh nói khi còn sống.

Chắc chưa sai đề đâu.

Viết cho đất Lạnh Mùa Thu,
Nhìn Những Mùa Thu Đi.
Chắc cũng không không sắc sắc.

Mua Thu đó quen và gắn bó lâu nhỉ.

Vì quen và học với nhau ở Đất Lạnh Mùa Thu.
Ước gì, tôi viết được như Hồ Biểu Chánh, Lê Văn Trương hay NNN, bây giờ đã là Lá Ngọc Cành Vàng đâu còn Hoạn Nạn Gian Nan?

Tôi viết như vừa đi đường, vừa kể truyện, như cái anh chàng nào ngày xưa cũng đã viết như vậy.
Nhưng những gì tôi viết là những gì tôi sống với bạn bè.
Không thù hằn không phản bội.

Viết để nhớ những ngày salami, laitue, Dow, Penmas khi học bổng vừa về.
Hay cũng có lúc sang, có anh chị nào cho quá giang đi Canton.

Chưa bao giờ những năm đầu 60, ở Québec, ăn món ăn VN ngon hơn Mỹ Cảnh.

Em ơi  bây giờ đã qua rồi.
Canton đã bán, bây giờ ai cũng đi Hilton, Astral, làm anh nhớ.

Hôm nay tôi lại về chốn này nghe chiếc lá rơi.
Mùa Thu.

Anh nói nhỏ.
Hoa cũng tàn phai và Thu cũng tàn phai.

Em hỏi anh viết gì?
Buồn thì nhớ, hết buồn thì lại vui, …
Tiếng hát Lệ Thanh đó, sang Montréal, không còn đi hát từ năm 1975 rồi.

Bài anh nói viết cho Đất Lạnh Mùa Thu:
Nhìn Những Mùa Thu Đi.

Mà Thu đâu?
Thì Thu đó.

Anh viết
Nhìn Những Mùa Thu Đi
Nhưng cứ mong viết một câu gì

Bài anh viết, sẽ xin để musique de fonds bài Nhìn Những Mùa Thu Đi, Hà Thanh hát.
Con gái Huế, ai hát Nhìn Những Mùa Thu Đi hay hơn Hà Thanh?
Hỏi chị Phương mấy cô Huế thế nào.

Có những người yêu, uống trà, café cùng một tách.
Chắc tình yêu như vậy.

Nhưng không, anh nghĩ sẽ đổi musique de fonds, không phải bài Hà Thanh hát, mà lấy bài Hoài Cảm. Ba bài hay nhất là Sĩ Phú, Duy Trác và Ngọc Hạ.

Anh thấy bài Hoài Cảm Ngọc Hạ hát hay, nhẹ nhàng hơn.
Bao mươi mấy năm.
Nhìn những Mùa Thu Đi hay Những Mùa Thu Đến?

Đến Đất Lạnh một ngày Thu, cách đây  lâu. 
Bây giờ mới có dịp viết về Mùa Thu.
Chỉ còn một hay vài năm nữa.

Những phút ban đầu ấy, tuổi thơ, muốn biết, muốn học hết, để về xây dựng nước, lòng không mong gì hơn.
Trả nợ đời, nợ nước.
Thế rồi.

Đến Ottawa, hai ngày ở khách sạn Lord Elgin, mỗi buổi sáng, ăn điểm tâm đều bắt đầu bằng thức ăn gì như bánh tráng, bánh đa nho nhỏ, bây giờ mới biết là rice crispies, ăn với sữa. Ngày xưa phải đi theo đường Công Lý theo hướng Tân Sơn Nhất, mới có quán bán sữa tươi.

Nếu có một đĩa xôi đậu xanh hay đậu phộng, ngon biết chừng nào.
Phi Lạc sang Tàu.
Lord Elgin, vẫn còn.
Lúc ấy 1964, chỉ mong có xe lửa từ Ottawa về Québec thật nhanh, gặp bạn bè và gặp người quen.
Rừng cây lá đổi màu, đỏ rực rỡ, vàng tươi.
Cảnh thơ mộng quá.

Đó là Mùa Thu Canada, Mùa Thu Québec, Mùa Thu Đất Lạnh của tôi.
Lần đầu.
Chắc là lần đầu nên nhớ. 
Không phải vậy.

Mấy hôm, nhìn lá Mùa Thu ở Hautes-Gorges, đẹp nhưng không phải lá Thu Québec, Laval, Đất Lạnh.

Có gì nhớ thì là chuyện của tôi.

Nhớ Tiếng Chuông Chiều Thu của Tô Vũ, ai đã hát cho tôi nghe.

Lá thu nhẹ rơi rơị
Nắng thu vàng phai phai
Ai về âm thầm nẻo cũ bâng khuâng tình xưa
Hiu hiu luồng heo may, 
Du du làn mây bay
Ai nhắn theo mây miền quê vấn vương xa đó ngàn dâu thưa
Từ miền xa tiếng chuông ngân.
Hồi buông lớp lớp theo gió vàng.
Từng cơn sóng mờ xóa dần trong sương lắng. 

Ngày lại ngày tiếng chuông tan. 
Tình thu cuộn lá thu úa vàng .
Chuông ran lời nhắc nhở .
Người em đẹp xa anh
Ðừng như lá thu phai phai dần
.

Mùa nào cũng là của em và anh viết cho em.
Hôm nay vào Thu, mùa này là Mùa Thu.
Thôi, anh không viết cho em nữa đâu.

Bây giờ em cuối Xuân.
Bên anh vào Thu.
Không nói hai đứa mình không có Mùa Thu.

Vì Mùa Thu của em là Mùa Thu của anh và cũng vậy.

Nhìn Những Mùa Thu Đi.
Tôi đang viết một bài về Nhìn Những Mùa Thu Đi.
Anh viết đến đâu rồi?

Bây giờ vào Thu và mai mốt Lập Đông.

Tôi muốn viết vài câu cho các bạn trẻ Đất Lạnh.

Các anh, các chị đã nhìn Nhìn Những Mùa Thu mấy mươi năm rồi.
Cũng một hai Mùa Thu nữa  rồi Lập Đông.
Mấy mươi năm Đất Lạnh.
Thế mà đã hơn hai phần ba cuộc đời. 
Thắp đuốc đi em.

Cổ Thụ. Đại Thụ đã giữ gìn Đất Lạnh mấy mươi năm.
Các em phải giữ gìn những gì các anh chị để lại.
Anh muốn có một lúc, anh có thì giờ viết về Vũ Kiện, anh chàng hút pipe tối ngày, AT, người vợ anh VK chung tình, đi Canada cùng lúc với anh. 
Anh cũng nhớ Xuân Hoa trước khi về Lacerte và Trần Bình Minh, một kiện tướng Đất Lạnh.
Cả Truyện Premier Amour của Yvan Tourgueniev.

À présent que les ombres du soir commencent à envelopper ma vie, que me reste-t-il de plus cher que le souvenir de cet orage matinal et fugace.

Cả bao nhiêu người nữa, có người về đi mò tôm và rất nhiều người bây giờ chỉ đi câu tôm hay bắt cá, mà chỉ bắt cá kình. Et la vie continue
La vie se ressemble.

Attendez que je me rappelle.

Đó là những gì anh muốn nhắc cho những người Đất Lạnh, mai sau dù có bao giờ.
Những chuyện còn lại, chỉ là … , các bạn trẻ ĐL hiểu không?

Năm tới, tháng chín,  anh về, ngồi bên những cổ thụ, đại thụ và hoa lá thì các bạn nhớ, hơn 49 năm mới có Đất Lạnh bây giờ.
Các em giữ Đất Lạnh.
Vì đó là những gì các anh các chị để lại cho các em.

Nhìn Những Mùa Thu Đi.
Có một bài nào, Lệ Thanh hát,
Chiều nay có một người mãi mãi đi tìm.
Em còn nhớ đọan tiếp không?

Nhìn Những Mùa Thu Đi.
Nhưng Mùa Thu này cho em.
Bao giờ em đến?

Bao giờ, em về.

Bây giờ anh mong, đến lúc này trong tuổi đời.

Tôi Nhìn Những Mùa Thu Đi nhưng vẫn còn Những Mùa Thu Đến.

Tôi mượn tựa và một câu anh bạn viết mấy năm rồi, bạn gọi là pastiche.

Đất Lạnh và tôi, hôm nay.

Tôi viết những lá thu vàng, lá thu đỏ và câu truyện, tình đầu, tình cuối hay tình bất cứ khi nào.
Rồi kết luận không biết là thật hay mộng mơ:

Anh,
Em nghe tiếng anh gọi, em sẽ về.
Hôm nay em về.
Những ngày Thu của năm nào.
Không có anh, em còn có ai.

Thì ra mấy mươi năm,
Tôi Nhìn Những Mùa Thu Đi.
Năm nay, thấy có Thu Về,

Thôi,
Dù chỉ có một lần.
Dù  chỉ là nhung nhớ.
Dù chỉ là mộng thôi.

Điệp.

10/2013.



Saigon không có mùa Thu

Thư Saigon 10/2013
Trời vào thu bên các xứ Âu châu và Bắc Mỹ. Bạn bè bên đó rạo rực với lá vàng và cơn se lạnh, mang ý nghĩa đặc biệt với những người tha hương ghi dấu năm tháng trôi qua mỗi khi đất trời thay đổi cuối hạ, lúc cái nóng quen thuộc giống như quê hương ngày nào nhường chỗ cho mùa thu xứ người, thật sự gợi nhớ niềm xa xứ khi bóc lịch hàng năm.

Các bạn làm báo Đất Lạnh còn say sưa với không khí Retrouvailles 2013 và những trang báo mạng mầu sắc tuyệt đẹp cùng tâm sự đầy ắp những kỷ niệm đi học xa xưa, muốn tiếp tục công việc với cả…bốn mùa, kêu gọi người viết tứ xứ mở đầu đóng góp từ mùa thu này.

Nhận được thư nhắc nhở thường xuyên, nhất là các dòng email thường trực với các đoạn để gợi cảm hứng viết của anh Đỗ Đức Viên, người viết vẫn cứ băn khoăn. Vì Saigon thật sự không có mùa thu, như đã kể cho anh Viên và các bạn chủ biên ĐL.

Anh Viên còn gửi cho hai bài hát về Thu Saigon và Chiều Thu Tango Saigon, nhưng vẫn không quên nhắc nhở đây chỉ là ammunitions (tiếp đạn) cho bài "Saigon Không Có Mùa Thu" mà tác giả “nên viết sớm” và “không có quyền thay đổi cái titre hấp dẫn đó”!

Thật sự tiếng hát da diết của cô ca sĩ Hồng Anh "Ai bảo Saigon không có mùa thu" cũng không làm thay đổi được cảm quan của người viết từ đầu, lúc chọn tên bài viết này để góp mặt với số Đất Lạnh Mùa Thu 2013, nơi góp mặt các cảm tác về mùa thu ở nhiều miền trên thế giới.

Người viết được mời dự một buổi hội thảo đã ra Huế vào buổi sáng cuối tháng 9 tuần trước, lúc trời đất mát dịu với những cơn gió heo may sau cơn mưa như ở Saigon, để thử cảm tưởng của mình về mùa thu ra sao. Thả bộ trên cầu Trường tiền (như trong ảnh dưới đây trích từ trên mạng của VOV), thật sự người viết vẫn có chung cảm tưởng như đang ở Saigon vào cuối mùa mưa (cuối tháng 9 sang tháng 10), vẫn không thể gọi đây là mùa thu như tác giả đã sống ở Hà nội bên mình hay những thành phố miền Đông Bắc Mỹ như Québec, Wash D.C., hay Paris, Londres...bên trời Âu.

Hai tiêu chuẩn cho mùa thu phải là những cơn gió heo may lạnh và rừng lá vàng rơi rụng, mà cả Huế và Saigon đều thiếu.

Cảnh Huế cuối mùa hạ hay được so sánh với mùa thu nơi khác
Saigon chỉ đang vào cuối mùa mưa với các cơn mưa dài làm trắng xoá những con đường, ngập lụt các khu phố nghèo, làm rụng cả rừng lá chỉ còn để lại các hàng cây trơ trụi bên đường, gây nên một nét đặc sắc cũng khá hữu tình cho kẻ làm thơ viết văn.

Nhất là cho người trẻ tuổi một thời đã từng lê mòn gót giày, dìu cô bạn gái nhỏ trên đường phố cũ Nguyễn Du vào một chiều mưa tạnh, tâm tư tràn đầy tình yêu mới chớm nở, đón dòng nước từ những hàng me lúc cơn gió làm xao động các hàng lá. Khách giang hồ thuở học trò chỉ đi xong con đường đó cho đủ ướt đầu là xong một bài thơ, chờ thứ hai đến trường tặng em với bao xôn xao chờ đợi...

Hay trên đường cũ Nguyễn Bỉnh Khiêm dẫn lối vào trường Trưng Vương, tìm khuôn mặt quen thuộc nổi tiếng của những Minh Phượng, Minh Ngọc, Kim Tâm, Minh Hà…cho cảm hứng buổi tối để viết báo Tết mùa xuân cho trường mình…

Hay như lời kể của anh bạn cựu sinh viên Saigon từ Laval, nhớ lại Saigon vào đầu thập niên 70 với khuôn viên trường Dược cũ của mình, nằm trên đường Cường Để gần đại lộ Thống Nhất, còn thổn thức với những khuôn mặt cũ như Băng Sương, Giáng Ngọc, Vân Thúy, Tuyết Mai, là bốn “kiều nữ“ hoa khôi của năm thứ nhất Dược Khoa.

Rồi những ngày trở về thăm nhà ở Saigon, buổi trưa nắng cùng người bạn tìm về những hiệu cơm tây bình dân ở khu chợ Cũ. Những Tài Nam, Thiên Nam với món gà quay vàng và cơm chiên màu đỏ cam gợi nhớ thời học sinh nghèo luôn thèm được lui tới những hiệu này. Đang ăn thì cơn mưa vũ bão đổ ập xuống thành phố. 

Người lữ thứ tiếp tục đi dọc theo những con đường mưa tạnh trong mơ màng, sống lại bao khoảnh khắc của một thời xa xưa. Saigon ở những con đường ngập lá, tương đối ít xe cộ như Phùng Khắc Khoan, Hồ Xuân Hương, hay Tú Xương… vẫn mang cảnh sắc thơ mộng như những ngày tháng cũ.

Nhiều người cứ tạm ví đây là mùa thu Saigon sau những cơn mưa dài cuối mùa hè, nhưng người viết vẫn cố phủ nhận vì không tìm thấy cùng hình ảnh mùa thu ở đây như ở Hà Nội hay các nước Âu Mỹ vào đầu tháng 10.

Nhưng buổi sáng nay thức dậy sớm ở Saigon, mở máy computer đọc Đất Lạnh có bộ mặt mới Mùa Thu tuyệt đẹp và lãng mạn, khiến người đọc thường đi bộ dưới những hàng me ướt lá của Saigon vẫn phải nghĩ đến rừng lá phong Québec.

Ôi những tình yêu nhẹ nhàng phớt màu vàng cam của lá như trong chớm thu ngày nào, làm lòng còn rưng rưng dù tóc đã điểm bạc sau 30-40 năm!

Có chăng chút ý nghĩ từ Saigon lúc này là nhớ về mùa thu Québec trong tâm tưởng. Những ngày đầu nhập học Laval còn bỡ ngỡ xôn xao vì đất lạ người lạ. Buổi họp mặt ấm cúng đầu tiên là đêm văn nghệ Tết ở Pavillion Pollack với ban nhạc Vinh-Đỉnh-Kỷ và tiếng hát ấm Trần Thanh Toàn khó quên trong Nhìn Những Mùa Thu Đi, đã là gợi nhớ thường trực cho người viết về những ngày du học Canada và mùa thu Québec.

Nếu thư này sang đến Québec vào đúng ngày bắt đầu của mùa thu, thì nó là thư cho những người bạn cũ và chút tâm tưởng cho một thành phố thân yêu ghi dấu thời gian du học êm đềm với bao lý tưởng hoài bão cho tương lai. Những dòng về Saigon mùa mưa cũng để gợi nhớ cho các bạn về một thời xưa cũ, là chút đền bù cho người viết khi phải xa cảnh mùa thu thật sự của các bạn nơi xứ người.




(Tặng Trần Thanh Toàn và Nguyễn Đình Cường)

Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2013

Ngày chớm Thu ở Halifax


Tôi lấy chuyến bay American Airlines từ Paris về New York sáng 11/9/2001. Tôi vẫn bị khó ngủ trên những chuyến bay xa, nên chập chờn không biết mình có đang ngủ hay không, dù hôm trước ở Paris đã có nhiều ly rượu vang Pháp dễ làm say ngủ. Buổi trưa ăn bữa cơm dài bốn tiếng để nói chuyện với hai người bạn. Hiệu ăn Ngọc Xuyến, nơi chúng tôi ngồi với các món nổi tiếng như phở và bánh giò, chiều khách nhưng cũng cần đóng cửa lúc bốn giờ. Chúng tôi phải chạy sang tiếp tục câu chuyện cho tới sáu giờ ở một quán cafe đầu phố. Rồi chạy ra xem vườn Luxembourg vào đầu thu để chụp vội vài bức hình kỷ niệm cho chuyến đi Paris ngắn này. Sau đó vợ chồng một người bạn khác rủ đi ăn bữa cơm tối chia tay với vài ly vang đỏ ở Chez Papa, một hiệu nổi tiếng ở quận 14.

Giữa cơn mơ màng nửa tỉnh nửa mê, tôi chợt thức giấc vì nghe giọng nói căng thẳng của người phi hành trưởng qua loa phóng thanh: “Chúng tôi xin báo một tin khẩn cấp và không vui vừa xảy ra ở Mỹ. Có hai chuyến máy bay từ Boston bị không tặc cướp và cho đâm thẳng vào hai tòa nhà của World Trade Center ở New York City, và một chuyến khác cũng bị không tặc cướp sau khi cất cánh ở phi trường Dulles thuộc khu Washington D.C. và cho nổ lúc đâm vào Pentagon. Ngoài ra nguồn tin khác chưa được xác nhận rõ là một chiếc máy bay thứ tư khác cũng bị cướp sau khi cất cánh ở Newark để đi San Francisco và bị nổ ở một vùng ngoại ô của thành phố Pittsburgh.”

Tôi hoảng hốt ngồi chồm dậy, không tin ở tai mình, nhìn sang người hành khách bên cạnh và hỏi: “Tôi vừa nghe loáng thoáng về chuyện động trời không tặc cho nổ máy bay ở New York City và Washington D.C., không biết tai tôi có nghe đúng hay không?” Ông hành khách đó gật đầu và làm tôi tỉnh ngủ hẳn: “Ông đã nghe rất chính xác!” Ít phút sau, chúng tôi đều lắng nghe các bản tin cập nhật hóa tình hình an ninh ở Mỹ từ người phi công trưởng. Ông này cho biết thêm máy bay của chúng tôi không được phép đáp xuống New York vì các phi trường ở Mỹ đều trong tình trạng hỗn loạn và phần lớn phải đóng cửa vì lý do an ninh. Máy bay chúng tôi sẽ phải sang Canada và đáp xuống Montreal hay Toronto trong một tiếng rưỡi nữa. Mọi người trong máy bay nhìn nhau im lặng, ngay cả dò xét xem có gì lạ ở các người hành khách khác để kịp báo động. Ai cũng cố giữ bình tĩnh, nhưng nét lo âu lộ rõ trong ánh mắt. Ai cũng cố dùng điện thoại Aircom gọi xuống đất hỏi thêm tin tức để báo cho nhau và bàn luận trong máy bay, nhưng phải chờ khá lâu vì hệ thống điện thoại cũng bị đình trệ.

Chỉ mười phút sau, tiếng người phi công trưởng lại vang lên trên loa: “Vì nhu cầu khẩn cấp, chúng tôi được lệnh phải đáp xuống trong 15 phút nữa ở phi trường gần nhất là Halifax, một hòn đảo thuộc vùng Nova Scotia của Canada. Mời quý vị hành khách buộc chặt dây lưng an toàn để sửa soạn đáp.” Chỉ một câu nói giản dị, không có đe dọa cấp thời đến chiếc máy bay hay sự an toàn của hành khách, nhưng cảm tưởng bất an, bồng bềnh không chắc chắn vẫn tràn ngập đám hành khách, làm cho mười lăm phút chờ đợi thật dài và hồi hộp. Những biện pháp an toàn được công bố nếu lúc đáp có gì trục trặc, vì có hơn 50 máy bay lớn khác cũng đáp xuống ở đây. Vì đây là phi trừơng nhỏ chỉ có ít cầu thang cho hành khách ra khỏi phi cơ nên sẽ phải đợi lâu trên máy bay, kể cả thì giờ đợi làm thủ tục an ninh nhập nội cho gần 8000 hành khách bỗng dưng bị “kẹt” ở đây.



Lúc đó là 1 giờ 30 trưa, giờ này đáng nhẽ chúng tôi đã được đáp xuống phi trường Kennedy ở New York. Nhưng qua các mẩu tin lượm lặt qua điện thoại, khu Manhattan chung quanh World Trade Center đang trải qua cảnh địa ngục với hai tòa nhà lớn đã bị sụp xuống và xe cộ chung quanh bốc cháy. Tin mới cho biết các phi trường của Mỹ và các quốc gia Tây Âu đều đóng cửa. Riêng Canada cũng đóng cửa biên giới với Mỹ để tránh bị nhóm khủng bố xâm nhập. Như vậy là hết hy vọng cho chúng tôi tìm phương tiện về một tỉnh lớn hơn như Montréal rồi từ đó lái xe về các tỉnh miền đông nước Mỹ. Mọi người lại cố dùng điện thoại di động để gọi về gia đình hay nhiệm sở báo tin sắp đáp xuống Halifax và hỏi thêm tin bên Mỹ.

Rồi những phút chờ đợi đó cũng qua đi, máy bay đáp xuống phi đạo và chúng tôi nhìn thấy hàng dài những máy bay đã xuống trước, nối đuôi nhau như trong một bãi parking đang kẹt xe. Lúc bánh phi cơ vừa đụng mặt đất, ai nấy thở phào nhẹ nhõm và vỗ tay khen ngợi sự bình tĩnh và chăm sóc ân cần của phi hành đoàn chuyến AA 45, nhất là nhóm tiếp viên vẫn luôn nở nụ cười với các ly nước tiếp liền tay. Rượu và cafe hay trà đã không được rót từ lúc có tin lộn xộn để tránh làm hành khách thêm cảm xúc hay bị khích động. Trong tình trạng đó, chúng tôi đã phải ngồi liền tám tiếng trong máy bay. Cuối cùng, khi đêm đã xuống, máy bay “taxi” tiến dần vào chỗ đậu, nhìn ngọn hải đăng Halifax qua cửa sổ máy bay sao thấy buồn và cô đơn kinh khủng, lại nghe thêm các tin tức qua điện thoại từ bạn bè hay thân nhân là các trường học và văn phòng đều đóng cửa ở Washington và New York. Tôi cũng sốt ruột vì phải về dạy lớp ở American University vào ngày sau. Rồi lại có cả tin TT Bush đã cho máy bay thả bom ở Afghanistan (về sau mới biết đây là tin thất thiệt!) làm cho không khí thêm nặng nề.

Bất chợt tiếng người phi công trưởng báo tin hành khách sắp được xuống phi cơ, ai cũng vui mừng vì đã nghĩ đến trường hợp phải ngủ qua đêm trên máy bay. Chúng tôi được báo thêm đêm nay sẽ trú trong một khu triển lãm đóng cửa hay trường học bỏ trống, và các phương tiện sẽ do hội Hồng Thập Tự địa phương xếp đặt. Hành khách rộn rịp tay xách nách mang các hành lý cá nhân, còn vali nặng thì bỏ lại trong khoang hành lý, với hy vọng được sớm bay về cái “thiên đường nhỏ” của mình ngày mai!

Các âu lo trằn trọc của cuộc sống vật chất hàng ngày trở thành vô nghĩa. Niềm bất ổn trong cái sắc không của cuộc đời chợt chớm trong ý nghĩ. Chúng tôi nhìn nhau cố tạo một nụ cười lịch sự, ân cần với nhau hơn lúc mới lên máy bay ai nấy loay hoay tranh dành kiếm chỗ để hành lý trong các ngăn trên đầu. Gửi lời hẹn gặp lại nhau ngày mai một cách lạc quan dù chưa biết sẽ đi đâu và tình hình sẽ biến chuyển ra sao bên Mỹ.

Tôi thò đầu ra khỏi máy bay, gặp ngay cơn gió mới chớm thu của Canada nhưng đã lạnh rùng mình. Welcome to Halifax với những ngọn đèn tù mù! Welcome to Canada! Xứ láng giềng thanh bình của Hoa Kỳ, được cơ quan phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) xếp hạng trong nhiều năm là xứ đáng sống nhất với sự phát triển kinh tế xã hội thăng bằng và ít tội phạm hay bất công xã hội, vẫn được nhà văn Trà Lũ ở Toronto, cũng là thầy giáo Anh văn ở CVA của tôi, ca tụng hết lời là “thiên đàng hạ giới.”

Cách đây nhiều năm tôi đã tốt nghiệp tại trường Laval ở Quebec, và nhờ đó tôi đã biết rất rõ lòng tử tế và tính hiếu khách của những người bạn xứ này. Thuở đó, lúc tốt nghiệp và sang Mỹ học tiếp, tôi vẫn tiếc chưa có dịp đi chơi thăm Halifax. Ai ngờ đây là cơ hội tôi thăm hòn đảo du lịch này, trong một tình huống khá éo le!


Khi đoàn xe bus chở chúng tôi đến chỗ tạm trú ở Exhibition Park thì đã gặp ngay quang cảnh rộn rịp với nhiều người đã đến trước. Nhóm chúng tôi được xếp chỗ ngủ dưới đất trong khu triển lãm rộng nhưng khá lạnh vì các cửa hở có gió mạnh thổi vào. Cái “bao ngủ” và tấm chăn lớn cũng chưa đủ ấm vì tôi không đem theo áo len. Tôi trằn trọc không ngủ được, bỏ ra phòng đợi có máy sưởi và các ly trà nóng ấm áp hơn, và theo dõi tin tức của đài CNN để xem lại các hình ảnh khủng khiếp ở khu World Trade Center mà tin tức đã nghe nói lúc ban ngày. Cũng không quên được cô em đã ân cần mua cho tấm thẻ điện thoại trả trước để có dủ phương tiện liên lạc trong mấy hôm với bạn bè người thân.

Bên những xúc động vì các cảnh tang thương của New York và Washington D.C., tôi cũng tìm lại được vài hình ảnh quen thuộc đã thấy (déjà vu) của tháng 4  năm 1975 lúc tôi cũng đã xin làm tình nguyện (volunteer) cho Hội Hồng Thập Tự để giúp những người di tản ở Camp Pendleton (California) bên Mỹ. Bây giờ, tôi ở trong hoàn cảnh “tị nạn” do cuộc khủng bố ở Mỹ và cũng được những tình nguyện viên Hồng Thập Tự ở Halifax giúp đỡ lại. Sự ân cần tử tế của những người địa phương này làm tôi cảm động. Nhưng tôi còn xúc động hơn khi cảm nhận mãnh liệt mối “nợ đồng lần” trong thiên hạ, triết lý đã được học thuở nhỏ là khi mình giúp một ai thì có ngày sẽ được kẻ khác đáp lại.

Đêm dài Halifax lạnh lẽo hầu như thức trắng rồi cũng qua. Buổi sáng thức dậy với bữa ăn nóng đầy đủ và sự ân cần của nhóm người tình nguyện. Nhưng hình ảnh khó quên nhất là những người dân địa phương đang xếp hàng chờ tìm những người trong trại muốn đi ra ngoài để mua bán hay chở về nhà họ tắm rửa vì không có nhà tắm ở khu tạm trú này. Tôi cũng ghi tên đi về nhà của một gia đình địa phương với cặp vợ chồng và ba người con hiếu khách. Tắm shower xong tôi tỉnh táo hẳn để tính chuyện tìm phương tiện rời Halifax về lại Mỹ. Buổi chiều tôi lại được gặp một anh bạn trẻ khác chở xe đi dùng Internet liên lạc với người quen và ăn tối. Sau đó tôi kiếu từ về sớm để đợi gặp Philip Campbell, người  đại diện hãng Swiss Air, xin gia nhập đoàn hành khách 100 người sẽ ra đi trong đêm bằng phương tiện thuê riêng. Chúng tôi thức dậy lúc bốn giờ sáng thứ năm 13/9 để sửa soạn ra xe bus đi hai tiếng đến Yarmouth là chỗ đáp một tầu thủy du lịch chở đi Portland thuộc tiểu bang Maine.



Sau 11 tiếng lênh đênh trên biển - càng tô đậm thêm cái cảm giác lênh đênh bất định do các biến động lớn mang lại - tàu cập bến Portland. Sau khi lên bờ, chúng tôi lên ba chiếc xe bus chờ sẵn trực chỉ Boston. Đến Boston lúc 11 giờ đêm, tất cả chia tay. Tôi xiết chặt tay Philip để cám ơn. Sau đó ngủ qua đêm trong một khách sạn ở Boston để sáng hôm sau đáp xe lửa về Washington D.C. Tôi như qua một giấc mơ dài khi về đến “thành phố nhà” lúc hai giờ trưa thứ sáu 14/9, mừng vui  nhìn thấy lại "giang sơn" Potomac êm đềm, chấm dứt chuyến đi kéo dài tổng cộng hơn 30 tiếng từ hòn đảo Halifax của Canada đến thủ đô nước Mỹ bằng nhiều phương tiện khác nhau mà trong lúc bình thường chắc không ai có thể nghĩ tới. Nhớ lại nỗi vất vả lên bến xuống thuyền của hai ngày qua, tôi thấy như mình đang sống trong tình trạng chiến tranh. Mà thực tế hình như quả đúng như thế thật.

Về nhà vẫn nhớ mãi hai ngày chớm thu tạm trú ở Halifax, cũng gợi nhớ những mùa thu trước của Québec.  Nhưng đêm đầu lạnh lẽo đó Halifax khác xa cảnh rực rỡ của những hàng đèn đại lộ Champs-Elysées hay khách sạn 4 sao của Paris hoa lệ mà tôi vừa rời hôm trước. Mới đêm hôm trước, tôi còn ở trong một thế giới khác, thế giới sáng trưng của an bình chắc chắn và những giấc mộng đẹp, mà đêm hôm sau nằm trên nền đất đã trằn trọc không ngủ được trong cái lạnh của trại tạm trú, với hình ảnh tang thương đổ vỡ của một New York vốn đầy những building chọc trời cứ luẩn quẩn trong đầu. Hình như lần đầu tiên tôi chứng nghiệm một cách thiết thân tính chất vô thường của mọi sự ở đời.

Nhưng Halifax đối với tôi mới là cuộc đời thật sự, vì tôi đã gặp ở hòn đảo tối tù mù đó sự ấm áp của tình người trong cơn khủng khiếp đầy tang tóc của hoạn nạn. Xin cám ơn vùng đảo nhỏ, cám ơn Canada với những người dân hiếu khách đầy ân tình đã cho tôi chỗ an trú tinh thần, làm chỗ tựa vững chãi cho chút ý nghĩ giác ngộ mới chớm nở đêm đó về ý nghĩa thật của cuộc sống. Thỉnh thoảng trong nỗi nhớ mùa thu Canada, hai ngày ở Halifax vẫn cho tôi một kỷ niệm sâu đậm khó quên.