Thứ Tư, 22 tháng 5, 2013

Cho tôi lại ngày nào…


Cho tôi lại ngày nào…

Nguyễn Duy Vinh

Duyên nợ

 

Duyên nợ của tôi với người Québecois chắc chắn là đã có từ trước, không biết từ kiếp nào. Những năm sau khi xong trung học đệ nhất cấp, tôi đã được vài bạn cùng lớp rủ nhau đến cư xá Đắc Lộ (Sài Gòn) để ghi học những lớp tiếng Pháp tại đây. Và từ đây tôi bắt đầu được làm quen với những cha Dòng Tên (Jésuites) và những cha Dòng Chúa Cứu Thế (Rédemptoristes) người Gia Nã Đại. Các cha Champoux, Gervais, Gélinas, và sau này Gagnon, Roy, Trépanier… Hiện nay gia đình chúng tôi vẫn còn liên lạc với các cha Gervais và Champoux…Một số các cha lớn tuổi đã vĩnh viễn ra đi như cha Louis Roy, Charles Gagnon và cha Gélinas.
Các cha kể chuyện và cho chúng tôi xem hình ảnh của xứ Québec thường xuyên và tôi đã bắt đầu có cảm tình với cái xứ này (mặc dù chưa biết rõ ràng lúc đó, nhất là các cha không nói nhiều về mùa đông !). Khi hay tin được học bổng Plan Colombo và được đi Canada, việc chọn đại học Laval đến với tôi khá tự nhiên, không đắn đo suy tính…
Chuyến đi cũng dài đăng đẵng. Đi ngả Hồng Kông và ghé Tokyo, Vancouver trước khi đến Ottawa. Chuyến đi của đám sinh viên từ Sài Gòn lúc đó (1966) tụi tôi có 12 đứa. Tôi thì may mắn được ngồi cạnh anh Lê Văn Ngàn (sinh viên xuất sắc học École Polytechnique) trong suốt chuyến bay. May mắn là vì anh Ngàn không ăn được trên máy bay, anh rất dễ bị ói. Thế là tôi một mình một ngựa quất luôn hai phần ăn. Ăn thỏa thích…Hai ngày ở Hồng Kông cho chúng tôi thời gian mua sắm thêm những thứ cần dùng vặt vãnh. Riêng tôi vẫn còn nhớ những chùm nho đỏ quả lớn và ngọt lịm. Tôi mua cả ký đem về khách sạn ăn cho đỡ thèm vì chưa bao giờ được ăn nho tươi thoải mái như thế ở Việt Nam…

Pollack, Joe Louis và bánh mì Culina


Những ngày đầu ở Laval là những ngày nhẹ nhàng tươi mát. Lúc đó vào cuối tháng 08, đầu mùa thu. Mùa thu Québec đến sớm hơn vào thời điểm đó. Tôi còn nhớ mình cứ đi bộ thong thả vào những cánh rừng quanh các phân khoa đại học. Lá vàng đỏ tím xanh rực rỡ tung bay trong gió như đưa tay chào đón, vẫy gọi. Lá rụng đầy lối đi. Viết đến đây tôi lại nhớ tới bài hát Cẩn Trọng (nhạc phổ thơ của thi sĩ Nhất Hạnh) xin chép lại để chia xẻ với các bạn:
Qua ngõ vắng
Lá rụng đầy
Tôi đi trên con đường nhỏ
Đất hồng như môi son bé thơ
Bỗng dưng
Tôi cẩn trọng
Từng bước chân đi

Với bầu trời xanh ngát và nắng ấm chói chan, mùa thu Québec vui và rộn rã chứ không buồn như mùa thu ảm đạm của Paris trong vườn Lục Xâm Bảo qua cách tả của Anatole France, hay mùa thu trong thi văn của Thanh Tịnh cứ “mỗi năm lá ngoài đường rụng nhiều” trong đoản văn tuyệt tác Tôi Đi Học. 

Những ngày đầu tựu trường chúng tôi những sinh viên Việt Nam cứ tụm năm túm ba với nhau chứ chưa giám lân la làm quen người Québecois. Những sinh viên mẫu mực, nhất là sinh viên Việt Nam thời đó, lúc nào cũng quần áo tươm tất và áo sơ mi luôn có cà vạt chứ không như ngày nay tha hồ mặc quần jean và áo t-shirt. Phần lớn sinh viên mít ta luôn đi Pollack ăn sáng trước khi đi trường. Những tay dậy muộn như tôi thì dùng những thức ăn bấm từ máy. Nách kẹp hoặc vai đeo cặp táp khệ nệ, tay trái cầm ly cà-phê bấm máy, tay phải cầm miếng bánh Joe Louis vừa đi đến lớp vừa ăn. Bạn nào học Laval mà chưa ăn bánh Joe Louis của hãng Vachon làm là một thiếu thốn lớn. Buổi trưa thì chúng tôi thường rủ nhau đi ăn trưa ở Pollack khi có nhiều thì giờ. Những hôm ít giờ thì ở lại trường, bấm máy ăn sandwich. Sandwich bấm máy có đủ loại (cá thon, trứng, thịt heo bầm loại crotons, thịt jambon …). Một cái sandwich, một bình sữa nhỏ và một cái bánh Joe Louis là đủ no cho đến chiều. Riêng nói đến sandwich mà không nhắc đến món sous-marin Culina là một sơ sót lớn. Sinh viên Mít (MIT = dân mình ấy mà) trong những năm 1966-1975 không ai không biết món bánh mì ngon nổi tiếng của hiệu Culina trên đường Ste Foy. Bánh mì kiểu Tây, jambon thơm và ít mỡ, lại thêm đủ những thứ đồ chua (pickles), tô mát rồi lại mayonnaise và mù tạc Dijon. Ngon ơi là ngon. Một ổ thời đó khoảng 3 đô (sau này lên 5 đô), ăn một ổ vào là no đến tối luôn…
Riêng những món ăn ở cư xá Pollack thì thật không bao giờ hợp được khẩu vị người Việt. Trước khi lên đường, mẹ tôi đã cẩn thận gói và bỏ vào va-li cho tôi một lọ ớt khô. Ăn trưa hay ăn tối ở Pollack, tôi luôn đem theo lọ ớt khô này. Lén lút nhìn trước nhìn sau và thấy không ai để ý, tôi rắc nhẹ ớt lên đĩa ăn. Chỉ có cách đó mới sống sót nổi…Nhưng lọ ớt này cũng có cái duyên của nó. Một hôm có một chị người Mễ đến tận bàn tôi xin … ớt ! Chị chắc chắn đã âm thầm để ý việc rắc ớt của tôi từ lúc nào không biết. Thế là từ đó tôi có thêm đồng minh. Có hôm chị nhận được ớt từ quê nhà và chị đã biếu tôi một hộp ớt Mễ. Từ đó chúng tôi ít khi thiếu ớt ăn. Mãi sau này Steinberg và Miracle Mart mới bán ớt nên từ đó cô bạn Mễ không lo chờ ớt từ quê nhà và tôi thì tìm được một hạnh phúc mới…là không còn lo thiếu ớt ăn !
À còn quên chưa kể việc ăn súp (soupe) ở Pollack. Có ai dạy tôi ăn canh không được húp bao giờ. Tôi ăn súp và húp xì xụp làm những người québecois ngồi những bàn bên cạnh nhìn tôi trâng trâng.  Ngay cả bây giờ mà bắt tôi ăn súp không được húp xì xụp là cả một cực hình, phải vừa cho thìa súp vào mồm vừa ngậm mồm vừa nuốt ừng ực …

Nấu cơm lén

 

Dân mít mình thích ăn cơm. Cơm Pollack thì thỉnh thoảng cũng có, nhưng là cái loại cơm Uncle Ben, dở ơi là dở. Từ khi một vài bạn mua được gạo Á Châu thứ thiệt từ Montréal chúng tôi đã bắt đầu nấu những buổi cơm …lén đầu tiên trong phòng. Phòng của tôi lại nằm ngay tầng một bên cạnh văn phòng của ông concierge làm sự nấu lén thêm phần khó khăn và gay cấn. Nhưng sự thèm cơm đã thắng sự lo sợ bị bắt vì nấu lén. Dăm ba thằng, một nồi cơm, một con gà quay Steinberg, một ít nước xì dầu (thuở đó tìm ra đâu nước mắm), một tí ớt khô. Đây là bữa cơm ngon nhất trần gian…Về sau này, theo gót anh Trần Văn Rê, chúng tôi “mua” luôn được mấy bà làm phòng. Với một ít tiền pourboire đều đặn biếu các bà, không những các bà không đi khai với ông concierge mà còn luôn thu dọn “chiến trường” và đôi lúc còn rửa hộ nồi niêu bát đĩa chúng tôi ăn xong không kịp rửa. Những ai ở Moraud thời đó không thể không biết đến những tay nấu cơm lén nổi tiếng. Có anh Đặng Ngọc Sơn còn ngang nhiên treo những con gà ngoài cửa sổ để nhờ tuyết lạnh giữ được lâu, một loại tủ lạnh thiên nhiên. Có anh Hùng (cao dong dỏng học Génie Chimique)  chuyên nấu phở trong phòng. Anh Hùng ở cái phòng đó 4 năm liên tiếp. Nghe nói sau khi anh lên đường về nước, người ta phải thay hết màn cửa phòng anh vì cái mùi phở (nhất là mùi mấy quả hồi) đượm thấm vào màn cửa giặt cách nào cũng không lấy đi được. Có anh Nguyễn Văn Nhã (anh ruột của anh Nguyễn Văn Hương, một trong những Việt kiều “yêu nước” vừa là đảng viên “nằm vùng” của ĐCSVN !) đã bị đuổi ra khỏi cư xá Parent vì nướng … mực trong phòng và để quên mực cháy khói bốc um làm sinh viên cùng hành lang đã phải kéo nút báo cháy khẩn cấp (alarm). Xe chữa lửa đến tìm mãi…và khi họ đến phòng anh Nhã thì họ thấy anh nằm trên giường (giả bộ) ngủ và họ nghi ngay. Dưới gầm giường anh nằm họ tìm thấy những con mực cháy khô nằm chỏng cheo… 

Ban Du Ca hay những ngày hát rong…

 

Đàn hát là văn hóa của dân Việt. Những buổi trình diễn văn hóa của sinh viên ngoại quốc và nhất là những dịp ăn mừng Tết ở Pollack, lúc nào cũng có sinh viên mít mình tham dự. Vào năm đầu, chúng tôi lập ban hợp ca đầu tiên gồm các anh Nguyễn Hùng Dũng (anh Zummie đã ra đi quá sớm), anh Trần Văn Rê, anh Vũ Công Thi và tôi. Bài lúc đó chúng tôi hay hát là bài Ngựa Phi Đường Xa mà tiếng làm ngựa hí của anh Vũ Công Thi chắc khó có ai bì kịp. Sau này, có các danh tài
về nhạc xuất hiện, chúng tôi lập ban hợp ca đầu tiên lấy tên là Ban Du Ca. Chúng tôi đã chịu khó tập luyện trong suốt mùa hè và sau này đã đủ sức cho récital dài tới 3 tiếng đồng hồ. Ban hát rong này gồm các anh Võ Ngọc Đỉnh (chơi guitar thiệt khó ai theo kịp), anh Trần Thanh Toàn (với giọng ca truyền cảm đã để lại cho sinh viên mít những giây phút thoải mái qua hai bài ruột của anh là bài Hoài Cảm và bài Hạ Trắng), anh Tô Xuân Kỷ (một người đa tài, vừa guitar, vừa mandolin và vừa violon) và tôi (chuyên nghề guitar đệm). Xin chép ngay tấm hình của Ban Du Ca xuống đây sợ quên.


Thành tích của Ban Du Ca cũng đáng kể lắm. Nào là những đêm hát ở hộp đêm (boîte à chansons) L’esquisse ở Loretteville, nào là đêm récital dài 3 tiếng đồng hồ ở La Résille (Pavillon Pollack), nào là lần trình diễn truyền hình xuyên Canada đầu tiên (chương trình 1001 chansons của François Provencher nổi tiếng thời đó), và ngon lành nhất là buổi trình diễn ở Expo 67 tại Pavillon Chrétien trước cả ngàn khán giả…Ban Du Ca cũng có hai người “phụ tá” rất đắc lực luôn có mặt hỗ trợ là anh Bùi Văn Tâm (còn được gọi là ông bầu) và người giới thiệu (MC) các bản nhạc là chị Hoàng Thị Lan (sau này thành cô Lan…my house)… Những bài hát tủ của Ban Du Ca lúc bấy giờ gồm có những bài Nhìn Những Mùa Thu Đi, Tiếng Dân Chài, Sáng Rừng, Suối Mơ, và Đoàn Lữ Nhạc…
 

Tôi học chửi thề…tiếng Québecois

 

Dần dà tôi bắt đầu quen với nếp sống mới. Bớt sợ mùa đông hơn nhưng vẫn thấy nó hãi hùng làm sao. Tôi không biết có người Việt Nam nào thích mùa đông gió rét của thành phố Québec. Thành phố này nằm ở cửa sông St Laurent mà đại học Laval lại nằm trên vùng đất cao nên luôn có gió to rít lên từng cơn. Những hôm bão tuyết hoặc trời lạnh xuống đến trừ 20 độ hoặc thấp hơn, “cha con sinh viên mít” chúng tôi rủ nhau bắt xe buýt từ Parent để đến Pavillon Pouliot (đi bộ bình thường mất độ 10 phút). Anh nào cũng có cái cặp to tổ bố, lại còn đeo khệ nệ nào thước vẽ nào thước tính Staedler hay K & Ép Si Lon. Ông tài xế québecois rất ngạc nhiên lúc đầu thấy cái đám mít lên xe buýt mà lại xuống nhanh thế, nhưng sau rồi thì ông thông cảm. Những mùa Giáng Sinh đầu tiên tôi đã được các bạn người québecois cùng lớp rủ về nhà quê ăn mừng dịp Chúa ra đời với gia đình họ. Khi thì đi St Georges de Beauce, khi thì đi Rimouski. Cuộc sống hòa nhập của tôi với nếp sống địa phương bắt đầu tiến triển và đến cuối năm thứ ba thì tôi đã khá thông thạo tiếng Pháp địa phương (còn gọi là tiếng còi) nhất là tiếng chửi thề. Và ngay bây giờ tôi vẫn còn nhái được giọng québecois dễ dàng và hay làm trò cười cho mấy người bạn bên Pháp sang thăm. Và mấy tiếng chửi thề theo người còi (= québecois) còn được tôi mang theo sang tận Phi Châu hẻo lánh. Khi đang lái xe và bị người Phi Châu lái cắt ngang xe mình trên đường một cách đường đột là tôi kéo kính xe xuống và vô tình tôi tuôn ra một tràng tiếng còi : “mon petit crisse de tabarnak, conduis-toé comme du monde crisse”. Họ không hiểu tôi muốn nói gì chỉ nhe răng trắng toát cười thật tươi, thế là huề cả làng.

Những năm chơi thể thao ròng rã

 

Mùa hè ngoài việc đi học tiếng Anh hoặc phụ giúp trong các phòng thí nghiệm, sinh viên học bổng Plan Colombo rất rảnh rỗi. Và việc hay nhất để cho ngày bớt dài là ta chơi thể thao. Dân mít mình thì có hai môn chính : đá banh và chơi bóng chuyền. Và dĩ nhiên còn có badminton, bóng bàn và thi chạy. Tôi cũng được tuyển chọn vào hai đội bóng chuyền và bóng đá của Laval và hè nào cũng tập tành ngay sân cỏ đằng sau Pavillon Lemieux. Cuối hè thì chàng nào cũng đen thui vì nắng gió. Nhưng chắc chắn không ai đen bằng anh Trần Văn An với cái nickname là An “mọi” hay “Giáo … móm”. Phe ta đá hùng hổ lắm, hàng hậu vệ có Cương “ba đầu rùa” và thỉnh thoảng có anh Hải “Bò” (anh này thích húc người hơn húc banh) để đối đầu với phe Montréal có Dũng “Gấu” và Hùng “nhỏng”. Góc phải thì có Chung Duy Ân dắt banh nhanh như vũ bão, nhiều khi anh chạy nhanh đến độ quên luôn là đã hết sân. 
Trung phong nhà ta là anh Huỳnh Hớn Kiệt (đã ra đi vĩnh viễn) đối đầu với Chánh “điên” của Montréal. Và không thể không nhắc đến Lâm Chí Công, người lực sĩ sinh viên tài ba (cũng đã từ giã chúng ta). Riêng tôi sau này vì hoàn cảnh học hành, chúng tôi rời Quebec và xuống Ottawa lập nghiệp. Và ở đây tôi đã gia nhập đội banh đại học Ottawa. Trong đại hội thể thao Bắc Mỹ lần chót tổ chức ở Laval (1974), đội banh Ottawa đã đoạt cúp túc cầu (hạng B). Tấm hình dưới đây ghi lại biết bao kỷ niệm của những buổi chiều êm ả, đám mít Ottawa rủ nhau tập dượt tại sân banh của đại học Carleton. Một vài người trên hình này cũng đã ra đi vĩnh viễn như các anh Lâm (nickname Lâm “thợ điện”), Đàm Quang Long…

Sinh viên Việt Nam học không thua ai

 

Chơi thì chơi nhưng sinh viên Việt Nam thời đó rất xuất sắc trong việc học. Đa số sinh viên mít thời đó ra trường thường đứng đầu lớp. Không đứng đầu lớp thì cũng ít nhất summa cum laude hay cum laude. Vì lý do chiến tranh, đa số ở lại học tiếp. Và vì vậy số sinh viên mít có bằng Master hoặc Ph.D. trước 1975 rất cao. Ai chịu khó học cũng thành công. Có những tay ăn chơi, lo chơi nhiều hơn lo học thế mà sau này khi “tỉnh ngộ” ghi danh học lại và rồi cũng đỗ đạt thành công.
Nói chung hầu như ai cũng thành danh. Điều này chứng tỏ nền giáo dục Việt Nam ở miền Nam trước 1975 là một nền giáo dục rất tốt. Những sinh viên ra trường như tôi không muốn về nước phục vụ chế độ cộng sản cũng tìm được việc tốt đi làm để nuôi thân. Và không những nuôi thân và nuôi gia đình không thôi, chúng tôi còn gửi về Việt Nam tiền và thuốc men để cứu giúp gia đình trong những năm khó khăn nhất sau ngày 30 tháng 04 năm 1975.
Và bây giờ khi ngồi đây nhìn lại một quá khứ đầy may mắn, chúng tôi không bao giờ hối tiếc đã chọn nơi này làm quê hương. Quê hương và con người Canadien và Québecois hiền lành đã tạo cho chúng tôi những hoàn cảnh và điều kiện (duyên lành) thật tốt để mưu cầu hạnh phúc. Và dĩ nhiên chúng tôi không bao giờ quên ơn này.  

Xây tượng Tiếc Thương ngay tại thành phố Québec

 

Rồi việc gì đến sẽ đến, 30 tháng 04 đã đưa dân tộc Việt Nam, nhất là miền Nam, vào những vòng điêu đứng. Chính sách tàn bạo của “bên thắng cuộc” sau ngày 30 tháng 04 đã làm cho vết thương chiến tranh kéo dài mãi đến năm 1985, với những trại cải tạo (dùng chữ nhà tù cải tạo thì chính xác hơn), vùng kinh tế mới, đánh tư sản và mại bản v.v... Những người Việt vượt biên đến Québec cũng làm cho thành phố này sống động hơn trước với nhiều quán ăn Việt Nam hơn. Lúc bấy giờ có các anh Võ Văn Đạt, Nguyễn Văn Sơn, Đặng Vũ Thế Hiển, một số sinh viên mít đang học ở Laval và các chủ nhà hàng Việt Nam ở Québec đã có công thuê đất, tạc tượng và dựng lên một đài kỷ niệm thuyền nhân và chiến sĩ VNCH ngay tại một trong những nghĩa trang sang trọng của thành phố, nghĩa trang Notre Dame de Belmont nằm bên cạnh đường Ste Foy trước khi xuống đến basse-ville.  


Hôm khánh thành tượng đài kỷ niệm có cả trăm người Việt tị nạn về từ Montréal. Đây là tượng đài kỷ niệm thuyền nhân có thể gọi là được xây đầu tiên trên thế giới. Mô hình người lính VNCH được chép lại từ tượng Tiếc Thương của nghĩa trang Biên Hòa và người vẽ (designer) cho tượng đài Québec chính là anh Dương Tâm Chí nhà mình.
Và nói đến 30 tháng 04 thì tôi không thể không nhắc đến anh Vũ Kiện, nhà thơ của đặc san Đất Lạnh đã qua đời ngay tại thành phố Québec nơi anh đã học thành tài. Tôi vẫn nhớ mãi những bài thơ của anh đã được nhạc sĩ Trọng Nghĩa phổ nhạc và hát vào những năm 1986 / 87. Hiện nay qua điện thư trao đổi với anh Trọng Nghĩa, anh có gửi cho tôi những phóng ảnh thư pháp và bài vở của anh Vũ Kiện. Hôm nào có dịp tôi sẽ rủ các bạn hát với tôi những bài này. Xin chép xuống đây một bài mà tôi thích nhất mang tựa đề Những Con Thuyền Lang Thang:

bật que diêm thứ nhất
anh nhìn sâu mắt trong
tìm thời gian đánh mất
tình xưa nhen trong lòng

bật que diêm thứ hai
tay lùa vào trong tóc
giấc mộng nào phôi phai
xuôi dòng sông ngà ngọc

những con thuyền lang thang
trôi bằng sông ra bể
những niềm đau kể lể
hằn cánh buồm gian nan

anh chèo bên này sông
bên kia, thuyền của giặc
anh né tầu hải tặc
thuyền anh lạc giữa dòng

những con thuyền long lở
đêm biển cuồng bao la
giông bão đè hơi thở
liệm tình diêm thứ ba

bật que diêm thứ bốn
bật que diêm thứ năm
gió to hùa sóng lớn
hy vọng, tàn tro câm

ôi những người khốn khổ
cầm que diêm soi đường
lửa nào cho thuyền nhỏ
đất nào cho quê hương

Xin nhận nơi này làm quê hương

 

Sau ngày 30 tháng 04 năm 1975, vì từng hoàn cảnh đưa đẩy, chúng tôi mỗi đứa trôi dạt về những nơi chốn khác nhau. Phần lớn đã chọn lựa những nơi đã cho mình công ăn việc làm. Riêng tôi thì vô cùng may mắn. Sau những năm dạy học ở Phi Châu, tôi được về dạy học ở Laval 8 năm liền trước khi đổi việc và về Ottawa làm việc cho Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Gia. Tôi cảm nhận được một điều qua kinh nghiệm đi làm là có khả năng không không đủ, mình phải có may mắn được sự giúp đỡ của đồng nghiệp hoặc của những thiện tri thức (nghĩa là phải có “qưới nhơn phù hộ” như người miền Nam mình hay nói). Những may mắn đó tôi đều được diễm phúc có. Ngày nay về hưu tôi vẫn mang trong lòng sự biết ơn của tôi đối với tất cả Thầy Cô, bạn hữu, đồng nghiệp và gia đình đã luôn giúp đỡ tôi trên bước đường tiến thân và trong cuộc sống tha phương cầu thực. Quê hương Canada hiền hòa, người dân có tấm lòng ưu ái vị tha tuy khí hậu ở đây rất lạnh lẽo vào mùa đông. Và chúng tôi vẫn giữ mãi những kỷ niệm đẹp của những năm còn là sinh viên dưới mái trường Laval yêu dấu.

Và tôi xin ngừng bút, kèm theo tấm hình hai thân già chụp ở Bretagne (Pháp), ngồi trên một cái bunker của quân đội Đức Quốc Xã xây để chống đồng minh trong đệ nhị thế chiến và xin cầu chúc tất cả cựu sinh viên Việt Nam trước 1975 ở Canada một buổi họp mặt đầy tình người, tình đồng môn và nhất là có thật nhiều niềm vui trong những ngày hội ngộ. Và nhớ nhé, nhớ Cho tôi lại ngày nào…Trăng lên bằng ngọn cau…Cha tôi ngồi xem báo…Bên cây đèn dầu hao……(bài Kỷ Niệm của Phạm Duy). Ôi thời niên thiếu nay còn đâu.


  Nguyễn Duy Vinh

11 nhận xét:

  1. Thật ra tôi phải nói thêm ở đây (vì có một người bạn ở Ottawa nói là thời đó sinh viên Colombo sung sướng lắm) là số tiền Plan Colombo cho mỗi tháng vừa đủ trả tiền phòng và tiền ăn cũng như tiền tự lo giặt dũ quần áo. Nghĩa là chịu khó ăn ở Cư Xá Pollack hay ăn uống không phung phí là sinh viên thời đó đã có một cuộc sống rất là thoải mái so với các anh chị đi học bổng quốc gia. Một tháng tiền phòng khoảng từ $30 sau này lên $35 (1966-1970), tiền ăn tổng cộng mất khoảng từ $100 đến $150 mỗi tháng. Tiền học bổng nhận được lúc đầu là $150 một tháng sau này lên $175 một tháng. Nói chung không dư đồng nào. Tuy nhiên nếu chịu khó giúp việc hè trong các phòng thí nghiệm, sinh viên plan colombo có thể lãnh thêm tiền assistanceship khoảng $500 đô la tối đa vào mùa hè. Đó là chưa kể tiền sách và tiền học (frais de scolarité) đã được Plan Colombo trả riêng (tiền sách khoảng $300 mỗi năm). Rất là dủng dỉnh.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh Vinh ơi,

      Tiệm Culina vẫn còn hoạt động đấy! Em mới vào site Web của tiệm này. Bây giờ 1 cái sous-marin giá 5.75$. Như vậy cũng không lên giá lắm, so với giá 5$ của mấy chục năm trước. Thật ra em cũng không nhớ giá lúc trước là 5$ hay bao nhiêu. Chỉ nhớ là bánh mì giòn rất ngon, jambon, đồ nguội, ăn đã đời. Kỳ này về Québec, chắc phải rũ Anh Vinh ghé lại tiệm Culina, thăm hỏi gia đình chủ tiệm và mua bánh mì, bánh ngọt. Sau mấy chục năm, không biết ngưòi con chủ tiệm còn nhớ khách ngày xưa không?
      Sau đây là địa chỉ và số phone của tiệm Culina (đóng cửa ngày chúa nhật):
      2510 Chemin Ste-Foy
      Québec (Québec)
      G1V 1T5
      Téléphone: (418) 653-9894

      D.T.Nghiêm

      Xóa
  2. Anh Vinh viết bài hay quá. Tài hoa không kém Ngô Quang Bình (Ngô Thụy Miên),Nam Lộc , Vũ Thành An của thầy Nguyễn Đức Tiến (nhạc sĩ Chung Quân , tác giả cua bài hát nổi tiấng Làng tôi).
    Hình như Ngô Thụy Miên học sau anh Vinh 2 lớp ở Nguyẽn Trãi thì phải?
    You make me proud là cựư học sinh Nguyễn Trãi và cựư sinh viên Laval. Đàn anh mình tài giỏi thì mình cũng thơm lây.

    By the way, năm nay Cường được BTC đề nghị là Trưởng Ban Văn Nghệ. Hôm trước Cường có phone anh Toàn và anh ấy nhận giúp vui hát một bài đệm bởi Keyboard Msster Trần Mộng Cương. Nay đọc bài cua anh, Cường muốn mời anh Vinh, anh Đỉnh , anh Toàn va anh Kỷ , ban tu ca nam xua, giup vui mot bai trong dem van nghe thu bay.

    Đấy là... một thoáng hương xưa.... trong chu de Trường cũ bạn xưa,

    Than

    Dcn

    Trả lờiXóa
  3. Cám ơn anh Cường đã có những lời khuyến khích dễ thương và làm cái mũi của tôi (Pinocchio) sắp rơi !

    Tôi thì lúc nào cũng sẵn sàng nhập cuộc.

    Nếu các anh Toàn, anh Đỉnh (và mong là anh Kỷ cũng sẽ có mặt) và anh Kỷ đồng ý thì dĩ nhiên việc Ban Du Ca ngày xưa có thể cống hiến được một bài là chuyện có thể thực hiện được (dù tuổi đã khá về chiều, nhưng chưa đến nỗi tệ lắm). Theo tôi nếu hát lại một bài cũ nào đó hoặc hát dưới dạng liên khúc cũng rất hay (một loại retro để kỷ niệm ngày xưa). Tôi sẽ cố gắng in sẵn lời và nhạc của một số bài đem theo và tôi sẽ composer một loạt liên khúc và tôi sẽ gửi đến các anh Toàn, Đỉnh và Kỷ trước để thỉnh ý. Cần nhất là có hai guitare thùng để sẵn, có điện càng tốt mà không cũng không sao (vì chắc chắn có micro) là chúng tôi có thể tự đàn tự hát như thuở nào. Đây là một đề nghị thôi, chứ nếu không đủ duyên thì chắc cũng khó thành.

    Tuy nhiên cũng xin cám ơn anh trưởng ban văn nghệ đã có nhã ý nghĩ đến và mời chúng tôi, đây là một vinh hạnh và cũng là một niềm an ủi cho tuổi...về hưu...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cháu chào bác ạ, cháu là Thư. Cháu đang ở Sài Gòn và có dự định đi học thạc sĩ ở Quebec, Canada. Cháu có lên mạng để xem thông tin của trường nhưng có nhiều điểm vẫn chưa được rõ hết, cháu có thể xin email của bác để hỏi thêm một số thông tin được không ạ. Cháu xin cảm ơn.

      Xóa
    2. Anh Vinh ơi,

      Tiệm Culina vẫn còn hoạt động đấy! Em mới vô site Web của tiệm này. Bây giờ 1 cái sous-marin giá 5.75 $. Như vậy cũng không lên giá lắm so với 5$ của mấy chục năm trước!! Thật ra, em không nhớ lúc trước giá 5$ hay bao nhiêu, chỉ nhớ là rất ngon. Bánh mì giòn, thịt jambon ăn đã đời. Kỳ này về Québec chắc phải rũ Anh Vinhphải ghé lại thăm gia đình chủ tiệm thăm hỏi và mua bánh mì. Không biết người con chủ tiệm còn nhận ra khách cũ không?
      Sau đây là địa chỉ và số phone của tiệm Culina (đóng cửa ngày chúa nhựt):
      2510 Chemin Ste-Foy
      Québec (Québec)
      G1V 1T5
      (418) 653-9894

      D.T.Nghiêm

      Xóa
    3. Cháu chào bác, mấy hôm nay cháu đang thi nên chưa có thời gian lên hỏi bác mấy điều, cháu đang là sinh viên năm thứ 5 (cháu học Nha khoa), năm sau cháu sẽ tốt nghiệp và cháu có ý định đi du học thạc sĩ ở Canada, vùng Quebec (cháu tính nộp vào trường Laval hoặc Montréal) tại cháu là học sinh bilingue từ nhỏ, muốn học bằng tiếng pháp. Cháu có mấy điều cần hỏi sau ạ:
      - Trường Laval có khuyến khích học sinh quốc tế không ạ? Nhất là ngành học của cháu cũng hơi đặc biệt.
      - Cháu đọc thấy trên mạng bảo chi phí ở Quebec là thấp so với các vùng khác, điều này có đúng không ạ? Chi phí trung bình ở Montreal va Quebec city có chênh nhau nhiều không ạ?
      - Cháu có xem thấy là xin vào Quebec phải có giấy để vào vùng này. Nếu có giấy nhập học của trường rồi thì xin giấy này có khó không ạ?
      - Còn một điều nữa là ở Montreal hay Quebec city thì khí hậu nơi nào đỡ lạnh hơn ạ?
      Cháu xin cảm ơn bác.

      Xóa
  4. Hien bac dang di du lich nen viet tieng Viet bac khong bo dau duoc, mong chau thong cam. Chau cu viet nhung cau hoi len blog nay roi bac se tra loi cho chau qua blog vi bac nghi khong tien cho chau dia chi email qua blog, chau thong cam nhe. Than men.

    Trả lờiXóa
  5. phạm thị thanhlúc 19:06 5 tháng 6, 2013

    Anh Vinh viết vui lắm. Tuy nhiên, soi kính hiển vi cả bài chẳng thấy anh nhắc đến một bóng "hồng quần" nào ngoài "cô Lan, my house" cả!
    "Cho tôi lại ngày nào" với những kỷ niệm vui ngày ấy. Nhưng nếu "cho đi lại từ đầu", từ những ngày mới đến Laval thì ...sợ lắm anh Vinh ạ, chỉ mong "đi vội về sau" thôi.
    Mong được gặp lại anh Vinh chị Lan lần Họp Mặt sắp tới, để nghe anh Vinh đàn hát những bài thơ cuả anh Vũ Kiện,nhạc sĩ Trọng Nghĩa phổ nhạc .

    Trả lờiXóa
  6. Cháu Khánh Thư : học Quebec là đúng rồi, thành phố buồn hơn Montreal nhưng dễ học hành hơn cháu ạ. Bác đã rời Quebec từ hơn 25 năm rồi nên không đủ dữ kiện để trả lời cho cháu đầy đủ. Tuy nhiên bác có một tuyau cho cháu : cháu đi tìm Madame Anh Đào một dạo đã là khoa trưởng Nha Khoa ở Sài Gòn và bà có sang thăm Quebec và hình như có đến Laval nữa. Bà biết rất rõ về cách giảng dạy của hai trường Laval và Montreal về ngành Nha. Mme Anh Đào là bà xã của bạn thân của bác cũng là nha sĩ có phòng mạch ở Sài Gòn. Chúc cháu thành công nhé.
    Anh Nghiêm ơi : cám ơn anh, chúng tôi sẽ ghé Culina trong chuyến về Quebec này.
    Chào cô Thanh : có vài bông hồng "tóc vàng sợi nhỏ" mà tôi đâu dám nhắc đến, sợ bị dzợ quýnh...Hẹn gặp lại cô Thanh nhé !

    Trả lờiXóa
  7. Bai viet cua anh Vinh hay qua. Cam on anh da cho nguoi doc song lai nhung ky niem that em dem, va than thuong.
    Ky nay khong ve tham du duoc cuoc hop mat 2013, vi phai di lam bon phan o xu Cali. That tiec lam, nhung hy vong se co dip khac trong mot tuong lai gan.

    Nghia (71-75)

    Trả lờiXóa