Hiển thị các bài đăng có nhãn Viết để nhớ. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Viết để nhớ. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 12 tháng 12, 2013

Những nhà văn, nhà thơ miền Nam trước 1975

Cùng trong loạt bài "Viết để nhớ!"

Hình như  đa số những đứa chúng tôi, những đứa học trường trung học Nguyễn Trãi SG và lớn lên ở miền Nam sau 1954, đứa nào cũng biết chút đỉnh về các văn thi sĩ miền Nam trước 75 (mà tôi viết tắt là VTSMNT75). 

Riêng cá nhân tôi vì đi phải rời quê hương sớm lúc còn trẻ nên tôi không biết nhiều về các VTSMNT75 và khi nói đến VTSMNT75 tôi chỉ nêu ra được một số tên tuổi các văn nghệ sĩ nổi tiếng thời tôi còn học ở trung học NT như Nguyễn Mộng Giác, Nhã Ca, Mai Thảo, Võ Phiến, Nguyễn Thị Hoàng, Duyên Anh, Hồ Hữu Tường, Vũ Khắc Khoan, Dương Nghiễm Mậu, Phạm Công Thiện, Thanh Tâm Tuyền, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Lê Xuyên, Doãn Quốc Sỹ, Duy Lam, Vũ Hoàng Chương, Phan Nhật Nam, Đinh Hùng, Bùi Giáng, Nhất Linh, Nhật Tiến, Nguyên Sa, Nhất Hạnh và Tuệ Sỹ qua các tác phẩm tôi đã đọc được trước khi rời quê hương. Còn những tác phẩm của các  VTSMNT75 khác như Trùng Dương, Lê Huy Oanh, Thế Uyên, Tạ Tỵ, Tạ Ký, Ngô Thế Vinh, Thái Lãng, Nguyễn Đình Toàn, Tô Thùy Yên, Đỗ Quý Toàn, Đặng Tiến, Viên Linh, Quách Thoại, Nguyễn Sỹ Tế, ni sư Trí Hải v.v… thì mãi sau này tôi mới được dịp biết đến. Và tôi biết danh sách này chắc chắn vẫn còn rất nhiều thiếu sót và dần dà với thời gian tôi tin rằng sẽ có dịp được đọc thêm và bổ túc trong tương lai.

Có một số những VTSMNT75 mà tôi xin lược thuật dưới đây từ các tài liệu tôi thâu nhặt được trên mạng như talawas.org, http://vietsciences.free.fr/, và VN Thư Quán và những tác phẩm đã được ấn loát ở Hoa-Kỳ (qua Thư Ấn Quán của văn sĩ Trần Hoài Thư hiện cư ngụ ở Hoa Kỳ). Lược thuật này thật ra là để trả lời câu đố vui để học của nhóm NT chúng tôi tháng trước nhưng cũng là để giới thiệu một vài VTSMNT75 mà ít người biết đến, hoặc chỉ nghe tên nhưng chưa có dịp đọc tác phẩm của họ.

Tôi tìm thấy qua các tác phẩm đã đọc này một nền văn học trước 1975 mang đậm tính nhân văn mà các văn thi sĩ miền Nam đã góp phần bồi đắp. Những nhà văn nhà thơ này đã góp công xây dựng một nền văn học miền Nam, nay đã ít nhiều bị lãng quên, trong đó họ đã mang đến cho chúng ta những nét đẹp và những cảm nhận chân thật của văn học nghệ thuật miền Nam và họ chưa bao giờ phải đánh bóng cho chế độ hay xã hội khi họ đang sống và viết. Những tác giả đó là:

Võ Hồng: Ông sinh năm 1923, quê quán ở Phú Yên và cư ngụ tại Nha Trang (ông vừa qua đời gần đây). Trước 1975, ông từng là hiệu trưởng trường trung học Lương Văn Chánh (Phú Yên). Sau này ông dạy học ở Nha Trang. Ông xuất bản khoảng 30 tác phẩm, trước và sau 1975.  Người ta tìm đến ông, biết nhiều đến ông bởi nhân cách của ông trong cuộc sống và trên những trang giấy. Cũng như phần lớn người Việt chúng ta, Võ Hồng đã sống trong một bối cảnh bi thương của chiến tranh. Ông sống và viết bằng kinh nghiệm sống. Giọng văn ông bình dị, nhiều khi mộc mạc. Cuộc đời của ông là ngòi bút và những tác phẩm để trả nợ quê hương đã nuôi dưỡng ông. Những tác phẩm đặc sắc của ông gồm có: Một Bông Hồng Cho Cha, Áo Em Cài Hoa Trắng, Bên Đập Đồng Cháy, Thiên Đường Ở Trên Cao, Vẫy Tay Ngậm Ngùi, Trong Vùng Rêu Im Lặng, Chia Tay Người Bạn Nhỏ, Chúng Tôi Có Mặt, Trầm Tư, Hoài Cố Nhân, Vết Hằn Năm Tháng, Con Suối Mùa Xuân, Như Cánh Chim Bay, Người Về Đầu Non….

Xin các bạn hãy cùng đọc vài dòng trong Một Bông Hồng Cho Cha:
“Gần như mọi người con, cuối cùng đều âm thầm tự trách, lặng lẽ xót xa. Cha biết trước tâm trạng đó, phòng xa ngày nào mình từ trần con mới chợt ân hận muộn màng, nên trong mỗi bức thư gởi con, cha đều kết thúc bằng sự bằng lòng, rằng con đã học hành thành đạt và cha mãn nguyện, cha vui. Lòng vị tha, lòng hy sinh cho con kéo dài mãi sau khi nhắm mắt.
Báo hiếu đâu chỉ món quà, mà có thể đôi tháng gởi một bức thư. Nội dung đâu đòi hỏi cao siêu, chỉ cần mươi dòng lược kể một chuyện đã nghe, một điều vừa thấy. Thì cũng như bè bạn gặp nhau, chào nhau một câu rất nhảm mà vẫn rất cần. “Đi đâu đó? Mạnh giỏi?” Sinh nhật cha, tặng một cành hoa. Nếu ở thành phố xa, hai ba đứa con gởi về hai, ba bức điện chúc mừng, tốn không bao nhiêu mà tạo được sự rộn ràng tới tấp. Niềm vui tinh thần đâu thua bữa tiệc cao lương?
Ngày Vu Lan, nhiều chùa tổ chức lễ hội Bông hồng cài áo. Hoa hồng tượng trưng cho mẹ. Để tỏ lòng thương nghĩ tới cha, nhiều nơi buộc thêm dải nơ tượng trưng cho cha. Cha còn: nơ xanh. Cha mất: nơ trắng. Lễ đường xếp thành bốn dãy, dãy cha mẹ song toàn: hoa hồng nơ xanh. Mẹ còn, cha mất: hoa hồng nơ trắng. Mẹ mất, cha còn: hoa trắng, nơ xanh. Mẹ cha đều mất: hoa trắng, nơ trắng. Người dự lễ đứng theo hoàn cảnh của mình. Có lần, một em nhỏ tuổi chừng lên tám đứng trong hàng hoa trắng nơ trắng. Em nhìn quanh, tủi thân khóc òa và cả lễ đường cùng khóc òa theo.
Cha cũng như mẹ, rồi sẽ một ngày:
Đỉnh hoa biểu từ khơi bóng hạc
nên mỗi người con đều phải vội vàng. Trả hiếu không bao giờ đủ, không được coi là dư bởi tình cha thương con là “cho” chứ không phải “cho vay” để có thể gọi là trả đủ”

Y Uyên: Ông sinh năm 1943 tại làng Dục Nội (Hà Nội). Năm 1954 di cư vào Nam cùng gia đình, cư ngụ tại Hạnh Thông Tây (Gò Vấp). Ông Y Uyên tốt nghiệp sư phạm Sài Gòn năm 1964, dạy học và sau nhập ngũ khoá 27 sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Mãn khoá về đóng tại Phan Thiết. Không lâu sau đó ông đã bỏ mình trong trận phục kích dưới chân núi Tà Lơn (Phan Thiết, có sách viết Tà Dơn) năm 1969. Ông được coi là một cây bút có phong cách viết riêng biệt và hầu như tất cả những tác phẩm của ông đều viết về chiến tranh. Tuy thế, những chuyện ông viết về chiến tranh không bao giờ có súng đạn nổ ầm ĩ hay cảnh quân hai bên bắn nhau như cách viết của Phan Nhật Nam mà lại là những điều bị cuộc chiến xô đẩy tới bờ vực của đổ nát, tang thương. Những tác phẩm đặc sắc của ông gồm có: Tiền Đồn, Người Đàn Bà Mang Thai Trên Kinh Đồng Tháp, Bên Ngoài Khán Đài, Bão Khô, Mùa Xuân Mặc Áo Vàng, Cỏ Heo May Hà Nội…Các bạn có thể vào tủ sách của talawas.org để đọc trọn vẹn truyện Bão Khô của Y Uyên.

Hoài Khanh:  Ông sinh năm 1923 tại Phan Thiết. Hiện cư ngụ trong nước. Trước 1975 ông là thư ký toà soạn tạp chí Giữ Thơm Quê Mẹ. Ông đã xuất bản trên 10 tác phẩm gồm thơ và các sách chuyển ngữ. “Dâng rừng” là tập thơ đầu tay của ông xuất bản năm 1957. Trích đây một đoạn thơ của Hoài Khanh để chúng ta cùng hình dung tính chất bình dị hồn nhiên trong cách sử dụng ngôn ngữ đầy rung cảm của ông:

            Vì em là tiếng thiên thu
            Hoá thân vô cõi ngục tù nhân gian
            Cho nên mộng cũng hoang tàn
            Thiên thu ơi cứ phụ phàng nữa đi
Những tác phẩm thơ đặc sắc của ông gồm có: Hỡi người tóc suối áo bay, Thân phận,  Gió bấc trẻ nhỏ đoá hồng và dế, Hơi thở ánh trăng và mặt đất…

Từ Thế Mộng: Ông sinh năm 1937 tại Huế. Sĩ quan bộ binh Trung Đoàn 47 thuộc SĐ 22/BB. Mất năm 2007 tại Phan Thiết. Thơ ông rất lạ:
            Ước chi là chiếc cặp da
            Để em ôm siết nõn nà tay nương
Trong tập văn Dáng Mẹ Trăm Chiều, ông dùng văn chương để nói lên nỗi lòng của mình về một người Mẹ ông hằng luôn kính trọng và biết ơn qua những năm tháng sống bên Mẹ trong tuổi thơ cơ cực: « Má lầm lũi nuôi con, cánh xoè khói súng. Không phải một lần mà biết bao nhiêu lần như vậy, má lao vào cõi tơi bời đó, không chần chừ, e ngại. Má kiệt sức ! Má như trườn như lết, chịu tủi chịu nhục… ». Ông còn được bạn bè gọi là thi sĩ mê gái. Trong « Biển màu hoa vàng » ông viết:
            Biển đang xanh
            Bỗng dưng vàng rực đến
            Em bỗng dưng vàng
            Áo mỏng manh…
            Gót chân son
            Em qua triền cát lún
            Sao dấu chân
            In tận trái tim mình
Những tác phẩm đặc sắc của ông gồm có: Lẽo đẽo một phương quỳ, Dáng Mẹ trăm chiều, Thơ Từ Thế Mộng, Trường ca má thân yêu…

Nguyến Bắc Sơn: Ông sinh năm 1944 tại Phan Thiết. Thơ ông được xem như có một phong cách ngang tàng và đầy khẩu khí. Đây hãy nghe NBS thốt lên:
            Chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi
            Suy nghĩ làm gì lao tâm khổ trí
            Lũ chúng ta sống một đời vô vị
            Nên chọn rừng sâu núi cả đánh nhau
Những tác phẩm đặc sắc của ông gồm có: Chiến tranh VN và tôi, Căn bệnh thời chiến, Bài hát khổ nhục, Tiệc tẩy trần của người sống sót…



Phạm Ngọc Lư: Ông sinh năm 1946 tại Thừa Thiên. Hiện cư ngụ trong nước. Tốt nghiệp trường quốc gia sư phạm Qui Nhơn sau đó dạy học ở Tuy Hoà. Thơ văn ông nói nhiều về sự cùng cực của những năm tháng nhọc nhằn mưu sinh trong thời buổi nhiễu nhương. Ông viết:
            Mười lăm năm nát thân Kiều
            Còn thân ta nát bao nhiêu năm rồi
            Đoạn trường tuế nguyệt gấp đôi
            Từ đêm trắng mộng, vốn lời trắng tay !
Những tác phẩm đặc sắc của ông gồm có: Đan tâm, Mây nổi…



Khuất Đẩu: ông sinh năm 1940 tại Bình Định. Trước năm 1975 ông dạy học tại Khánh Hoà. Đọc văn ông, người ta thường thấy có những bối cảnh, những diễn biến rất bi thảm. Những nhân vật trong văn ông phải chịu những tấn tuồng đầy tủi nhục và oán hờn. Giọng văn thản nhiên của ông khi miêu tả những cảnh tượng đấu tố, bắt bớ, giết người v.v…khiến người đọc rùng mình. Đây là một đoạn trong Những Tháng Năm Cuồng Nộ: “…trong khi mọi người đang ngẩn ngơ và người đàn bà chửa đang đỏ mặt mắc cỡ vì cái bụng to kềnh của mình thì cô Thành (ghi chú: cô này là cán bộ Việt Minh trong truyện) nghiêng bàn tay như một cái dao kéo từ ngực kéo xuống. Cô nói mổ bụng lôi đứa nhỏ trong này ra ! Tức thì có nhiều tiếng rú thất thanh, nhiều người đưa tay ôm mặt không dám nhìn.  Người đàn bà chửa thì ngất xỉu tự bao giờ, chân tay lạnh ngắt…”.

Vũ Hữu Định: Ông sinh năm 1942 tại Thừa Thiên, sinh sống tại Đà Nẵng. Ông đã nổi tiếng với bài thơ “Còn một chút gì để nhớ” đã được phổ nhạc sau này mà tôi xin trích một đoạn ở đây:
            Phố núi cao phố núi đầy sương
            Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn
            Anh khách lạ đi lên đi xuống
            May mà có em đời còn dễ thương…
            Phố núi cao phố núi trời gần
            Phố núi không xa nên phố tình thân
            Đi dăm phút đã về chốn cũ
            Một buổi chiều nào lòng vẫn bâng khuâng
            Em Pleiku mà đỏ môi hồng
            Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông
            Nên mắt em ướt và tóc em ướt
            Da em mềm như mây chiều trong…
            Xin cảm ơn thành phố có em….
Ông qua đời năm 1981 để lại hai tác phẩm: Còn một chút gì để nhớ, Thơ Vũ Hữu Định toàn tập.

Lê Văn Thiện: Ông sinh năm 1947 tại Khánh Hoà. Ông tốt nghiệp khoá HSQ 47 tại Đồng Đế, Nha Trang và phục vụ tại Tiểu Đoàn 1 BB. Sau 30 tháng 4 năm 75, ông đi tù cải tạo và sau khi ra khỏi trại, ông về làm nhà nông tại Ninh Hoà. Những tác phẩm đặc sắc của ông trước 75 gồm có: Một cách buồn phiền, Sao không như ngày xưa. Nhà văn Trần Hoài Thư đã xuất bản tập Thư Quán Bản Thảo năm 2010 tại Hoa Kỳ trong đó có rất nhiều bài giới thiệu nhà văn chiến tranh Lê Văn Thiện và truyện Một cách buồn phiền đã được in lại (mà các bạn có thể viết về Thư Ấn Quán ở New Jersey để tìm mua, xin tìm địa chỉ qua các bài trên talawas).



Linh Phương: Ông sinh năm 1949 tại Sài Gòn. Trước năm 1975, ông là quân nhân thuộc Tiểu Đoàn 6 TQLC. Bài được biết đến nhiều nhất của ông là bài thơ Kỷ Vật Cho Em mà tôi xin trích một đoạn dưới đây:
            Thì thôi ! Hãy nhìn nhau xa lạ
            Em nhìn anh ánh mắt chưa quen
            Anh nhìn em anh sẽ cố quên
            Tình nghĩa cũ một lần trăn trối…
            Em hỏi anh, em hỏi anh
            Bao giờ trở lại….

Và còn rất nhiều tác giả trong nhóm VTSMNT75 nữa mà tôi chưa có dịp biết đến….
Tôi xin tạm ngừng với 10 tác giả vừa kể và mong rằng tôi đã “mua vui cũng được một vài trống canh”…

Xin tạm ngừng bút ,

Nguyễn Duy Vinh (Yaoundé cuối mùa mưa 2013)


Thứ Ba, 5 tháng 11, 2013

Giới thiệu Phan Nhật Nam và truyện Em Tôi

Cùng trong lọat bài "Viết để nhớ"



Tôi mới quen anh Phan Nhật Nam khoảng mười mấy năm.
Mười mấy năm có là gì trong suốt cuộc đời?
Trước đó anh Nam và tôi, mỗi người một cuộc sống.
Tôi đi du học trước khi binh biến trong khi anh Nam và bao nhiêu bạn bè khác thì Mùa Hè Đỏ Lửa.

Chắc cũng là cái số.

Anh Nam được ra tù sau 14 năm tù và biệt giam.Anh đã viết Dấu Binh Lửa (1969), Dọc Đường Số Một, Ải Trần-gian (1970), Mùa Hè Đỏ Lửa (1972), Dựa Lưng Nỗi Chết (1973) và Tù Binh và Hòa Bình (1974).
Những tác phẩm của anh Nam đều lấy Chiến tranh Việt Nam làm bối cảnh.
Năm 1993 anh Nam sang Mỹ và viết Những Chuyện Cần Được Kể Lại, (ấn bản tiếng Anh dưới tựa The Stories Must Be Told), Đường Trường Xa-xăm (1995), Đêm Tận Thất-thanh và Mùa Đông Giữ Lửa(1997).
Phan Nhật Nam vừa ra mắt hai tác phẩm mới tháng 10/2013: Phận Người Vận Nước và Chuyện Dọc Đường.

Tôi thấy nhiều người mình diễm phúc còn Nam, Mùa Hè Đỏ Lửa, lận đận gian nan.

Một năm, nhà văn Phan Nhật Nam được mời sang Montréal, Canada nói chuyện.
Một anh Mũ Đỏ điện thoại cho tôi, kiếm một chỗ ở thoải mái cho Nam.
Tôi sửa soạn căn phòng, để ... Nhà Văn Phan Nhật Nam đến ở vài ngày.

Phòng sẵn sàng, có rượu có bia, giường êm, nệm ấm.

Anh Nam đến.
Tôi chào Anh.
Anh Nam chào, chào bác.

Tôi dẫn anh Nam đi xem nhà. Đây là phòng của bác.

Mình ăn tối rồi mai bác còn đi diễn thuyết.

Gần đến đêm, gõ cửa hỏi anh Nam, bác có cần gì không thì thấy anh Nam ngủ trên sàn nhà.
Sao bác không ngủ trên giường lại nằm trên sàn?
Mười bốn năm tù và bao năm biệt giam bác ạ, cả ngày không thấy ánh sáng, chỉ đếm từ 32 đến 35 hạt ngô chúng cho ăn là biết trưa hay chiều.
Chúng xích chân xích tay trên một tảng xi măng, nên bây giờ ngủ trên sàn gỗ đã sung sướng quá rồi.

Tôi đóng cửa và đi ra không nói một lời.

Tôi tự nhiên nghĩ đến một câu, trích trong hàng đầu của Phim Truyện Tử Tế khi mới có phong trào  ... Đổi Mới:
Chỉ Có Loài Súc Vật Mới Vui Trong Nỗi Khổ Của Đồng Loại Mình.

Truyện phim kể những gì Về Vĩ Đại, Chính Phủ Nhân Dân, Giám Sát Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Lò Gạch Nhân Dân, và cả hình một em bé 9, 10 tuổi nói các chú ạ, mấy truyện Vĩ Đại, chúng cháu bây giờ sợ lắm rồi.

Chuyện bây giờ cũng vậy, cướp của của Nhân Dân, ức hiếp Nhân Dân, bịt miệng Nhân Dân, bỏ tù Nhân Dân, ...
Cũng chỉ vì trồng người phải trăm năm mà.

Đến cuối phim mới biết câu
Chỉ Có Loài Súc Vật Mới Vui Trong Nỗi Khổ Của Đồng Loại Mình.
là của ĐC Lê Nin vĩ đạị.

Những ngày sống bên bạn, nhà văn Phan Nhật Nam vẫn viết bình luận về chiến tranh, chiến thuật, chiến lược, còn tôi vẫn những bài văn lẩm cẩm, kiểu Em Ơi Chiều Nay Có Mình Anh, chẳng cô nào biết để mà yêu.

Một hai tuần nay đọc lại bài Em Tôi của anh Nam.
Nghĩ đi, nghĩ lại, tôi viết cho Đất Lạnh đề nghị cho tôi viết vài hàng về Nhà Văn Phan Nhật Nam và truyện Em Tôi của anh.

Tôi cũng theo nghi lễ, xin phép anh Phan Nhật Nam, để Đất Lạnh , báo SV Québec, từ gần nửa thế kỷ, đăng bài Em Tôi.
Anh Nam nói các bác cứ đăng.

Thôi hy vọng đâu vào đó , trước khi TS/HS không phải của VN.

Các anh, các chị đọc một hay lần nữa về Truyện Em Tôi.
Buồn và thương nhớ.
Khi cha đi tập kết em mới lên ba và anh vừa chín tuổi, quyền huynh thế phụ. Rồi mẹ mất khi em mới mười ba.
Đó mới là chuyện cần viết.

Viết lại hai câu tặng bạn:

Bây giờ em biết anh về được,
Mà biết bao giờ anh thấy em.

Viết cho Nam và cho Em Tôi Nam vẫn còn thương nhớ, đứa em mất cha khi mới lên ba rồi sau này, em và anh mất cả cha lẫn mẹ.

Điệp.


4/11/2013.


EM TÔI




Cùng trong loạt bài "Viết Để Nhớ":   
Đất Lạnh và tôi, ngày xưa
Trở Về
Mưa trong thành phố hoa niên


(Viết dựa theo cuộc đời và bài thơ "Bé" trong tập thơ "Đêm tận thất thanh" của Phan Nhật Nam.)

Năm em lên ba, bố tôi bỏ lại người vợ trẻ và hai đứa con thơ lên đường tập kết.
Tôi hơn em sáu tuổi. Chín tuổi con nhà nghèo khôn lắm, tôi đủ khôn để thấy khuôn mặt mẹ buồn hiu hắt, những tiếng thở dài và những giọt nước mắt âm thầm của mẹ trong đêm. Chín tuổi, tôi đã biết mình là người nam độc nhất trong gia đình, đã biết ẩm bồng đút cơm cho em và vỗ về em mỗi khi em khóc. Chín tuổi, tôi đã biết tắm rửa, thay áo thay quần cho em, cõng em đi chơi và dỗ cho em ngủ. Mỗi ngày, trời sập tối mẹ mới gánh hàng về, ba mẹ con ngồi ăn cơm bên ngọn đèn dầu, tôi và em hỏi han, an ủi mẹ... Mẹ kể cho chúng tôi nghe chuyện chợ búa như đang nói chuyện với người lớn, tôi ngồi nghe, nhìn đôi vai gầy của mẹ, nhìn mái tóc và đôi bàn tay khô của mẹ, mà thấy thương mẹ vô cùng.
Tôi phải bỏ học ở nhà hai năm để trông chừng em. Mẹ có một sạp bán rau cải ở chợ Cồn. Gọi là sạp chứ thực ra chỉ là một ô đất nhỏ, sáng mẹ ra đi thật sớm, lúc trời còn mờ sương, buổi trưa mẹ về nhà lo cho chúng tôi ăn, nằm nghỉ ít phút rồi trở dậy sửa soạn cho chuyến chợ chiều. Một tuần bảy ngày, mẹ đi đi về về trong nỗi cô đơn.
Năm em vừa tròn năm tuổi thì mẹ cho em vào mẫu giáo, tôi cũng trở lại trường, đám bạn cũ của tôi nay đã hơn tôi hai lớp, ngồi xung quanh tôi bây giờ là những khuôn mặt lạ, kém tôi hai, ba tuổi Tôi là học trò lớn nhất và học khá nên được làm trưởng lớp. Gần cuối năm học lớp nhì, tôi nói với mẹ lên xin thầy Hiệu trưởng cho tôi được thi nhảy tiểu học. Thầy bằng lòng. Tôi cắm cúi học luyện thi và kết qủa là tôi đã đỗ được bằng tiểu học năm đó.
Vào lớp đệ Thất trường Trần quốc Tuấn, tôi tiếp tục học ngày, học đêm, năm đệ ngũ tôi thi nhảy một lần nữa lấy bằng Trung học. Ðến niên học đệ tam thì tôi đã bắt kịp đám bạn cũ, tôi hân hoan nhập bầy chung với đám bạn ngày xưa. Ðây là giai đoạn mà tôi cần tiền để mua sách học và may thêm quần áo, thời tiểu học và trung học đệ nhất cấp thì mặc sao cũng được, nhưng bây giờ đã lên đệ nhị cấp rồi, đã bắt đầu biết đỏ mặt khi nhìn những đứa con gái trường nữ, thỉnh thoảng đã biết theo bạn tập uống cafe, phì phà điếu thuốc. Tiền mẹ cho không đủ, tôi bắt đầu công việc kèm trẻ tư gia để kiếm thêm tiền. Học trò của tôi là mấy cô cậu đệ thất đệ lục, nghĩa là cũng chỉ bé thua tôi vài tuổi. Ba mẹ con tôi vẫn ngày ngày đi về căn nhà nhỏ, căn nhà vẫn không thay đổi một chút nào từ ngày bố bỏ mấy mẹ con để ra đi.
Hết năm đệ tam, tôi nộp đơn thi Tú Tài phần nhất Tôi đậu bình thứ. Một lần nữa, mọi người ngạc nhiên, nhưng tôi biết sức học của mình, tôi biết mẹ buôn bán tảo tần, tôi thấy những năm tháng gần đây mẹ trở bệnh hoài, mỗi sáng mẹ lục đục dậy thật sớm nấu cơm để dành cho anh em tôi, rồi lặng lẽ mang đôi quang gánh lên vai, những tối ngồi trâm ngâm bên ánh đèn dầu nhìn anh em tôi học bài và những đêm khuya mẹ trở mình húng hắng ho. Tôi thương mẹ và em đến ứa nước mắt, và càng thương mẹ thương em, tôi càng học như điên, như cuồng. Tôi ước gì Bộ Giáo dục cho tôi thi hai bằng tú tài cùng một lúc. Nhìn mái tóc mẹ đã lớm chớm sợi bạc, nhìn lưng mẹ mỗi ngày mỗi như còng xuống, nhìn hai vai gầy của mẹ mà lòng quặn đau, và cứ thế, tôi vùi đầu vào sách vở...
Em đã bắt đầu tuổi lớn, đã bắt đầu tuổi mộng mơ con gái, đã bắt đầu bước vào “tuổi ngọc”, nhưng tội nghiệp, biết nhà mình nghèo, biết mẹ mình buôn thúng bán bưng, biết anh mình vẫn chiều chiều đi kèm trẻ kiếm thêm tiền và cặm cụi học đốt giai đoạn cho chóng thành tài. Biết thế nên em ít khi nào xin mẹ, xin anh tiền may áo mới, hai chiếc áo dài trắng đủ cho em thay đổi. Em lớn lên thiếu tình của bố, nên tôi “quyền huynh thế phụ”. Nhiều lúc nhìn mẹ, nhìn em, tôi vẫn không hiểu tại sao bố lại đành đoạn dứt áo ra đi.
Tôi thi đỗ Tú Tài toàn phần năm 18 tuổi, và ra Huế học Ðại học Văn khoa. Mẹ ở một mình với em ở Ðà Nẵng. Mỗi cuối tuần, tôi theo xe đò về thăm mẹ và em, đến sáng thứ hai trở lại trường. Ở Huế, tôi tiếp tục công việc kèm trẻ tư gia. Với số tiền nhỏ nhoi kiếm được, tôi phụ mẹ một ít nuôi em.
Qua sinh nhật thứ 13 của em mấy tháng, một chiều mẹ bỏ buổi chợ, về nhà than nhức đầu, tưởng là cảm nhẹ, mẹ sai em cạo gió và nấu cho mẹ bát cháo hành Khuya đó mẹ lên cơn sốt, lảm nhảm nói mê, sáng hôm sau em nghỉ học chở mẹ vào nhà thương và nhờ người nhắn tin ra cho tôi ở Huế. Lật đật trở vào Ðà Nẵng bằng chuyến xe đò chót. Trời tối đã lâu, không kịp ăn uống, từ bến xe tôi đi thẳng đến bệnh viện. Trong căn phòng nhỏ, dưới ánh đèn vàng mờ đục, mẹ nằm thiêm thiếp trên giường bệnh, còn em đang ngồi ngủ gà ngủ gật cạnh giường. Ðứng yên lặng nhìn mẹ xanh xao bất động, và khuôn mặt thơ dại của em, trong giấc ngủ hai khóe mắt vẫn còn long lanh giọt lệ, tôi nghe lòng mình quặn thắt. Ðánh thức em dậy, em ngơ ngác dụi mắt vài giây. Nhận ra tôi, em nhào tới ôm chầm và òa lên khóc, em cho hay là từ lúc đưa mẹ vào đây, mẹ chỉ tỉnh lại một vài phút vào khoảng giữa trưa, sau đó mẹ hôn mê trở lại. Tôi an ủi em, rồi cùng em ra văn phòng bệnh viện. Cô y tá trực cho hay mẹ bị đứt một tỉnh mach ở đầu. Tôi bàng hoàng như bị ai nện một nhát búa vào ngực. Cô y tá bùi ngùi nhìn em, đôi mắt xót xa...
Tối đó, anh em tôi cùng ở lại với mẹ, em mệt mỏi, nên chỉ một thoáng là đã ngủ say. Trong giấc ngủ mệt nhọc, thỉnh thoảng em ú ớ mẹ ơi, mẹ ơi rồi nức lên mấy tiếng. Tôi nghe như dao cắt trong lòng. Suốt đêm không ngủ, tôi cứ ngồi nhìn mẹ nằm im lìm và bên chân mẹ em ngủ chập chờn. Tôi tự nhủ thầm với mình đừng khóc, đừng khóc... nhưng sao nước mắt vẫn cứ trào ra, một tay ve vuốt bàn tay xanh xao của mẹ, một tay nắm lấy bàn tay nhỏ bé của em, tôi để mặc cho hai dòng nước mắt chảy nhạt nhòa trên má.
Mẹ thở hơi cuối cùng lúc năm giờ sáng, mẹ không tỉnh lại để trăn trối với hai con một lời gì. Mẹ đi trong yên lặng. Tôi nắm bàn tay mẹ và thấy tay mẹ lạnh dần. Tôi đánh thức em dậy. Hai anh em hôn lên trán mẹ giã từ. Em vuốt mắt mẹ. Mắt mẹ nhắm hờ. Em ôm chặt hai tay mẹ, ủ vào lòng mình miệng kêu lên nho nhỏ: mẹ ơi, mẹ ơi... Em khóc lặng lẽ, áp mình vào ngực mẹ nước mắt em tuôn ràn rụa làm ướt đẫm cả vạt áo me bạc màu. Những tiếng kêu nghẹn ngào của em như những viên đạn bắn thẳng vào tim, tôi ngồi bất động nhìn mẹ, nhìn em, lòng đau như muối xát. Tội nghiệp mẹ tôi, tội nghiệp em tôi. Em mới mười ba tuổi...
Chôn mẹ xong, tôi bỏ học. Còn lòng dạ nào mà học nữa. Nhưng em thì phải trở lại trường.
Bán đi căn nhà nhỏ xiêu vẹo và gom tóm tất cả vốn liếng của mẹ để lại, tôi đưa hết số tiền cho mẹ của Minh, một người bạn thân tôi Minh có Hân, cô em gái cùng tuổi, cùng lớp với em. Tôi gửi em đến đó ở và đi học với Hân, cũng may, bố mẹ Minh coi anh em tôi như con. Tôi dặn dò em đủ điều. Số tiền tôi gởi cho mẹ Minh đủ để trả tiền ăn ở của em trong hai ba năm. Tôi còn đưa thêm cho em một ít để em mua sách vở, may áo quần, tiêu vặt. Tôi ôm em và hứa với lòng, hứa với vong hồn mẹ là sẽ lo lắng, sẽ bảo bọc em cho đến trọn đời. Tôi vào trường Võ Bị Ðà Lạt năm 20 tuổi, lương sinh viên sĩ quan ít ỏi, tôi tiết kiệm không dám xài nhiều, để dành gởi về cho em mỗi tháng. Tôi dặn em viết thư mỗi tuần kể cho tôi nghe chuyện học hành. Tôi bắt em hứa là không bao giờ dấu tôi một điều gì dù nhỏ bé. Em ngoan ngoãn vâng lời. Mỗi năm tôi được về phép một lần, hai anh em quấn quýt không rời. Tôi đưa em đi thăm mẹ. Chúng tôi lặng yên cầm tay nhau quỳ bên mộ mẹ, nước mắt lưng tròng. Em lớn lên và ngày càng giống me. Cũng khuôn mặt và cái nhìn nhẫn nhục, cũng đôi mắt xa xăm buồn hiu hắt. Bình thường em rất ít nói, có lẽ không cha, mồ côi mẹ quá sớm và anh lại ở xa đã làm em rụt rè. Cũng may, bên cạnh em vẫn còn có Hân. Lễ mãn khóa của tôi, em và Hân cùng lên tham dự, lúc này, em đã thi đổ vào trường Sư phạm Qui Nhơn, hai năm nửa em sẽ trở thành cô giáo, tôi hãnh diện giới thiệu em và Hân với các bạn mình. Nhìn dáng em thẹn thùng e ấp, tôi thấy lòng mình rạt rào thương em. Tôi thầm gọi mẹ, mẹ ơi, hai con của mẹ đã trưởng thành và đã nên người. Ra trường, tôi chọn binh chủng nhảy dù, có lẽ cũng chỉ vì tôi thích màu mũ đỏ. Em vào học và ở nội trú trong trường sư phạm. Tôi thấy mình yên tâm hơn. Mỗi tháng, tôi vẫn gửi về cho em một nửa tiền lương lính của mình để trả tiền phòng, tiền ăn. Tôi biết con gái cần nhiều thứ hơn con trai, như áo quần, son phấn... Em vẫn viết thư cho tôi mỗi tuần như em đã làm trong mấy năm qua. Em kể chuyện học hành, chuyện bạn bè, em lo sợ là tôi đi tác chiến nhỡ có ngày bố con gặp nhau ở chiến trường, làm sao nhận ra nhau, em không nói thêm, nhưng tôi cũng hiểu, tên đạn vô tình, nếu nhỡ...
Hai năm em học Sư Phạm trôi qua thật nhanh. Em bây giờ đã là một cô giáo trẻ. Em được đổi về dạy tại một trường tiểu học gần thị xã Phan Rang. Em thuê nhà chung với hai cô giáo khác. Mỗi ngày ba cô giáo ngồi xe lam đi đến lớp, chiều về cả ba cùng quây quần nấu nướng. Em viết thư cho tôi và khoe có quen với Tuấn, một Sĩ quan Hải quân đồn trú ở Phan Rang. Em khen Tuấn hiền lành, ít nói. Em kể thêm là Tuấn chỉ còn có mỗi một mẹ già. Chiến tranh ngày thêm khốc liệt, đơn vị tôi hành quân liên miên, có khi cả năm chúng tôi mới được về hậu cứ một lần. Tôi bị thương hai lần trong cùng một năm. Tôi dấu em, không cho em biết sợ em lo lắng. Trong những tuần lễ nằm bệnh viện và ở hậu cứ dưỡng thương, tôi bắt đầu viết bài đăng trên các báo và tạp chí. Tôi kể lại những trận đụng độ kinh hoàng giữa đơn vị tôi và giặc Cộng, tôi kể lại những “kỳ tích” của bạn tôi, của Mễ, của Lô...
Sau một lần bị thương nhẹ ở tay, tôi lấy mấy ngày phép ra Phan Rang thăm em. Em mừng rỡ ôm lấy anh, nhưng khi thấy cánh tay băng bột em xót xa bật khóc. Tôi an ủi em là biết đâu sau chuyến bị thương này tôi sẽ được về làm việc hậu cứ. Ngày hôm sau, nghe tin, Tuấn đến thăm. Thoạt nhìn, tôi đã có cảm tình với Tuấn, đúng như em nói, Tuấn trông rất hiền lành. Trong suốt tuần lễ ở Phan rang, em vẫn phải đi dạy, nhưng may là có Tuấn, mỗi ngày Tuấn tới chở tôi đi ăn sáng, trưa Tuấn và tôi lang thang ra chợ bạ gì ăn đó đợi giờ ba cô giáo đi dạy học về. Buổi tối, em đi ngủ sớm, Tuấn ngồi lại nói chuyện với tôi cho tới khuya. Bên ly cafe, tôi kể cho Tuấn nghe chuyện của mình. Những hình ảnh yêu dấu, xót xa như một cuộn phim củ quay chầm chậm. Tôi rưng rưng kể lại ngày mẹ mất. Tuấn lấy tay chùi mắt, trong đêm tối, tôi thấy mắt Tuấn long lanh...
Bảy ngày phép cũng trôi nhanh. Tôi trở về Sài Gòn, lòng cảm thấy vui và nhẹ nhàng vì đã có dịp gặp Tuấn. Tôi tin Tuấn sẽ không làm khổ em. Ba tuần sau, tôi nhận được thư Tuấn, trong thư Tuấn kể về gia đình (mặc dù tôi đã nghe em kể trong các lá thư. Tuấn muốn tiến tới với em. Tuấn xin phép được đưa mẹ Tuấn đến gặp tôi. Tuấn hứa là sẽ săn sóc và thương yêu em. Ðọc thư Tuấn tôi ứa nước mắt vì mừng. Mừng cho em may mắn không gặp những trắc trở trên đường tình ái, mừng cho em gặp được một người chồng hiền hậu. Tôi viết thư cho em và Tuấn, bảo hai em lo thế nào cho tiện, chỉ cố làm sao cho giản đơn vì cả hai đứa cùng nghèo. Bốn tháng sau, Tuấn và em làm đám cưới, nhà gái ngoài tôi còn có thêm mấy thằng bạn trong đơn vị, ông hiệu trưởng, thầy cô giáo và rất đông học trò. Nhà trai ngoài mẹ Tuấn, mấy gia đình anh chị họ còn thêm một số bạn bè Hải quân cùng đơn vị. Nhìn em xúng xính trong bộ đồ cưới, tươi cười đứng bên cạnh Tuấn, tôi gọi thầm mẹ ơi, mẹ ơi, về đây dự đám cưới của em. Tôi theo đơn vị lội thêm hai năm nửa ở vùng giới tuyến, thì “tai nạn” xảy ra. Trong một lúc nóng giận vì thấy ông xếp của mình sao ngu và bẩn quá, tôi không giữ được lời và đã xúc phạm đến ông, kết quả là tôi bị đưa ra hội đồng kỷ luật và tống ra khỏi binh chủng nhảy dù. Sau một thời gian ba chìm bảy nổi, tôi đổi về cục Tâm lý Chiến, thời gian này tôi đã khá nổi tiếng, những bút ký chiến trường về Tết Mậu Thân, Bình Long An Lộc... đã làm vinh danh binh chủng cũ của tôi. Tôi được giải thưởng văn học với bút ký “Mùa hè đỏ lửa”. Tiền thưởng và tiền bán sách tôi gửi hết cho em. Tuấn và em dùng tiền này mua được một căn nhà nhỏ ở ngoại ô Phan rang, gần trường em dạy. Mới ngày nào đó còn thẹn thùng nấp bên vai Tuấn mà bây giờ em đã mấy con. Mỗi dịp rảnh rỗi tôi lại ra Phan Rang ở chơi với em, với cháu. Tôi ôm cháu, hôn vào hai má phúng phính, hít vào phổi mùi thơm của trẻ thơ mà thấy lòng mình dịu lại, những cay đắng, cực nhọc của đời theo tiếng cười lanh lảnh giòn tan của cháu mà bay xa, bay xa. Tôi nhìn hai vợ chồng em, nhìn bầy cháu nhỏ lẫm chẫm quây quần bên chân mẹ mà lòng vừa vui mừng vừa hãnh diện. Tôi ao ước mẹ tôi nhìn thấy được cảnh này. Biến cố tháng 4/ 75 tới như một định mệnh oan nghiệt, cả Tuấn và tôi đều phải ra trình diện cải tạo. Em ở lại một mình với một bầy con nhỏ, đứa lớn nhất chưa đầy sáu tuổi và đứa nhỏ nhất còn nằm trong bụng mẹ... Trong trại, tôi cứ đứt ruột nghĩ về em và bầy cháu nhỏ. Mẹ của Tuấn đã quá già, làm sao lo phụ với em đây. Rồi em còn phải lo lắng về số phận chồng, số phận anh. Tôi quay quắt như như ngồi trên đống lửa, tôi nghĩ đến lời hứa với vong hồn mẹ hôm nào mà lòng đau như xé, con đã thất hứa với mẹ, mẹ ơi, con đang ở đây tù tội thì làm sao lo được cho em... Năm 76 tôi bị đưa ra Bắc. Tôi mất liên lạc với em và Tuấn từ tháng 5/75. Làm sao em biết tôi ở đâu mà thư từ thăm gửi. Không biết em có biết Tuấn ở đâu không, trại tù mọc lên như nấm từ Nam ra Bắc. Hồi còn ở trong Nam, từ Trảng lớn, qua Suối máu, đâu đâu tôi cũng cố dò hỏi tin Tuấn nhưng vô hiệu. Tù nhân đông quá...
Trại cải tạo Sơn La, sau đợt cho viết thư về gia đình đầu tiên, ba tháng sau tôi nhận được thư em.Thư em đến tay tôi vào giữa năm 77. Hơn 2 năm 1 tháng tôi mới nhìn lại nét chữ của em. Run run bóc thư, mắt tôi cay nồng, nhạt nhòa. Em cho hay là Tuấn đang cải tạo ở Long Thành, Tuấn có thư về và cho biết vẫn bình an, mẹ Tuấn dạo này yếu lắm vì cụ đã quá già, em vẫn đi dạy, hai cháu nhỏ ở nhà với bà nội, hai cháu lớn theo mẹ vào trường, em cho hay đứa con gái út em đặt tên Tâm, Trần thị Minh Tâm, cháu sinh ngày 12 tháng 9 năm 75, gần 4 tháng sau ngày bố cháu và bác cháu vào tù.
Gần cuối thư, em báo tin là bố còn sống và hồi đầu năm 76 có tìm đến gặp em, làm sao bố tìm ra địa chỉ thì em không biết, nhưng hôm ấy bố đến, bố tự giới thiệu tên mình. Em ngỡ ngàng, ngày bố ra đi em mới tròn ba tuổi, hơn hai mươi năm sau gặp lại làm sao em nhận được, bố xoa đầu đám cháu ngoại đang trố mắt nhìn người đàn ông lạ, bố hỏi về anh, về Tuấn, khi em hỏi lại bố là làm sao để biết anh và Tuấn đang bị giam giữ ở trại cải tạo nào, bố lắc đầu không nói gì. Bố cho hay là bố đang có gia đình ở Bắc, ngoài ấy bố có thêm hai trai và hai gái. Ðứa trai lớn nhất thua em bốn tuổi.
Bố mang vào cho em hai mươi ký gạo và một chục cam Bố ở chơi một ngày rồi bố trở về Hà nội. Lúc bố về em có tặng bố cái radio-cassette của anh cho ngày nào. Bố thích lắm, bố hứa sẽ đến thăm anh trong trại tù. Từ hồi trở ra Bắc đến giờ bố chưa liên lạc lại với em, và em cũng không có địa chỉ của bố ở ngoài ấy. Tôi đọc thư lòng thấy phân vân, tôi cũng như em, không hình dung ra nổi bố tôi hình dáng mặt mũi ra sao, hai mươi mấy năm, tôi tưởng bố tôi đã chết.
Tháng 12 năm 77, tại trại cải tạo Sơn La, bố đến thăm tôi.
Ðứng trong văn phòng viên sĩ quan trưởng trại một người đàn ông trung niên, tóc muối tiêu và gương mặt xương. Bộ áo quần dân sự khá thẳng thớm, và sự lễ phép của tên đại úy trưởng trại tiết lộ về địa vị không nhỏ của người này. Thấy tôi vào, viên trưởng trại quay qua nói nhỏ một câu gì đó rồi bước ra ngoài. Tôi im lặng đứng nhìn người đàn ông xa lạ.
Bố đến bắt tay tôi, tự xưng tên mình, bố gọi tôi bằng anh, bố kể là đã gặp em ở Phan Rang, bố hỏi tôi học tập thế nào, bố không hề nhắc đến mẹ, có lẽ ông đã biết về cái chết của me. Bố nói là có đọc văn tôi. Tôi ngồi yên nghe bố nói, sau cùng, bố đứng dậy, móc trong xách ra một gói nhỏ bảo đó là đường và thuốc lá, trao cho tôi, khuyên tôi cố gắng học tập tốt để sớm được khoan hồng. Tôi nhìn vào mắt bố, lòng thấy dửng dưng. Tôi bắt tay bố rồi về lại lán mình. Ðó, cuộc hội ngộ của bố con tôi sau hơn hai mươi năm là thế đấy. Chắc cuộc tái ngộ giữa bố với em cũng tẻ nhạt như thế. Có cái gì đó ngăn cách, có cái gì đó phân chia, có cái gì đó tôi không hiểu và không diễn tả được. Bây giờ tôi hiểu vì sao cái tin quan trọng đến thế mà em lại chỉ đề cập một cách ngắn ngủi ở cuối thư. Lần đó là lần đầu và cũng là lần duy nhất tôi gặp bố trong suốt 13 năm lang thang trong các trại tù biệt giam miền Bắc.
Tháng 12/78, chuyển trại lên Yên Bái, tôi nhận thêm được hai lá thư của em, trong bức thư gần nhất, em viết vào tháng 8/78. Em cho hay tình trạng rất khó khăn, phụ cấp đi dạy không đủ nuôi một mẹ già và bốn con thơ, em đã bán lần mòn hết những đồ trang sức và luôn cả những đồ vật trong nhà. Em vẫn chưa đi thăm nuôi Tuấn được một lần nào. Không thể để bốn cháu nhỏ ở nhà cho bà nội vì cụ bây giờ đã quá yếu, mỗi buổi ăn, Uyên, cháu lớn phải đút cho bà. Ngoài ra, mỗi tối, từ lúc chạng vạng em và Hoàng, hai mẹ con phải ra đầu ngõ, ngồi bán bắp nướng đến khuya để kiếm thêm tiền đong gạo. Em than là dạo này mất ngủ, sức khỏe yếu lắm, em sợ nhỡ có mệnh hệ nào...
Tôi thẫn thờ cả buổi vì bức thư em, ngày xưa tôi chỉ lo cho có mỗi mình em, còn bây giờ em phải lo cho bốn đứa con thơ và một mẹ già, kể luôn người chồng và ông anh đang tù tội là bảy, bảy cây thập giá đời đang đè nặng lên đôi vai gầy guộc, nhỏ bé của em. Tôi viết thư về an ủi, khuyên em cố gắng, tôi vỗ về em là có thể Tuấn sẽ được tha về sớm với em, với cháu, vì Tuấn đi hải quân và lon còn thấp, không có tội với cách mạng nhiều. Rồi tôi viết thêm cho em hai ba lá thư nữa mà vẫn không thấy hồi âm. Lòng tôi cồn cào, nóng như lửa đốt, những ngày dài tù tội, tôi không nghĩ đến cái đói, cái khổ của mình mà chỉ nghĩ đến em và mấy cháu, không biết giờ này, em và bốn cháu thơ dại đang có gì ăn?
Tháng 6/79, một sáng trên đường lên rừng đốn nứa, tôi nghe loáng thoáng câu chuyện giữa các bạn tù. Họ nghe từ các bà vợ đi thăm nuôi kể lại, rằng ở Phan Rang có một chị có chồng đang đi cải tạo, chị chết đi, để lại bốn con thơ, đứa bé nhất mới lên ba, còn đứa lớn nhất chưa đầy chín tuổi. Tội nghiệp, họ hàng nội ngoại không có một ai. Tôi bỗng dưng thấy lạnh toát cả sống lưng, lại gần hỏi thêm thì người bạn tù cho hay là nghe nói chị ấy làm nghề cô giáo, có chồng sĩ quan hải quân đang đi tù cải tạo ở đâu đó trong Nam. Người chồng, trung úy hải quân trước cũng đóng ở Phan Rang. Trần Nguyên Tuấn, hải quân trung úy Trần nguyên Tuấn. Tôi thấy đất trời đảo lộn, tôi thấy mặt trời nổ tung trong óc, tôi hụt hơi, miệng há hốc đứng như trời trồng giữa núi rừng Yên Bái, bên cạnh tôi tiếng người nói lao xao. Tôi không nghe gì hết, tai tôi lùng bùng, mắt tôi mờ đi, tôi đang nhìn thấy xác em nằm co quắp trên manh chiếu, bốn đứa cháu của tôi, cháu Minh Tâm chưa đầy ba tuổi đang lấy tay lay lay xác mẹ, cháu lớn Thu Uyên chưa đủ chín tuổi đang ôm chân mẹ khóc lóc ủ ê, hai đứa kia, Hoàng và Châu ngơ ngác đứng nhìn. Trời tháng 6 mùa hè Yên bái mà sao tôi thấy thân mình lạnh buốt. Tôi tê dại, tôi hóa đá, tôi không còn cảm xúc, tôi muốn hét lên cho tan vỡ cả vũ trụ này. Trong lung linh màu nắng vàng buổi trưa Yên Bái, tôi thấy bóng em nhập nhòa, chập chờn. Em của tôi, đứa em côi cút của tôi... Mũi súng AK thúc vào cạnh sườn, người vệ binh chắc cũng ngạc nhiên không hiểu sao bỗng dưng tôi đứng như trời trồng giữa lộ... Anh quắc mắt nhìn tôi dò hỏi, tôi không nói gì, im lặng nhập vào dòng tù. Nước mắt chảy dài trên hai má hóp, tôi bước đi như kẻ mộng du...