Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Duy Vinh. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Duy Vinh. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 12 tháng 12, 2013

Những nhà văn, nhà thơ miền Nam trước 1975

Cùng trong loạt bài "Viết để nhớ!"

Hình như  đa số những đứa chúng tôi, những đứa học trường trung học Nguyễn Trãi SG và lớn lên ở miền Nam sau 1954, đứa nào cũng biết chút đỉnh về các văn thi sĩ miền Nam trước 75 (mà tôi viết tắt là VTSMNT75). 

Riêng cá nhân tôi vì đi phải rời quê hương sớm lúc còn trẻ nên tôi không biết nhiều về các VTSMNT75 và khi nói đến VTSMNT75 tôi chỉ nêu ra được một số tên tuổi các văn nghệ sĩ nổi tiếng thời tôi còn học ở trung học NT như Nguyễn Mộng Giác, Nhã Ca, Mai Thảo, Võ Phiến, Nguyễn Thị Hoàng, Duyên Anh, Hồ Hữu Tường, Vũ Khắc Khoan, Dương Nghiễm Mậu, Phạm Công Thiện, Thanh Tâm Tuyền, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Lê Xuyên, Doãn Quốc Sỹ, Duy Lam, Vũ Hoàng Chương, Phan Nhật Nam, Đinh Hùng, Bùi Giáng, Nhất Linh, Nhật Tiến, Nguyên Sa, Nhất Hạnh và Tuệ Sỹ qua các tác phẩm tôi đã đọc được trước khi rời quê hương. Còn những tác phẩm của các  VTSMNT75 khác như Trùng Dương, Lê Huy Oanh, Thế Uyên, Tạ Tỵ, Tạ Ký, Ngô Thế Vinh, Thái Lãng, Nguyễn Đình Toàn, Tô Thùy Yên, Đỗ Quý Toàn, Đặng Tiến, Viên Linh, Quách Thoại, Nguyễn Sỹ Tế, ni sư Trí Hải v.v… thì mãi sau này tôi mới được dịp biết đến. Và tôi biết danh sách này chắc chắn vẫn còn rất nhiều thiếu sót và dần dà với thời gian tôi tin rằng sẽ có dịp được đọc thêm và bổ túc trong tương lai.

Có một số những VTSMNT75 mà tôi xin lược thuật dưới đây từ các tài liệu tôi thâu nhặt được trên mạng như talawas.org, http://vietsciences.free.fr/, và VN Thư Quán và những tác phẩm đã được ấn loát ở Hoa-Kỳ (qua Thư Ấn Quán của văn sĩ Trần Hoài Thư hiện cư ngụ ở Hoa Kỳ). Lược thuật này thật ra là để trả lời câu đố vui để học của nhóm NT chúng tôi tháng trước nhưng cũng là để giới thiệu một vài VTSMNT75 mà ít người biết đến, hoặc chỉ nghe tên nhưng chưa có dịp đọc tác phẩm của họ.

Tôi tìm thấy qua các tác phẩm đã đọc này một nền văn học trước 1975 mang đậm tính nhân văn mà các văn thi sĩ miền Nam đã góp phần bồi đắp. Những nhà văn nhà thơ này đã góp công xây dựng một nền văn học miền Nam, nay đã ít nhiều bị lãng quên, trong đó họ đã mang đến cho chúng ta những nét đẹp và những cảm nhận chân thật của văn học nghệ thuật miền Nam và họ chưa bao giờ phải đánh bóng cho chế độ hay xã hội khi họ đang sống và viết. Những tác giả đó là:

Võ Hồng: Ông sinh năm 1923, quê quán ở Phú Yên và cư ngụ tại Nha Trang (ông vừa qua đời gần đây). Trước 1975, ông từng là hiệu trưởng trường trung học Lương Văn Chánh (Phú Yên). Sau này ông dạy học ở Nha Trang. Ông xuất bản khoảng 30 tác phẩm, trước và sau 1975.  Người ta tìm đến ông, biết nhiều đến ông bởi nhân cách của ông trong cuộc sống và trên những trang giấy. Cũng như phần lớn người Việt chúng ta, Võ Hồng đã sống trong một bối cảnh bi thương của chiến tranh. Ông sống và viết bằng kinh nghiệm sống. Giọng văn ông bình dị, nhiều khi mộc mạc. Cuộc đời của ông là ngòi bút và những tác phẩm để trả nợ quê hương đã nuôi dưỡng ông. Những tác phẩm đặc sắc của ông gồm có: Một Bông Hồng Cho Cha, Áo Em Cài Hoa Trắng, Bên Đập Đồng Cháy, Thiên Đường Ở Trên Cao, Vẫy Tay Ngậm Ngùi, Trong Vùng Rêu Im Lặng, Chia Tay Người Bạn Nhỏ, Chúng Tôi Có Mặt, Trầm Tư, Hoài Cố Nhân, Vết Hằn Năm Tháng, Con Suối Mùa Xuân, Như Cánh Chim Bay, Người Về Đầu Non….

Xin các bạn hãy cùng đọc vài dòng trong Một Bông Hồng Cho Cha:
“Gần như mọi người con, cuối cùng đều âm thầm tự trách, lặng lẽ xót xa. Cha biết trước tâm trạng đó, phòng xa ngày nào mình từ trần con mới chợt ân hận muộn màng, nên trong mỗi bức thư gởi con, cha đều kết thúc bằng sự bằng lòng, rằng con đã học hành thành đạt và cha mãn nguyện, cha vui. Lòng vị tha, lòng hy sinh cho con kéo dài mãi sau khi nhắm mắt.
Báo hiếu đâu chỉ món quà, mà có thể đôi tháng gởi một bức thư. Nội dung đâu đòi hỏi cao siêu, chỉ cần mươi dòng lược kể một chuyện đã nghe, một điều vừa thấy. Thì cũng như bè bạn gặp nhau, chào nhau một câu rất nhảm mà vẫn rất cần. “Đi đâu đó? Mạnh giỏi?” Sinh nhật cha, tặng một cành hoa. Nếu ở thành phố xa, hai ba đứa con gởi về hai, ba bức điện chúc mừng, tốn không bao nhiêu mà tạo được sự rộn ràng tới tấp. Niềm vui tinh thần đâu thua bữa tiệc cao lương?
Ngày Vu Lan, nhiều chùa tổ chức lễ hội Bông hồng cài áo. Hoa hồng tượng trưng cho mẹ. Để tỏ lòng thương nghĩ tới cha, nhiều nơi buộc thêm dải nơ tượng trưng cho cha. Cha còn: nơ xanh. Cha mất: nơ trắng. Lễ đường xếp thành bốn dãy, dãy cha mẹ song toàn: hoa hồng nơ xanh. Mẹ còn, cha mất: hoa hồng nơ trắng. Mẹ mất, cha còn: hoa trắng, nơ xanh. Mẹ cha đều mất: hoa trắng, nơ trắng. Người dự lễ đứng theo hoàn cảnh của mình. Có lần, một em nhỏ tuổi chừng lên tám đứng trong hàng hoa trắng nơ trắng. Em nhìn quanh, tủi thân khóc òa và cả lễ đường cùng khóc òa theo.
Cha cũng như mẹ, rồi sẽ một ngày:
Đỉnh hoa biểu từ khơi bóng hạc
nên mỗi người con đều phải vội vàng. Trả hiếu không bao giờ đủ, không được coi là dư bởi tình cha thương con là “cho” chứ không phải “cho vay” để có thể gọi là trả đủ”

Y Uyên: Ông sinh năm 1943 tại làng Dục Nội (Hà Nội). Năm 1954 di cư vào Nam cùng gia đình, cư ngụ tại Hạnh Thông Tây (Gò Vấp). Ông Y Uyên tốt nghiệp sư phạm Sài Gòn năm 1964, dạy học và sau nhập ngũ khoá 27 sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Mãn khoá về đóng tại Phan Thiết. Không lâu sau đó ông đã bỏ mình trong trận phục kích dưới chân núi Tà Lơn (Phan Thiết, có sách viết Tà Dơn) năm 1969. Ông được coi là một cây bút có phong cách viết riêng biệt và hầu như tất cả những tác phẩm của ông đều viết về chiến tranh. Tuy thế, những chuyện ông viết về chiến tranh không bao giờ có súng đạn nổ ầm ĩ hay cảnh quân hai bên bắn nhau như cách viết của Phan Nhật Nam mà lại là những điều bị cuộc chiến xô đẩy tới bờ vực của đổ nát, tang thương. Những tác phẩm đặc sắc của ông gồm có: Tiền Đồn, Người Đàn Bà Mang Thai Trên Kinh Đồng Tháp, Bên Ngoài Khán Đài, Bão Khô, Mùa Xuân Mặc Áo Vàng, Cỏ Heo May Hà Nội…Các bạn có thể vào tủ sách của talawas.org để đọc trọn vẹn truyện Bão Khô của Y Uyên.

Hoài Khanh:  Ông sinh năm 1923 tại Phan Thiết. Hiện cư ngụ trong nước. Trước 1975 ông là thư ký toà soạn tạp chí Giữ Thơm Quê Mẹ. Ông đã xuất bản trên 10 tác phẩm gồm thơ và các sách chuyển ngữ. “Dâng rừng” là tập thơ đầu tay của ông xuất bản năm 1957. Trích đây một đoạn thơ của Hoài Khanh để chúng ta cùng hình dung tính chất bình dị hồn nhiên trong cách sử dụng ngôn ngữ đầy rung cảm của ông:

            Vì em là tiếng thiên thu
            Hoá thân vô cõi ngục tù nhân gian
            Cho nên mộng cũng hoang tàn
            Thiên thu ơi cứ phụ phàng nữa đi
Những tác phẩm thơ đặc sắc của ông gồm có: Hỡi người tóc suối áo bay, Thân phận,  Gió bấc trẻ nhỏ đoá hồng và dế, Hơi thở ánh trăng và mặt đất…

Từ Thế Mộng: Ông sinh năm 1937 tại Huế. Sĩ quan bộ binh Trung Đoàn 47 thuộc SĐ 22/BB. Mất năm 2007 tại Phan Thiết. Thơ ông rất lạ:
            Ước chi là chiếc cặp da
            Để em ôm siết nõn nà tay nương
Trong tập văn Dáng Mẹ Trăm Chiều, ông dùng văn chương để nói lên nỗi lòng của mình về một người Mẹ ông hằng luôn kính trọng và biết ơn qua những năm tháng sống bên Mẹ trong tuổi thơ cơ cực: « Má lầm lũi nuôi con, cánh xoè khói súng. Không phải một lần mà biết bao nhiêu lần như vậy, má lao vào cõi tơi bời đó, không chần chừ, e ngại. Má kiệt sức ! Má như trườn như lết, chịu tủi chịu nhục… ». Ông còn được bạn bè gọi là thi sĩ mê gái. Trong « Biển màu hoa vàng » ông viết:
            Biển đang xanh
            Bỗng dưng vàng rực đến
            Em bỗng dưng vàng
            Áo mỏng manh…
            Gót chân son
            Em qua triền cát lún
            Sao dấu chân
            In tận trái tim mình
Những tác phẩm đặc sắc của ông gồm có: Lẽo đẽo một phương quỳ, Dáng Mẹ trăm chiều, Thơ Từ Thế Mộng, Trường ca má thân yêu…

Nguyến Bắc Sơn: Ông sinh năm 1944 tại Phan Thiết. Thơ ông được xem như có một phong cách ngang tàng và đầy khẩu khí. Đây hãy nghe NBS thốt lên:
            Chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi
            Suy nghĩ làm gì lao tâm khổ trí
            Lũ chúng ta sống một đời vô vị
            Nên chọn rừng sâu núi cả đánh nhau
Những tác phẩm đặc sắc của ông gồm có: Chiến tranh VN và tôi, Căn bệnh thời chiến, Bài hát khổ nhục, Tiệc tẩy trần của người sống sót…



Phạm Ngọc Lư: Ông sinh năm 1946 tại Thừa Thiên. Hiện cư ngụ trong nước. Tốt nghiệp trường quốc gia sư phạm Qui Nhơn sau đó dạy học ở Tuy Hoà. Thơ văn ông nói nhiều về sự cùng cực của những năm tháng nhọc nhằn mưu sinh trong thời buổi nhiễu nhương. Ông viết:
            Mười lăm năm nát thân Kiều
            Còn thân ta nát bao nhiêu năm rồi
            Đoạn trường tuế nguyệt gấp đôi
            Từ đêm trắng mộng, vốn lời trắng tay !
Những tác phẩm đặc sắc của ông gồm có: Đan tâm, Mây nổi…



Khuất Đẩu: ông sinh năm 1940 tại Bình Định. Trước năm 1975 ông dạy học tại Khánh Hoà. Đọc văn ông, người ta thường thấy có những bối cảnh, những diễn biến rất bi thảm. Những nhân vật trong văn ông phải chịu những tấn tuồng đầy tủi nhục và oán hờn. Giọng văn thản nhiên của ông khi miêu tả những cảnh tượng đấu tố, bắt bớ, giết người v.v…khiến người đọc rùng mình. Đây là một đoạn trong Những Tháng Năm Cuồng Nộ: “…trong khi mọi người đang ngẩn ngơ và người đàn bà chửa đang đỏ mặt mắc cỡ vì cái bụng to kềnh của mình thì cô Thành (ghi chú: cô này là cán bộ Việt Minh trong truyện) nghiêng bàn tay như một cái dao kéo từ ngực kéo xuống. Cô nói mổ bụng lôi đứa nhỏ trong này ra ! Tức thì có nhiều tiếng rú thất thanh, nhiều người đưa tay ôm mặt không dám nhìn.  Người đàn bà chửa thì ngất xỉu tự bao giờ, chân tay lạnh ngắt…”.

Vũ Hữu Định: Ông sinh năm 1942 tại Thừa Thiên, sinh sống tại Đà Nẵng. Ông đã nổi tiếng với bài thơ “Còn một chút gì để nhớ” đã được phổ nhạc sau này mà tôi xin trích một đoạn ở đây:
            Phố núi cao phố núi đầy sương
            Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn
            Anh khách lạ đi lên đi xuống
            May mà có em đời còn dễ thương…
            Phố núi cao phố núi trời gần
            Phố núi không xa nên phố tình thân
            Đi dăm phút đã về chốn cũ
            Một buổi chiều nào lòng vẫn bâng khuâng
            Em Pleiku mà đỏ môi hồng
            Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông
            Nên mắt em ướt và tóc em ướt
            Da em mềm như mây chiều trong…
            Xin cảm ơn thành phố có em….
Ông qua đời năm 1981 để lại hai tác phẩm: Còn một chút gì để nhớ, Thơ Vũ Hữu Định toàn tập.

Lê Văn Thiện: Ông sinh năm 1947 tại Khánh Hoà. Ông tốt nghiệp khoá HSQ 47 tại Đồng Đế, Nha Trang và phục vụ tại Tiểu Đoàn 1 BB. Sau 30 tháng 4 năm 75, ông đi tù cải tạo và sau khi ra khỏi trại, ông về làm nhà nông tại Ninh Hoà. Những tác phẩm đặc sắc của ông trước 75 gồm có: Một cách buồn phiền, Sao không như ngày xưa. Nhà văn Trần Hoài Thư đã xuất bản tập Thư Quán Bản Thảo năm 2010 tại Hoa Kỳ trong đó có rất nhiều bài giới thiệu nhà văn chiến tranh Lê Văn Thiện và truyện Một cách buồn phiền đã được in lại (mà các bạn có thể viết về Thư Ấn Quán ở New Jersey để tìm mua, xin tìm địa chỉ qua các bài trên talawas).



Linh Phương: Ông sinh năm 1949 tại Sài Gòn. Trước năm 1975, ông là quân nhân thuộc Tiểu Đoàn 6 TQLC. Bài được biết đến nhiều nhất của ông là bài thơ Kỷ Vật Cho Em mà tôi xin trích một đoạn dưới đây:
            Thì thôi ! Hãy nhìn nhau xa lạ
            Em nhìn anh ánh mắt chưa quen
            Anh nhìn em anh sẽ cố quên
            Tình nghĩa cũ một lần trăn trối…
            Em hỏi anh, em hỏi anh
            Bao giờ trở lại….

Và còn rất nhiều tác giả trong nhóm VTSMNT75 nữa mà tôi chưa có dịp biết đến….
Tôi xin tạm ngừng với 10 tác giả vừa kể và mong rằng tôi đã “mua vui cũng được một vài trống canh”…

Xin tạm ngừng bút ,

Nguyễn Duy Vinh (Yaoundé cuối mùa mưa 2013)


Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2013

Một chuyến đi thú vị

Một chuyến
đi thú vị
Nguyễn Duy Vinh 
Nếu không có mấy người bạn québecois rủ rê đến đảo để cùng giúp họ tổ chức một khóa tu thiền theo Pháp môn Làng Mai trên đảo thì chắc chúng tôi chẳng bao giờ đi thăm đảo này. Đảo đó có một cái tên rất nhẹ nhàng, hình như đã được một thuyền trưởng hay một chúa đảo nào đó trong quá khứ (tức là cũng gần đây thôi) vì thương nhớ người tình mới đặt cho đảo một cái tên khá thơ mộng Les Îles de la Madeleine.
Hai vợ chồng tôi khăn gói quả mướp lên đường thật sớm để hưởng những ngày thong thả trên đảo trước khi bị (được ?) xung công vào khóa tu. Có nhiều cách đến đảo này lắm. Các bạn có thể đi tàu ferry (traversier) hoặc đi máy bay. Đi tàu thì bạn có thể đem cả xe hơi theo và bạn phải lái đến các cảng đỗ như Souris ở Prince Edward Island (PEI) hoặc ở Montréal (và mới đây nghe nói bạn có thể đi từ Trois-Rivières). Mấy chiếc tàu này khá to, đuôi nó có thể mở rộng (giống như loại tàu há mồm của hải quân Hoa Kỳ dùng vào thời điểm di cư năm 54 ở nước ta !) để hành khách đi tàu có thể tự lái xe lên tàu, xin xem hình bên đây.

Còn nếu bạn có ít thời giờ hoặc dư giả tiền tiêu thì có thể đi máy bay như chúng tôi đã làm. Hai vợ chồng chúng tôi đi với Air Canada và chúng tôi bay từ Dorval. Những máy bay của Air Canada chuyên chở hành khách đi đảo là những chiếc máy bay hai động cơ do hãng Bombardier chế tạo. Máy bay có tên Dash 8 (và đa số là Series 300 chở được khoảng tối đa 50 người mỗi chuyến). Xin xem hình bên đây chụp trước khi chúng tôi lên phi cơ:

Máy bay đáp xuống sân bay Havre-Maison vào khoảng một giờ rưỡi chiều và cô Louise (một người bạn mới và cũng là một thành viên của ban tổ chức khóa tu) đã có mặt để đưa chúng tôi về nhà trọ.

Nhà trọ đẹp lắm. Nằm cạnh biển, sừng sững một mình một góc trên đỉnh đồi nhìn ra biển mênh mông. Con người ta trước biển cả bao la bỗng thấy mình nhỏ bé quá. Tôi cứ ngồi cả giờ lặng đi trước khung cảnh hùng vĩ đó. Biển xanh rì bao bọc. Khi gió êm thì biển lặng. Khi gió gào thét từng cơn thì biển trả lời bằng những đợt sóng đập tới tấp vào bờ. Và chính những đợt sóng này là những nguyên nhân gây ra nhiều phiền toái và lo lắng cho người dân trên đảo. Lý do giản dị là những cơn sóng đó đủ sức làm mòn những bờ vách thiên nhiên quanh đảo và làm sụt lở dần những bức tường thiên nhiên này. Với thời gian, nếu không có những phương pháp “trị sóng”, dân đảo nghĩ có lúc đảo sẽ không còn vì khi đất hết thì nước biển sẽ tràn ngập khắp nơi. Được bao nhiêu năm nữa có bạn sẽ thắc mắc hỏi. Chúng tôi không có câu trả lời chính xác, có người nói trong vòng một thế hệ nữa thôi…Chúng tôi không dám nghĩ đến chuyện này nhưng đi đâu cũng nhìn thấy nó. “Érosion” là tên gọi của hiện tượng này bằng tiếng Pháp mà cháu bé Ismail, học sinh lớp 5 trường làng École Primaire aux Iris đã lên tiếng cảnh tỉnh chúng tôi khi một câu hỏi đã được đặt ra trước lớp hôm chúng tôi đến thăm trường: qu’est-ce-qui vous concerne le plus les Madelinots?

Tôi xin dán xuống đây vài tấm hình cho thấy sức mạnh của sóng ngày đêm vỗ vào bờ:

Hoặc tấm hình dưới đây chụp vào buổi sáng sớm lúc mặt trời vừa lên, từ nhà trọ của chúng tôi. Cô Linda chủ nhà trọ cho biết ngay là đất nhà cô cũng lở và sụp dần và cô lo không biết lúc nào phải dời nhà hoặc bán đi để mua căn nhà mới xa bãi biển hơn. Chúng tôi rất xót xa khi nghe những lời nói đó. Và tôi cũng được biết dân đảo đã tìm mọi kỹ thuật để giảm bớt sức mạnh của sóng biển. Khi thì chúng tôi thấy họ đổ đá dọc theo bờ biển, khi thì chúng tôi thấy họ dùng những viên xi măng to theo phương pháp người Hy Lạp và Bồ Đào Nha dùng (còn có tên là dollos) như một tấm hình khác dưới đây. Việc đổ đá ven bờ tốn kém lắm. Theo ước lượng thì cứ một cây số đường biển thì tiền tốn có thể lên đến khoảng 100 ngàn đô la (Gia kim). Bạn cứ tính thử với khoảng 300 cây số đường vòng vèo quanh đảo, đổ chứng ấy đá sẽ tốn khoảng 30 triệu đồng. Tiền này không lớn so với số tiền chi tiêu của chính phủ Québec khoảng xấp xỉ 73 tỉ đô la (tức là khoảng 4% tổng số chi tiêu) theo như hồ sơ chính thức của chính phủ cho biết hiện nay:

Và đây là hình:


Những ngày kế tiếp trên đảo là những ngày thảnh thơi và thư giãn. Sáng nào sau khi ăn chúng tôi cũng cuốc bộ cả giờ đồng hồ dọc bãi biền. Bãi dài rộng vào mùa này không một bóng người. Gió thổi mạnh từng cơn và nhiệt độ có hôm xuống khoảng 5 hay 6 độ. Chúng tôi bảo nhau ăn mặc thật ấm. Cũng may nhờ có mặt trời ban cho những tia nắng ấm, gió cách mấy chúng tôi cũng không ngần ngại đi. Trời xanh ngắt không một cụm mây. Sóng vỗ lăn tăn hoặc cuộn thành một khối trắng xóa thoai thoải tiến vào bờ. Hôm nào gió ít thì sóng như có thời giờ ôm lấy bờ, mơn trớn vuốt ve giống như bàn tay yêu thương của người tình đang thoa nhẹ trên thân thể người yêu. Bất chợt lúc ấy tôi cũng nhìn sang vợ nhưng nàng đi nhanh quá làm tôi không bắt kịp để đưa bàn tay lạnh ngắt của mình sang nắm lấy tay nàng. Một cảm giác hụt hẫng xâm chiếm tâm hồn nhưng nó lại thoáng tan đi với tiếng vỗ của một vài cơn sóng lớn, bất chợt làm kẻ bộ hành lòng bỗng bâng khuâng.

Và đây là tôi, người hùng trên biển xanh (xin xem hình).

Hôm nào trời lạnh và ít gió, chúng tôi rủ nhau đi hái những quả canneberges (cranberries), từ điển mới trong nước gọi những quả này là quả nham lê. Những quả dại mọc đầy bãi lau sậy dọc theo bãi biển. Quả nào quả nấy đỏ mọng mọc len lỏi trong đám cỏ lau và sẵn sàng phô trọn tấm thân “kiều nữ” khi người hái vén gạt những cỏ lau đi. Thế là mình chỉ còn đưa hai tay vào bốc, giật, kéo và hốt ra từng chùm nham lê. Không giấy bút nào tả được cái hạnh phúc này. Như là bắt được vàng ấy. Nụ cười của hai đứa chúng tôi trên tấm ảnh dưới đây chứng minh cho điều đó. Bỗng dưng trong đầu tôi lóe lên bài hát mà tôi đã học được trong một khóa tu :

Le bonheur est maintenant
Je laisse tomber tous mes soucis
Nulle part où aller
Et rien à faire
À présent je prends mon temps

Bài hát đưa tôi về với giây phút hiện tại. Giây phút ấy là giây phút tuyệt vời, viên mãn. Tôi lại lẩm bẩm một mình: quá khứ đã qua rồi, tương lai thì chưa tới, giây phút hiện tại này đây mà ta còn không tiếp xúc được thì đúng là mình đang sống với ma.

Những ngày kế tiếp trên đảo, chúng tôi đã được đi xem một khu vườn trồng táo và làm rượu xít (cidre). Hàng trăm hàng ngàn quả táo mọc đỏ chín bám lủng lẳng vào thân cây. Trông bằng mắt là mình đã thèm lắm, chỉ muốn xin được một quả và đưa cả mồm vào ngoạm và cắn từng miếng táo ngon ngọt, nhai luôn cả vỏ. Đây là một hạnh phúc lớn, được sống gần thiên nhiên. Lại còn được ông chủ vườn táo cho nếm món rược xít (cidre) thơm nồng. Uống vào nhưng không dám nuốt chửng, sợ đánh mất đi hương vị táo lên men đang tới tấp chen nhau chui vào từng tế bào lưỡi, tạo cho người uống một cảm giác đê mê khoan khoái.


Rồi việc gì đến sẽ đến, cuối cùng cho một chuyến đi là khóa tu thiền được tổ chức trên đảo Grande Entrée, nằm tận phía bắc của nhóm đảo Madeleine. Đảo Grande Entrée không xa nhà trọ. Chúng tôi lái xe mất gần một tiếng. Đường đi không khó vì ngăn sông cách núi…Nhưng đường đi thì quá ngoạn mục. Xe lái dọc theo xa lộ 199, một con đường tráng nhựa rộng thênh thang chạy dài tít chân trời, với hai bên là biển xanh rì. Trời xanh quang đãng không một gợn mây.  Nhưng mây ở đây thì “chúng nó” đến nhanh lắm và “chúng nó” cũng không bao giờ hỏi ý kiến mình. Trời đang đẹp như thế mà khi chúng tôi đến khu nghỉ mát La Salicorne (nơi có khóa tu) thì mây đã ùn ùn kéo đến. Đây lại là một bài học quý giá về vô thường. Mặt trời nhất định không chịu thua, hắt những tia nắng yếu ớt cuối ngày qua những đám mây. Khi mây thiếu đoàn tụ và bay xa nhau quá, tia sáng xuyên qua được thành từng bó và chiếu xuống mặt biển xanh phẳng lặng. Khung cảnh hùng vĩ quá. Tôi vội ngừng xe và đem máy ảnh ra chụp. Cảnh tượng ấy người trên đảo được xem rất thường và họ có tiếng gọi cho những bó hoa trời làm đó là “des pieds de vent” (dịch nôm na là “chân gió”) hay tả cho nó thơ mộng thêm tí nữa là những sợi tơ trời lơ lửng, vất vưởng đang còn lưu luyến những giây phút trần gian. Xin dán xuống đây tấm hình cô Louise gửi tặng (đẹp hơn tấm hình tôi chụp rất nhiều). Lúc đó mình cố gắng quay về với hơi thở để thật sự tiếp xúc được với cảnh tượng thần tiên, nhiệm mầu trong đó mây, gió, tia sáng mặt trời, biển xanh cùng quấn quít vào với nhau mà hiện hữu. Cảnh tượng ấy kéo dài độ mươi mười lăm phút cho đến khi mây đến thật nhiều, rồi mặt trời sửa soạn đi ngủ, và cũng là lúc chúng tôi vào khóa tu.


Khóa tu do người Gia Nã Đại Pháp tổ chức. Tôi phải nói ngay là rất chu đáo. Chương trình sinh hoạt mỗi ngày đã được thông báo từ trước gồm có những giờ thiền ngồi (thiền tọa) và thiền đi (kinh hành hoặc thiền hành ngoài trời). Ăn cơm sáng trưa chiều hoàn toàn trong im lặng và mỗi bận trước khi ăn đều có một anh hay một chị thiền sinh đọc 5 lời quán nguyện (bằng tiếng Pháp). Có những buổi thiền thư giãn, những buổi tập những động tác Yoga hay khí công. Ngoài ra chương trình ngày thứ nhì có Pháp thoại, Pháp đàm và buổi chót của khóa tu có năm anh chị xung phong làm thành viên của một panel chia sẻ về 5 giới cho người tu tại gia. Trước khi ra về, mọi người tụ họp nơi thiền đường (xem hình dưới đây) để chụp một tấm hình lưu niệm. Ai nấy hớn hở chia tay, ôm chầm nhau trong tư thế thiền ôm (và phải thở đủ ba hơi) và chúc nhau những ngày tươi đẹp nhất.



Chúng tôi cũng lại khăn gói quả mướp lên đường và cũng không quên dừng chân ngắm cảnh biển lần chót (xem hình) trước khi về lại nhà trọ.

Buổi tối hôm đó trước khi đi ngủ, chúng tôi lại được những thiên thần của đảo rủ nhau cho chúng tôi thưởng thức màn mặt trời lặn lần cuối trước khi chúng tôi lấy máy bay về lại Montréal. Thật là một chuyến đi thú vị.


Nguyễn Duy Vinh (cuối thu 2013)