LTG : Năm 1971 rời phi trường Ancienne Lorette về Việt nam. Năm 2013 trở lại phi trường Jean Lesage họp mặt. Không biết đâu là chuyến “TRỞ VỀ”.
Đó là một
hôm vào cuối tháng 9, 1971. Phi trường Ancienne Lorette có vẻ như nhộn
nhịp hẳn lên. Có đến mấy chục người đến tiễn đưa tôi về Việt nam. Bạn thân cũng nhiều mà không
thân lắm cũng có, mỗi người một tâm sự. Có người đã nói rõ với tôi
là “về đó xem yên ổn thì kéo anh em về với”. Một số khác, theo tôi
nghĩ, muốn qua cái bắt tay để làm chiếc cầu nối về quê hương thân yêu
mà không biết lúc nào mới trở lại được. Tôi có lý do riêng và sẵn
sàng làm kẻ tiên phong. Tuy nhiên nếu biết trước những gì sẽ xảy đến
trong suốt 10 năm sau đó thì không biết tôi có còn can đảm để làm kẻ
tiên phong hay không ?
Về
nhà chừng hơn một tuần, vào đầu tháng 10, tôi nhận nhiệm sở ở
trường Cao đẳng Kỹ Thuật Phú Thọ. Làm việc ở đây, vừa là
giáo chức vừa là chuyên viên nên có đủ 2 ưu tiên để được biệt phái
về nhiệm sở. Theo trình tự, 6 tháng sau tức là vào tháng 4, 1972, tôi
trình diện để đi thụ huấn quân sự ở quân trường Thủ đức trong vòng
10 tuần. Lúc tôi mới vào trường thì tình hình chiến sự vùng “địa
đầu giới tuyến” (Bến hải-Quảng Trị) bắt đầu sôi động. Thật sự mà
nói, 10 tuần đầu ở Thủ đức là thời gian “huấn nhục” cho nên tôi cũng
chẳng có thì giờ để biết tình hình như thế nào. Mỗi ngày chỉ được
ngủ từ 12 giờ đêm đến 5 giờ sáng, ăn trưa chỉ 2 phút và ăn tối thì
tùy hứng, có khi được 5 phút. Sau bữa ăn thì chỉ được “30
giây khói lửa”, có nghĩa là đốt điếu thuốc lên thì 5, 7 đứa mỗi đứa
“rít” một hơi là hết 30 giây. Nếu có thì giờ đọc báo để biết rằng
đó là những ngày đầu của “mùa hè đỏ lửa” thì chắc còn lo lắng
hơn. Dù sao thì tôi cũng biết tình hình không được
tốt nên có chút thì giờ là đi dò hỏi về tình hình giáo chức và
chuyên viên biệt phái. Khoá cuối cùng của năm 1971 thì mọi chuyện như
bình thường. Khoá của tôi là khoá 2/1972. Vào trường được khoảng một
tháng thì khoá 1/1972 học xong 10 tuần và vì tình hình chiến sự,
tất cả chuyện biệt phái đều bị đình lại ngoại trừ giáo chức hay
chuyên viên từ ngoại quốc về. Như vậy là cũng còn hy vọng. Tuy nhiên
khoảng cuối tháng 6, lúc tôi đã học đủ 10 tuần, thì đúng vào đỉnh
cao của mùa hè đỏ lửa cho nên
không còn ai được biệt phái nữa. Như vậy là tôi phải tiếp tục thụ
huấn cho đến lúc hoàn tất khoá huấn luyện ở Thủ đức.
Cái đích trước đây là 10 tuần bây giờ trở thành 6 tháng và dĩ nhiên là không có gì chắc chắn cả. Đến cuối tháng 10, thi cử xong hết rồi vẫn không thấy ai nói đến chuyện làm lễ ra trường hay chuyện biệt phái. Cuối cùng thì cũng có lệnh ban ra là chúng tôi sẽ làm lễ ra trường, kết hợp với chuyện phát động một chiến dịch “Chiến tranh Chính trị”. Lúc đó thì mọi chuyện thật mù mờ nhưng càng lúc thì càng rõ hơn là chuyện này có liên quan đến Hiệp định Paris đang được bàn cãi và sắp ký kết. Nói chung là chúng tôi sẽ được gởi đến các vùng nông thôn hẻo lánh để “cắm cờ” và dành dân chiếm đất.
Cái đích trước đây là 10 tuần bây giờ trở thành 6 tháng và dĩ nhiên là không có gì chắc chắn cả. Đến cuối tháng 10, thi cử xong hết rồi vẫn không thấy ai nói đến chuyện làm lễ ra trường hay chuyện biệt phái. Cuối cùng thì cũng có lệnh ban ra là chúng tôi sẽ làm lễ ra trường, kết hợp với chuyện phát động một chiến dịch “Chiến tranh Chính trị”. Lúc đó thì mọi chuyện thật mù mờ nhưng càng lúc thì càng rõ hơn là chuyện này có liên quan đến Hiệp định Paris đang được bàn cãi và sắp ký kết. Nói chung là chúng tôi sẽ được gởi đến các vùng nông thôn hẻo lánh để “cắm cờ” và dành dân chiếm đất.
Cũng cần
nói rõ hơn là trong lúc chuyện biệt phái bị ngưng lại thì bên ngoài,
chuyện miễn dịch cũng bị hủy bỏ. Hàng ngàn sinh viên được miễn dịch
để học Đại học đều được gởi vào quân trường vì chiến trường thiếu
sỹ quan. Thông thường, như năm 1971, có 4 khoá học ở Thủ đức. Tôi vào
khoá 2/1972 thì sau đó không lâu có khoá 3,4,5,6,7,8 hay nhiều hơn, tôi
không rõ. Chỉ biết đến khoá 6 thì trường Thủ đức không còn chỗ chứa
nên các khóa sau đó phải gởi ra thụ huấn ở trường Hạ sĩ quan Đồng
Đế (Nha Trang). Khoá của tôi vừa ra trường, mang lon chuẩn úy hướng dẫn 4 đàn em các khoá 3,4,5,6 đi “dành
dân chiếm đất”. Đây là một nhiệm vụ thật nguy hiểm vì chúng tôi chỉ
có 5 người, không có lính, không có kinh nghiệm tác chiến, lại phải
đi về các thôn ấp hẻo lánh, có ấp được đánh giá là không an toàn
cả ngày lẫn đêm, để tranh dành ảnh hưởng. Trong tài liệu còn ghi rõ
là ngay cả những viên chức trong ấp cũng không thể tin cậy được. Rất
may là hơn 2 tháng đi chiến dịch, nhóm của tôi không bị thiệt hại gì
và vào ngày 23/1/1973 thì tất cả
đã về lại quân trường Thủ đức an toàn.
Đến ngày
27/1/1973 thì Hiệp định Paris được chính thức ký kết và lần này thì
không còn trục trặc gì nữa, ngày 28/1/1973 tôi nhận được giấy biệt
phái về đi dạy lại ở trường Cao Đẳng Kỹ Thuật Phú Thọ. Tưởng cũng cần nói thêm là có vài
người bạn về sau tôi 6 tháng, đáng lẽ phải đi thụ huấn vào tháng
10/1972 thì lúc đó quân trường hết chỗ, lại thêm tình hình chiến sự
cũng đã lắng dịu nên tạm hoãn chờ lệnh
mới. Sau đó vì nhận thấy huấn luyện quá tốn kém mà lại không dùng
cho nên lệnh mới là “động viên tại chỗ” nghĩa là không cần phải đi
huấn luyện 10 tuần nữa. Nói tóm lại nếu tôi về nước trước 6 tháng
hay sau 6 tháng thì không phải là sĩ quan trong quân đội, tránh được những hệ lụy sau
1975.
Từ ngày
trở về dạy lại ở trường Phú Thọ thì cuộc sống hoàn toàn giống như
trước ngày đi lính. Tuy nhiên, trên nguyên tắc tôi là một sĩ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng. Vì thế, theo điều
lệ của Bộ Quốc phòng, tất cả các chuẩn úy tốt nghiệp trường Bộ
binh Thủ đức sẽ tự động được thăng cấp thiếu úy sau 18 tháng. Như
vậy là vào khoảng tháng 4 năm 1974, tôi được thăng cấp thiếu úy cho
dù chỉ thuần túy đi dạy học trong thời gian đó.
Sau 1975,
các quân nhân từ cấp chuẩn úy trở xuống binh nhì chỉ cần trình diện
tại địa phương và sau 3 ngày có thể trở về nhà sinh hoạt bình
thường. Các sĩ quan từ cấp
thiếu uý trở lên thì phải đi trình diện “học tập tập trung”. Thế là
từ chuyện đi thụ huấn quân sự không đúng lúc dẫn đến hệ quả là từ
tháng 6 năm 1975 tôi phải đi học tập 2 năm rưỡi, di chuyển từ Tây Ninh lên Xuân Lộc rồi về Hóc Môn và sau đó thì
được trở về làm việc tại trường cũ, lúc này đã đổi tên là Trường
Đại học Bách khoa. Chuyện học tập thì đã có nhiều người nói đến
nhưng đối với riêng tôi, điều khó khăn nhất là không biết đến lúc nào
mình mới “học” cho xong. Cứ vài ba tháng là một số người được lệnh
thu dọn hết hành trang để di chuyển. Bao nhiêu lần tưởng là được về
nhưng sau đó mới biết chỉ là chuyển đến một trại mới. Danh từ
thường dùng cho các lần chuyển trại này là “biên chế”. Riêng tôi, sau
khoảng 5,6 lần “biên chế” thì mới được tha về.
Ngày đầu
tiên về Trường Bách khoa, Bà Bí thư
Đảng ủy của trường cho tôi biết là Trường Phú Thọ cũ có rất nhiều
người đi “học tập tập trung” nhưng nhà trường chỉ nhận lại có 3
người. Một là giáo sư Trần An Nhàn, một vị giáo sư kỳ cựu đã dạy
ở trường kỹ sư Điện lúc tôi mới vào trung học. Hai là giáo sư Võ
Thế Hào, một người mà tôi biết đến rõ nhất qua các cuốn sách toán
mà tôi đã học trong 2 năm đệ nhị và đệ nhất. Thật hân hạnh cho một
kẻ hậu sinh như tôi lại được làm người thứ ba trong danh sách. Tuy
nhiên lúc trở về lại trường cũ, bây giờ gọi là Khoa Hoá, thì các
đồng nghiệp của tôi, tuy vẫn được lãnh lương nhưng đều “ngồi chơi xơi
nước”. Một trong những người sáng giá nhất trong chúng tôi đã tốt
nghiệp Ph. D. ở Princeton, một văn bằng mà không những khắp nước Mỹ
mà cả khắp thế giới đều nể trọng,
hiện giờ chỉ làm phụ giảng trong phòng thí nghiệm. Tương lai của tôi
chắc cũng không thể khá hơn được và vì vậy tôi phải tìm giải pháp
cho riêng mình.
Thành thật
mà nói, so với bạn bè, tôi là một người nhát gan. Thế nhưng không
hiểu tại sao tôi đã nhiều lần tìm đường ra khơi cho dù hết lần thất
bại này đến lần thất bại khác. Nhiều lần đến nỗi tôi không nhớ hết
nhưng ít ra cũng khoảng 8 đến 10 lần. Trong 10 lần đó thì đa số là
mang hành trang, từ giã vợ con,
gia đình rồi mấy ngày sau lại trở về hoặc là bị lừa hoặc là bị
lộ phải chạy trốn về nhà. Những lần như vậy nhiều đến nỗi không
làm ai ngạc nhiên cả. Còn nhớ một lần tôi chạy trở lại về nhà ngồi
uống nước trà thì vợ tôi đi làm về. Thấy mặt tôi, bà chỉ nói một
cách thản nhiên là “anh về rồi đó à ?” rồi đi thẳng xuống bếp nấu
ăn. Mỗi lần đi xem như là “thập tử nhất sinh” thế mà phản ứng của
người thân nhất lại như vậy đủ nói lên số lần tôi “đi rồi lại về”.
Trong tất
cả các lần ra đi, chỉ có 3 lần tôi thấy được con tàu. Một lần ở
Rạch giá thì đã ra đến bến chỉ cách con tàu chừng 50 thước thì bị
lộ, phải băng đồng vượt suối suốt đêm mới đón được xe về nhà. Một
lần ra tới cửa biển rồi thì bị bắt ở tù 6 tháng ở Bến tre. Lần
cuối cùng, xuất phát từ Cà mâu, thì thật nhiều trắc trở nhưng may
gặp được tàu thuộc Hạm Đội 7 của Mỹ cứu vớt. Đó cũng là lý do
tại sao cuối cùng tôi lại định cư ở xứ California xa xôi này.
Thời gian
10 năm kể từ ngày rời Québec cho đến ngày định cư ở Mỹ có thể chia
ra làm 4 giai đoạn chính : thụ huấn ở Trường Bộ binh Thủ đức, học
tập tập trung, làm việc ở Trường Đại học Bách khoa và những lần ra
khơi. Nếu viết hết tất cả kỷ niệm vui buồn thì mỗi giai đoạn có
thể cần đến vài trăm trang. Sau đây tôi chỉ nói đến vài kỷ niệm trong
khuôn khổ giới hạn của bài viết hôm nay.
Quân trường Bộ binh Thủ đức
Trong thời
gian huấn luyện ở Thủ đức, trung đội của tôi có một người tên Cường.
So với các bạn thì Cường có chiều cao trên trung bình, 1m73. Vấn đề
của Cường là ở cân nặng , chỉ 37kg. Nhìn con người cao lêu nghêu, đi
khập khiểng, tay chân chỉ có da bọc xương, không ai là không thắc mắc
tại sao Cường có thể qua được lần khám sức khoẻ trước khi vào
trường.
Những ngày
đầu của thời gian huấn luyện, 5 giờ sáng là phải thức dậy, học tập
và huấn luyện cho đến chạng vạng tối. Thế nhưng ăn tối xong là phải
tụ tập “sinh hoạt’ cho đến 11 có khi 12 giờ đêm. Nói là “sinh hoạt”
chứ thật sự đây là lúc các “huynh trưởng” ( sinh viên sỹ quan thuộc
các khoá đàn anh) hành hạ thân xác các đàn em mới vào, còn gọi là
“tân khoá sinh”. Trong lúc sinh hoạt, có hàng trăm lý do để bị phạt.
Ngồi không đúng cách, phạt. Im lặng quá, phạt. Ồn ào quá, phạt. Nói
nhỏ quá, phạt. Nói lớn quá, phạt. Mà phạt thì ít ra cũng phải 50
cái hít đất, còn phải “đúng kiểu” mới được. Mới vào trường, chúng
tôi giỏi lắm cũng chỉ làm được 10 hay 20 hít đất là cùng, phần còn
lại thì qua quít cho xong. Có khi thì được tha nhưng gặp ông huynh
trưởng hắc ám thì làm đến cái thứ 50 thì phải làm lại từ đầu vì
không đúng kiểu. Nói chung đây là thời gian tập làm quen với kỷ luật
đồng thời huấn luyện thể lực.
Riêng đối
với Cường thì khi bị phạt, anh ta chỉ chống tay rồi nằm mọp xuống
đất và ... thút thít khóc. Nói cho rõ ràng hơn là Cường không đủ
sức để làm một cái hít đất. Các anh huynh trưởng hùng hổ chạy lên
chạy xuống phạt hết người này đến người khác, có người bị phạt
đến ngất xỉu. Thế nhưng “khóc” thì các anh chịu thua ! Với lại nhìn
vào vóc dáng của Cường các huynh trưởng cũng thấy là hết cách để
huấn luyện cho nên để yên Cường muốn làm gì thì làm.
Không ai có
thể ngờ được là sau khoảng 8 tuần huấn nhục, Cường đã cân nặng 48kg,
có da có thịt và đi đứng gần bình thường như các bạn khác. Sau 9
tuần thì tất cả “tân khoá sinh” phải qua cuộc thử nghiệm cuối cùng
trước khi được gắn “alpha” và thăng lên làm “sinh viên sỹ quan”. Đó là
một cuộc “di hành” dài 36km, vai phải mang ba-lô nặng 30kg và đầy đủ
súng đạn. Riêng phần tôi, vào trường nặng 48kg nhưng lúc đó lên 56kg,
đã hoàn tất cuộc di hành từ 6 giờ sáng đến 5 giờ chiều và về đích
trong tốp đầu tiên. Sau đó chúng tôi đứng cổ võ các bạn khác lần
lượt về tới đích. Vào khoảng 6 giờ 30 thì nhóm cuối cùng cũng về
tới trong đó có Cường, hơn hẳn mấy mươi bạn khác không đủ sức hoàn
tất cuộc di hành và phải trở về trên xe cứu thương.
Sau khi đã
trở thành sinh viên sĩ quan thì
chúng tôi được tự do đi lại nên cho dù ở cùng trung đội, nếu không là
bạn bè thì cũng ít gặp nhau. Một hôm đang ngồi nghỉ giữa 2 giờ học
thì nghe tiếng hò reo nên chạy lại xem thì thấy 2 bạn cùng khoá đang
thi nhau xem ai hít đất nhiều hơn. Tôi nhìn ra người nhỏ con hơn là
Đáng, nhỏ con nhưng rất dẻo dai và tinh nghịch. Người kia thì lớn con
hơn nhiều và tôi chưa kịp nhận ra là ai thì một anh bạn đã buộc
miệng nói: ”Chuyện khó tin nhưng có thật, thằng Cường mà dám thách
thằng Đáng hít đất. Thua bữa ăn trưa
là cái chắc”. Tôi nhìn lại và thấy Cường lúc này chắc là phải hơn
50kg, người đen sạm hoàn toàn khác hẳn với ngày mới vào trường, đang
ráo riết hít đất tranh đua với Đáng.
Nếu tôi là
người thân của Cường thì chắc đã rơi rất nhiều lệ lúc đưa Cường vào
thụ huấn. Nhưng giờ đây tôi lại phải cám ơn vì có lẽ quân trường này
là nơi duy nhất có thể làm một người như Cường khoẻ mạnh, tự tin và
trưởng thành một cách mau chóng như vậy.
Phương thuốc thần kỳ
Trong trại
học tập thì có 3 thứ quý nhất, theo thứ tự là cơm, muối và thuốc
lào. Thuốc lá thì mấy tháng đầu có được phân phối mỗi tháng vài
điếu, chẳng đủ thiếu vào đâu. Hút thuốc lào thì chỉ cần một “vê”
bằng đầu ngón tay út là có cảm giác say lâng lâng đến tận đầu ngón
tay, ngón chân và có thể kéo dài năm ba phút. Mỗi ngày chỉ cần hút
vài ba lần là đủ. Ngay cả những người trước kia không hút thuốc cũng
đâm ghiền thuốc lào. Ít nhất vài ba lần một ngày có thể tạm quên
những băn khoăn ray rứt trong lòng.
Lúc ở Xuân
Lộc, trại chúng tôi ở bên cạnh bệnh xá chung cho tất cả các trại.
Những người bị bệnh nặng không thể đi lao động thì được đưa đến đây
để tỉnh dưỡng. Một hôm anh bạn trong nhóm 4 người ăn cơm
chung với tôi có móc nối được với Tân, một người bị bệnh khá nặng
hiện đang nằm ở bệnh xá. Tân ăn không ngon miệng nhưng lại thèm thuốc
lào cho nên đề nghị đổi cơm lấy thuốc lào. Chúng tôi cũng bàn luận
sơ sài vì tuy thuốc lào là quý nhưng cơm thì vẫn quý hơn và bằng
lòng trao đổi. Hai ngày đầu Tân chỉ đổi ½ khẩu phần cơm mà thôi. Bắt
đầu từ ngày thứ ba thì anh ta nhờ một người bạn trao đổi nguyên phần
cơm và yêu cầu tăng gấp đôi lượng thuốc lào. Chúng tôi hỏi anh bạn
thì anh cho biết là lúc này Tân yếu lắm, đi lại không tiện, chắc là
không còn bao lâu nữa, nên nhờ anh làm trung gian. Trao đổi được thêm 3
ngày nữa thì không thấy bóng dáng của Tân hay người bạn của anh ta
đâu nữa. Chúng tôi dự đoán chắc là chuyện chẳng lành rồi, có lẽ Tân
đã ra đi. Tuy vậy ngày ngày đến giờ hẹn chúng tôi cũng lảng vảng
cạnh hàng rào để xem có gặp lại hay có tin tức gì của Tân hay không.
Sau khoảng chừng một tuần mà không thấy tin tức gì, xem như mối nghi
ngại của chúng tôi đã là sự thật rồi. Tuy nhiên để cho dứt khoát,
một hôm tôi bạo dạn ngoắc tay gọi một người vừa từ bệnh xá bước ra
sân. Anh ta nhìn trước sau thấy vắng vẻ nên từ từ bước đến cạnh hàng
rào. Tôi vội hỏi:
--Mấy hôm
nay bên đó có “tiễn biệt” người nào không ?
--Không có.
Tuy nhiên tôi mới vào bệnh xá chừng 3,4 ngày thôi.
--Thế anh
có biết người nào tên Tân không ?
--Có gặp
nhưng hôm tôi vào thì ngày hôm sau Tân và 4 người khác đã rời bệnh xá
về lại trại của họ rồi.
--Về rồi
à ?! Không phải Tân bị bệnh nặng lắm hay sao ?
--Anh là
bạn của Tân ? Tôi cũng có nghe Tân và mấy người bạn kể chuyện. Nghe
nói Tân bị bệnh nặng không ăn uống gì được và mấy người bạn mới
nghĩ ra một kế, phao tin là nguyện ước của Tân trước khi chết được ăn
một bữa thịt bò và các anh đóng tiền lại đồng thời
thuyết phục anh y tá ra chợ mua giùm. Theo các anh nói thì mục đích
chính là để các người bạn ăn chứ Tân thì không ăn uống gì được đã
mấy ngày rồi. Hôm đầu xào thịt bò, thơm quá nên Tân ráng ngồi dậy
và ăn được một chén cơm. Ngày hôm sau, còn lại một ít thịt bò, Tân
ăn hết phần cơm luôn. Thấy tình hình khả quan, các anh lại năn nỉ anh y tá đi mua thêm một lần thịt bò nữa. Chỉ
trong vòng 3 ngày được ăn thịt, Tân khoẻ hẳn và sau đó y tá khám
bệnh lại cho Tân và 4 người bạn của Tân thì thấy mọi người đều khoẻ mạnh nên đã cho xuất viện. Lúc tôi vào gặp
anh Tân thì thấy anh hơi gầy một chút nhưng linh hoạt và khoẻ hơn tôi
nhiều.
Trong buổi
ăn tối hôm đó, sau khi ôn lại câu chuyện của Tân, 4 người chúng tôi
bỗng trở nên im lặng và trầm tư hơn. Dĩ nhiên chúng tôi mừng cho Tân
đã qua được kiếp nạn nhưng hình như mọi người đều thấy đây không phải
là một trường hợp cá biệt. Rất có thể một ngày nào đó chúng tôi
cũng sẽ vào bệnh xá với một căn bịnh tương tự. Không biết là chúng
tôi có được đám bạn láu lỉnh như các
người bạn của Tân, cũng như không biết có gặp được người y tá tốt
bụng để mua “thần dược” trị lành bịnh hay không ?
Người bạn tù
Tháng tư,
1980, tôi được hướng dẫn lấy xe bus đi từ Saigon đến Vĩnh long. Nằm
chờ ở đó 10 ngày rồi lên tàu ra biển. Đây là một trong những chuyến
đi suông sẻ nhất nhưng đến phút chót, lúc sắp ra cửa biển thì gặp
sóng lớn. Tàu phải chạy chậm lại cho nên lúc tới được cửa biển thì
trời đã hừng sáng và đã bị tàu tuần chận bắt đưa về nhà giam ở
Bến tre.
Đây là cao
điểm của phong trào vượt biên nên các nhà giam chật cứng. Các người
lớn tuổi (trên 50) và các bạn trẻ (20 trở xuống) thì sau vài ba ngày
là được tha về hết, chỉ còn những người trung niên thì bị giữ lại
để điều tra. Riêng phần tôi thì được đưa vào một phòng giam nhỏ đã
có sẵn 4 người, thêm tôi vào là thành 5 người.
Có lẽ
cũng nên nói rõ thêm về thành phần những người trong phòng giam.
Người kỳ cựu nhất can tội giết người, đã chờ gần 2 năm vẫn chưa ra
toà. Người thứ 2 can tội đả thương nhưng sau đó vài tháng thì nạn
nhân cũng đã qua đời và đã chờ ra toà gần 1 năm. Người thứ 3 đã tham
gia một nhóm phục quốc và đã ở tù được 8 tháng. Người thứ tư thì
cũng vượt biên như tôi bị bắt 3 tuần trước đây. Không hiểu bắt đầu như
thế nào nhưng chỉ vài ngày sau đó, lúc ăn cơm thì tôi lại ăn cơm chung
với người tù can tội giết người. Anh này người nam kỳ và tướng tá
rất dữ dằn. Trong gần 3 tháng trời ở trong phòng này, anh trở thành
người bạn thân của tôi và vì anh nhỏ hơn tôi vài tuổi nên tôi thường
gọi anh ta là Tư.
Căn phòng
giam chúng tôi mái lợp tôn, bề dài là 2m20 và bề rộng là 1m40. Theo
lời của Tư thì trước đây phòng này là phòng biệt giam chỉ để nhốt
những người vi phạm kỷ luật và “biệt
giam” có nghĩa là chỉ nhốt một người mà thôi. Bây giờ có đến 5
người. Trước hết chúng tôi phải nằm theo chiều ngang, dĩ nhiên phải co
chân lại vì ai cũng cao hơn 1m40 hết. Chiều dài phải trừ đi 0m20 cho
cái bô vệ sinh, như vậy chỉ còn lại 2m chia cho 5 người, mỗi người
được 0m40. Cho dù nhỏ con cách mấy đi nữa thì bề dài của đôi vai
cũng hơn 0m40. Vì vậy theo sự điều động của Tư chúng tôi phải nằm
ngược chiều nhau. Phòng nhỏ như vậy nên ban ngày ngồi hay đứng thì
còn có chỗ trống. Lúc ngủ ban đêm thì phòng chật cứng rất nóng nực
cho nên, cũng theo sắp xếp của Tư, không ai được bận quần áo gì hết
lúc ngủ. Vừa “trần như nhộng” lại nằm ngược chiều nhau, chắc không
cần mô tả thêm cũng biết được là những ngày đầu tiên, thật sự rất
khó ngủ.
Cả căn
phòng chỉ có một lỗ thông hơi khoảng 20cm x 30cm vừa đủ để đưa cơm
vào. Những lúc có ánh mặt trời chiếu xuyên qua thì có thể nhìn
thấy không khí cuồn cuộn tuôn vào. Rõ ràng là 5 người chúng tôi cần
nhiều không khí hơn lỗ thông hơi có thể cung cấp. Trong chúng tôi thì
anh tù “phục quốc” là cao ráo đẹp trai hơn cả. Tuy ở tù khá lâu nhưng
ngực còn nở nang và tay cũng còn bắp thịt rắn chắc. Nghe đâu anh ta
vốn là giáo sư, lại có tập thể dục thẩm mỹ và đã từng dự thi
giải “con kiến càng” ở địa phương. “Coi dzậy mà không phải dzậy”, cứ
thỉnh thoảng “con kiến càng” mặt mày xanh xám lăn đùng ra muốn xỉu.
Những lúc như vậy, Tư vội kêu mọi người tránh chỗ để con kiến càng
đưa mũi ra lỗ thông hơi để thở không khí trong lành cho tỉnh người. Anh
ta giải thích là ngực và phổi nở nang chính là tai hoạ. Lượng không
khí anh ta cần phải gấp đôi hay ít nhất gấp rưỡi người thường nên nếu thiếu thì sẽ ngất xỉu.
Vẫn còn nhớ lúc đi học tập, anh nào khoẻ mạnh, ăn nhiều là một tai
hoạ. Không ngờ có lúc phổi lớn, thở nhiều cũng là một tai hoạ.
Trời đã
bắt đầu vào hạ và nắng rất gắt. Một hôm, Tư họp mọi người lại và
đặt ra luật mới. Theo Tư thì từ bây giờ trở đi trời sẽ rất nóng nực
cho nên đến giờ cao điểm, khoảng từ 11 giờ sáng đến 3 giờ chiều, tùy
theo tình hình, mọi người có thể tuần tự thay phiên nhau được ra lỗ
thông hơi để thở trong 1 phút. Cứ 2 người thì lại đến phiên “con kiến
càng”. Nói một cách khác con kiến càng được cung cấp lượng không khí
gấp đôi các người khác.
Ở được
chừng một tháng thì tôi bị một mụt nhọt nhỏ hơn đầu ngón tay bên
hông bắp chân. Thông thường thì mụt nhọt sẽ bị chảy mủ và sau đó
thì hết. Không hiểu vì điều kiện vệ sinh hay vì thiếu sức đề kháng,
vết thương bị nhiễm trùng và lan từ bàn chân đến đầu gối. Lúc đầu
thì cũng hy vọng rồi cũng sẽ qua đi. Nhưng sau đó thì sưng lên tới
háng và tôi không đi được nữa. Tư phải đi xin phép cán bộ và sau đó
thì cõng tôi ra bệnh xá. Cũng may là ở bệnh xá có bác
sĩ, không biết tội danh gì nhưng cũng là tù như chúng tôi. Anh ta xem
xét vết thương và quay sang cái tủ thuốc trống rỗng của anh lục lọi
một hồi rồi nói: “Tôi còn một chai
cồn nhỏ tạm đủ dùng và có một cái cưa ống tiêm có thể dùng để
rạch vết thương và nặn mủ ra. Chắc là vết sẹo sẽ không đẹp so với
dùng dao mổ nhưng không sao. Bông gòn thì không còn nên bây giờ
anh phải làm sao xin cán bộ mua một hộp bông gòn và 16 viên tétracycline”.
Anh nhìn tôi với đôi mắt ái ngại vì chuyện xin mua thuốc không phải
là chuyện đương nhiên nhất là lúc đó tôi không có tiền mà phải xin
dùng số tiền tôi mang theo và bị tịch thu lúc bị bắt, không biết bây
giờ ai giữ và giữ ở đâu. Sau khi cõng tôi về phòng, Tư lại xin cán bộ lên văn phòng
để xin mua thuốc cho tôi. Không biết Tư làm cách nào mà cuối cùng mang
về phòng cho tôi một tấm biên nhận để tôi ký là sẽ lấy một phần
trong số tiền bị tịch thu của tôi để mua thuốc.
Ngày hôm
sau tôi nhận được bông gòn và thuốc tuy có một sai biệt nhỏ. Vì không
tìm được tétracycline nên cán bộ đã mua thuốc “xuyên tâm liên” (làm từ
lá cây có tác dụng khử trùng) để thay thế. Lúc gặp lại bác sĩ tôi
cũng có hỏi về thuốc xuyên tâm liên thì anh bác sĩ cười nói:”Tôi thì
cũng như anh mà thôi. Có nghe nói nhưng chưa hề dùng cho tôi hay cho bệnh
nhân. Anh cũng biết thế nào là trụ sinh, nếu lấy lá vo lại mà có
thể dùng như trụ sinh thì tôi chưa học qua. Tùy ý anh, nếu muốn thì
tôi sẽ mổ cho anh. Có một điều chắc chắn là tối nay có
thể anh không cần ăn cơm. Viên thuốc cỡ này (gần bằng ngón tay út) mà uống mỗi lần 7
viên, 4 lần mỗi ngày, thì đủ no rồi!”. Tôi biết tình hình rất nghiêm
trọng, có thể bị cưa chân hay nguy hiểm đến tánh mạng nên không còn
lựa chọn nào khác và bằng lòng làm phẫu thuật. Thuốc sát trùng là một chai cồn nhỏ xíu
mà anh bác sĩ chỉ xài rất dè xẻn để dành cho các bệnh nhân sau
này. Thay vì là dao mổ thì là
dao cưa ống tiêm và thay vì tétracycline thì dùng xuyên tâm liên. Dĩ
nhiên là không có thuốc tê hay mê gì cả. Người ta vẫn thường nói “trời
sinh, trời dưỡng”, chỉ khoảng chừng 5 ngày sau thì tôi có thể đi đứng
lại bình thường.
Ở phòng
biệt giam được hơn 2 tháng thì tôi được chuyển sang một phòng khác và
từ đó tôi không hề gặp lại Tư. Tuy nhiên mỗi lần nhớ đến chuyện ở
Bến Tre thì tôi lại nhớ đến anh ta. Có thể nói tôi và Tư đã lớn lên
ở hai môi trường thật cách biệt nhưng không hiểu tại sao chỉ có 2
tháng trời ngắn ngủi mà chúng tôi đã thành đôi bạn thân. Chúng tôi
có rất nhiều những kỷ niệm vui buồn khác nữa nhưng không thể nói
hết trong khuôn khổ bài viết này. Tư là một người thông minh, tháo
vát, nhiều nhiệt tình và rất có nghĩa khí, không hiểu tại sao lại
mắc phải lỗi lầm lớn như vậy. Điều này tôi đã cố ý không hỏi cặn kẽ và rất ít khi nhắc tới. Chỉ mong rằng Tư sẽ chỉ
nhận một bản án nhẹ và bây giờ đã trở về sống an vui với gia đình.
Chuyến tàu định mệnh
Tháng 9 tôi
được thả về thì đầu tháng 12, 1980 tôi lại tìm đường ra khơi một lần
nữa. Đây là một chuyến đi với rất nhiều trắc trở ngay từ lúc lên xe
bus tại Saigon và trong suốt chuyến đường bộ qua Mỹ tho, Vĩnh Long rồi
đến Chương Thiện. Ở Chương Thiện chúng
tôi lên một chiếc tàu chở củi khổng lồ hướng về phía Cà Mâu. Đây là
một tổ chức khá nghịch lý. Thông thường chúng tôi đi từng nhóm nhỏ
trên các chiếc ghe rồi lên tàu lớn hơn để ra biển. Ở đây chúng tôi đi
từ tàu lớn và đến Cà Mâu thì chuyển sang tàu nhỏ để ra khơi. Vì
chiếc tàu chở củi quá lớn nên chúng tôi không có cảm giác số người là
bao nhiêu. Đến một đoạn sông ở Cà Mâu gần cửa biển thì chúng tôi
được lệnh chuyển sang tàu để ra khơi. Đàn ông khoẻ mạnh thì được
xuống trước ở một căn hầm cao chừng 8 tấc, chỉ đủ để ngồi san sát
vào nhau. Lúc hầm đã đầy thì đàn bà, trẻ em và các người lớn tuổi
được chuyển xuống và ngồi ngay trên đầu chúng tôi. Mọi người đang từ
từ vào chỗ thì nghe có tiếng cãi vã, đại ý là chủ tàu than phiền người quá đông, không đủ chỗ. Sau này chúng tôi mới biết là có khoảng
từ 350-400 người xuống tàu được nhưng có hơn 100 người phải trở về.
Có gia đình đi 4,5 người nhưng chỉ có 2,3 người xuống tàu được và sau
này liên lạc lại mới biết. Cũng như sau này chúng tôi mới biết tàu chỉ
dài 14m, rộng 3m. Nếu đi khoảng 50 người thì thoải mái, 100 người là
đã chật chội rồi. Cũng vì số lượng người quá đông như vậy nên không
chuyển các thùng đựng nước ngọt xuống được và trong suốt chuyến đi,
chúng tôi không được phát một giọt nước nào cả.
Cuối cùng thì
con tàu cũng bắt đầu di chuyển. Mới đi được khoảng chừng 2 giờ thì
tàu bị mắc cạn. Chúng tôi (đàn ông) được lệnh phải xuống nước để
đẩy tàu. Tôi phải để lại hết áo quần trong cái xách nhỏ mang theo,
chỉ bận quần đùi nhảy xuống nước. Bùn lên tới bụng, nước ngang sống
mũi, mọi người chỉ lội bì bõm chứ đâu
còn sức để đẩy tàu. Cũng may lý do chính tàu mắc cạn là vì quá
tải nên sau khi một số người nhảy xuống nước thì vấn đề được giải
quyết và tàu lại tiếp tục di chuyển. Phần tôi sau khi leo lên tàu trở
lại thì không tìm được chỗ cũ nữa nên ngồi tạm ở chỗ gần nhất chờ
trời sáng thì mới tìm lại hành trang. Tuy đó chỉ là một cái xách
nhỏ nhưng có chứa một ít nước, chanh, đường và nhất là còn 2 chỉ
vàng khâu vào trong quần dài. Ít ra số lượng nước, chanh và đường có
thể giúp tôi sống sót khoảng một tuần.
Chỉ mới đi
chừng 2 giờ nữa thì nghe một tiếng “rầm” thật lớn. Thì ra con tàu
này chỉ có một khoang bên trong. Vì muốn lấy nhiều khách nên chủ ghe
đóng thêm một gác lửng, ngay
trên đầu chỗ nhóm đàn ông ngồi. Vì số người trên gác lửng quá đông nên toàn bộ bị gãy ngang. Trời tối như
mực, tôi không biết các người ngồi ở giữa có ai bị thương không. Thật
may cho tôi là lúc đầu tôi ngồi ở giữa nhưng sau khi đẩy ghe lên lại
thì tôi lại ngồi tựa lưng vào thành tàu. Vì vậy khi gác lửng bị gãy, tôi không
hề hấn gì. Trên tàu bây giờ thật hỗn loạn và không có gì bảo đảm
là gác lửng lại không bị gãy thêm nữa và các người bên trên
có thể đè bẹp người bên dưới. Tôi từ từ bò theo hông tàu ra tới cửa
và leo lên trên đuôi tàu. Trong lúc di chuyển, tôi vớ được một cái áo
len cánh mỏng, không biết của ai nhưng cứ mặc vào vì lên đuôi tàu thì
sẽ lạnh hơn. Trước lúc đi, tôi có mang theo một đoạn dây thừng rất
cần thiết cho trường hợp này. Ở đuôi tàu có một cây cột, nếu tôi
cột dây thừng vào đó và vào người tôi thì nếu có ngủ quên cũng
không rơi xuống nước. Bây giờ thì túi hành lý không biết ở đâu và
hầu như không có hy vọng để tìm lại. Tôi đành nắm tay vào cây cột cho
dù biết rằng nếu ngủ gục thì cũng chẳng ích lợi gì. Cũng may là
sau tôi cũng có một số người bò lên đuôi tàu nằm hai bên và chắc nếu
có ngủ quên thì họ cũng rơi xuống nước trước. Số người bò lên đuôi
tàu lúc càng đông và sau đó hết chỗ nên leo lên cả trên trần phòng
lái. Khoảng giữa trưa thì ở đuôi tàu và phòng lái đều đầy người
rồi nên chúng tôi buộc phải đóng cửa hầm tàu không cho ai lên nữa
hết.
Đến xế chiều thì chúng tôi bị tàu công an tuần dương bắt giữ. Nếu nói thêm
chi tiết về chuyện này thì quá dài nên chỉ cần biết là sau đó
chúng tôi được thả cho đi sau khi có một ít “trà nước”. Như vậy là
chúng tôi chỉ mới đi được một ngày mà đã có quá nhiều biến động.
Mọi người mệt mỏi ngủ qua đêm. Sáng hôm sau, con tàu đang ì ạch bò
trên mặt nước thì nghe có tiếng lõm bõm và có tiếng la “có người rớt xuống nước”. Tôi
ngồi đàng sau nên nhìn rất rõ, thấy một cậu bé chừng 14,15 tuổi đang
ráng sức bơi. Một người nào đó ném một cái phao xuống nước. Xem ra
cậu bé bơi khá giỏi và đang ra sức bơi về phía cái phao. Tôi cứ yên
trí là tàu sẽ quay lại để vớt cậu bé. Tuy nhiên tàu cứ tiếp tục
đi, xa dần, xa dần. Cậu bé chỉ còn là một chấm nhỏ nhấp nhô theo
sóng biển. Nhìn nét mặt vừa bi ai vừa phẫn nộ của tôi, anh bạn ngồi bên cạnh nói:”Tàu chạy
chậm như rùa lại quá tải, muốn quay lại cũng phải cả giờ, chắc
thằng bé đã đi tiêu rồi, chưa kể ghe này là “ghe bầu”, chưa quay lại
được thì đã chìm”. Bắt chuyện với anh ta tôi mới biết ghe bầu có
đáy tròn, chỉ dùng để đi trên sông mà thôi. Sóng lớn một chút là bị
lật ngay. Lúc này là tháng 12, thường có biển động, nhất là vùng
biển đông. Chúng tôi đang ở vịnh Thái Lan, tương đối ít sóng hơn. Tuy
nhiên nhìn chung quanh, chỉ có sóng gợn lăn tăn, êm ả hơn cả đi trên
sông nữa. Thật là hiếm thấy.
Vào giữa
trưa ngày thứ 3 thì trên tàu như nổi loạn. Các người dưới hầm tàu đấm cửa rầm rầm và đòi phải
được lên trên vì ở dưới quá nóng và ngộp thở. Chiếc tàu chòng
chành như muốn lật. Sau khi nói chuyện và điều đình thì được biết bên
dưới có nhiều người chết nằm choán chỗ nên đã chật lại càng chật
thêm. Chúng tôi phải cố giải thích là bên trên cũng hết chỗ và sau
đó có 4 thanh niên tình nguyện xuống để dọn sạch các xác chết cho
rộng chỗ. Sau khi các thanh niên xuống dưới dọn dẹp xong và trở lên
thì tình hình tạm ổn. Tôi hỏi họ là đã quăng xuống biển chừng bao
nhiêu người thì họ bảo khoảng 20 người. Khi tôi gặng hỏi là có thử
xem đã tắt thở chưa thì họ trả lời:”Ở dưới đó lộn xộn và họ dữ
dằn lắm. Tụi em cũng đâu biết và đâu có thì giờ để thử. Cứ nắm
được người nào nằm bất động mà không phản kháng hay không có thân
nhân ôm lại thì ném xuống biển thôi”.
Buổi chiều
hôm đó thì lại có nhiều người rớt xuống biển. Lúc đó tôi cũng đã
yếu đi nhiều, vả lại đã từng
chứng kiến em nhỏ bị bỏ rơi không thương tiếc nên chỉ lặng lẽ nhìn
những người đang cố bơi theo tàu một cách tuyệt vọng rồi từ từ biến
mất. Chỉ trong 2 ngày mà có khoảng từ 20 đến 30 người bị rớt xuống
biển. Đặc biệt là có 2 người sống sót. Một người đã cẩn thận cột
mình vào thân tàu trước khi nhảy xuống và một người vốn thuộc binh
chủng người nhái nên đã nổi trôi mười mấy giờ trên biển, cuối cùng
được hải quân Thái Lan cứu đem đến tụ họp với chúng tôi lúc đó đang
ở trên chiến hạm của Mỹ. Hỏi lại 2 người này thì họ đều nói rất
mù mờ. Thiếu nước, trời lại nóng nực sinh ra ảo tưởng, cứ ước ao
nhảy xuống dòng nước trong mát và đã mơ mơ màng màng nhảy xuống lúc
nào không hay. Còn nhớ lúc nhỏ vẫn thường xem sách về Tintin, đi trong
sa mạc, ở đâu cũng thấy toàn là nước mát và đã phóng vào đó dập
đầu sứt trán. Nói tóm lại đa số những người bị “rớt” xuống biển
thật sự là tự mình nhảy xuống. Nếu không kể 2 ngày đi trên sông,
chúng tôi chỉ mới ra biển có 3 ngày mà tình trạng thật tồi tệ. Sau
này ở trại tỵ nạn, nói chuyện với các thuyền nhân khác thì có
người đã lênh đênh cả tháng trời cũng không đến nỗi như vậy. Dù sao,
so với các thuyền khác, số lượng người trên cùng diện tích của
thuyền chúng tôi thì ít nhất cũng là 5 lần hay hơn, chưa kể là hoàn
toàn không có nước.
Qua được
một đêm nữa, sang sáng ngày thứ tư, cám ơn Trời Phật, biển vẫn lặng
như tờ, nhưng trên thuyền lại nổi loạn và các anh thanh niên lại phải xuống làm nhiệm vụ. Các anh
này bây giờ trông bạc nhược và khi tôi đưa mắt ra dấu hỏi xem bao nhiêu
thì câu trả lời là “cũng cỡ 20 người
như hôm qua”. Chỉ mới chưa được 4 ngày nhưng thật là dài đối với tất
cả mọi người. Ngồi trên thuyền, tứ bề sóng nước mênh mông đem lại
cái cảm giác vừa cô đơn vừa sợ hãi xen lẫn với tuyệt vọng. Bỗng
dưng có người la lên:”có tàu đến rồi !”. Thật sự chỉ là một chấm
đen ở thật xa, nhưng 4 ngày thật dài đã qua rồi, chỉ có sóng và
nước, có một chấm đen là có một tia hy vọng. Mọi người bắt đầu vẫy
khăn và la hét. Chiếc tàu, chắc là vậy, từ từ lớn dần và không
những chỉ phía bên trái mà bên phải dường như cũng có một chiếc
nữa. Chỉ vài phút sau thì nghe có tiếng máy bay. Một anh đứng bên
cạnh nhìn ra ngay là máy bay OV-10, loại máy bay thám thính của quân đội
Mỹ. Như vậy là tàu của quân đội Mỹ và chắc chắn là chúng tôi được
cứu rồi. Mọi người tiếp tục vẫy khăn và la hét vang rân trong khi
chiếc OV-10 bay vòng quanh trên tàu chúng tôi mấy vòng rồi mới bay trở
về. Mọi người thật sự hân hoan và nhìn về hướng 2 chiếc tàu, bây
giờ đã lớn hơn chấm đen rất nhiều.
Nhưng ?!
Tại sao lại như vậy ???!!! Chiếc OV-10 thì đã mất hút từ lâu nhưng cả
2 chấm đen đang lớn dần bỗng trở nên nhỏ lại và cũng mất hút luôn. Con
người lúc tuyệt vọng vẫn cố ráng chịu đựng. Tuy nhiên nếu đã cho
một tia hy vọng rồi lại tắt mất thì tình trạng càng tồi tệ hơn.
Chừng 2 giờ sau thì các người trong hầm tàu lại nổi loạn vì có thêm nhiều người nằm xuống. Các
chàng thanh niên lại một lần nữa phải xuống giải toả. Lại có thêm
người tiếp tục bị “rớt” xuống biển. Không khí trên tàu thật buồn
thảm, không ai nói một lời, chỉ còn tiếng máy tàu nổ lạch tạch. Lúc này trọng tải có lẽ bớt đi chút
ít nhưng tàu vẫn chạy như rùa bò.
Khoảng 2
giờ chiều thì có một chiếc tàu chạy thật nhanh đến, tìm cách cặp
vào thuyền chúng tôi. Đúng là hải tặc rồi ! Đàn bà và nhất là
thiếu nữ thì lo cuống cuồng, có người lấy nước bùn trát vào mặt
cho xấu đi. Tuy nhiên có một số thanh niên thì lại lạc quan, “ra sao
thì ra” nhưng chỉ cần có thể xin được chút nước uống, không còn nhớ
là đối với hải tặc thì đàn ông cũng không được tha. Cũng rất may cho
chúng tôi, đám hải tặc chừng 5, 6 người, dùng thuyền nhỏ vừa nhảy
lên thuyền chúng tôi thì đã vội nhảy trở về. Nhiều người cho là vì
thấy thuyền chúng tôi đông quá nhưng theo tôi, vì ở trên tàu quen rồi
chúng tôi không cảm thấy nhưng trên tàu chắc rất nặng mùi, kể cả mùi
tử khí.
Đám hải
tặc đành dùng dây kéo tàu chúng tôi đi, có lẽ đến một hoang đảo nào
đó, thoáng mát và dễ hành sự hơn. Đi được chừng khoảng một giờ thì
tàu dừng lại, họ bắt đầu mang nước và cơm ra rồi ngoắc chúng tôi
sang. Khoảng cách giữa 2 tàu chỉ chừng 20 thước nhưng tôi không dám
chắc là mình còn đủ sức để bơi qua được nên vẫn ở lại trên tàu.
Một số thanh niên bơi sang và được cho ăn uống thoả thích. Một thanh
niên người Hoa, sau khi ăn uống trở về cho biết là đã nói chuyện với
các “ngư phủ” bên kia và họ cho biết là chúng tôi đã được tàu Mỹ
cứu rồi. Chúng tôi bán tín bán nghi thì tàu Mỹ đã xuất hiện. Lần này thì không còn
chấm đen chấm đỏ gì hết mà chỉ trong thoáng chốc là một chiếc tàu
khổng lồ đã thả neo cạnh thuyền chúng tôi. Một đám thủy thủ người
Mỹ định dùng thuyền nhỏ để lên thuyền chúng tôi nhưng 2 anh thủy thủ
đầu tiên vừa nhảy lên tàu thì vội nhảy trở lại ngay, thế mà vẫn ói
mửa. Vì vậy chúng tôi nghĩ đám hải tặc không phải
sợ chúng tôi đông người, nhất là vì số đông vẫn còn nằm dưới hầm
tàu nhưng vì không chịu nổi mùi hôi
thối ở trên tàu và nhờ đó mà chúng tôi khỏi nếm mùi hải tặc.
Sau khi cho
thuyền chúng tôi cặp sát chiếc tàu chiến thì thang dây được thả
xuống để chúng tôi leo lên. Lúc đó ông hạm trưởng đứng ra điều động
qua tôi làm thông ngôn bất đắc dĩ. Ông yêu cầu tôi lên thuyền sau cùng.
Trong lúc chờ đợi mọi người leo lên, tôi xuống hầm tàu xem lại còn
sót ai không và cũng có ý muốn tìm xách hành lý của mình. Đúng như
các anh thanh niên mô tả trước đây, dưới hầm tàu thật quá ngổn ngang
dơ bẩn và nặng mùi tử khí, chỉ dám đi lướt qua, không thể ở lâu
được. Tôi đếm được đúng 11 người còn nằm lại, không có can đảm thử
xem họ có chết thật không, với lại thân nhân cũng đã không ngó ngàng
tới, mình còn có thể làm gì ?
Khi tôi leo
lên tàu Mỹ thì được hướng dẫn đến một phòng tắm dã chiến, áo quần
đang mặc đều phải vất bỏ hết. Thật sự lúc đó tôi chỉ có một áo
len cánh không biết của ai và một quần đùi dính đầy bùn . Tắm rửa
xong họ phát một cái mền, chắc để tối này đắp nhưng hiện tại đó
là thứ duy nhất tôi có nên đã quấn lại như một cái sarong để che
thân. Nếu xem chiếc tàu như là một phần lãnh thổ của nước Mỹ thì
có thể xem như tôi được tái sinh tại đây, trần truồng, không mang theo
bất cứ hành trang gì.
Bước vào
trong thì thấy người nằm la liệt, các bác sĩ và y tá trên tàu đang
tận tình cứu chữa. Không có việc
gì làm nên tôi cũng phụ giúp trong việc thông dịch. Được một lát thì
một vị sỹ quan đến gọi và dẫn tôi đến hông tàu. Ông Hạm trưởng đang
đứng đó với mấy thủy thủ. Nhìn xuống thì thấy con tàu của chúng
tôi đang lắc lư theo những đợt sóng khá lớn. Thật là kỳ diệu, suốt 4
ngày qua, chỉ thấy sóng lăn tăn chừng vài ba tấc nhưng bây giờ thì
sóng cao hơn nhiều. Nếu chúng tôi vẫn còn trên thuyền thì không biết
sẽ ra sao. Ông Hạm trưởng cho biết là ông đã đặt chất nổ để nhận chìm con tàu tuy nhiên ông muốn tôi nói
lại cho mọi người biết là trên tàu vẫn còn 2 người, đã chết rồi nên
xem như thủy táng theo con tàu luôn. Tôi giật mình:”Nhưng trước khi lên
đây tôi đã đếm cả thảy là 11 người ?”. Ông Hạm trưởng cho biết là đã
cho người xuống kiểm tra và 9 trong
11 người còn ở dưới thuyền chỉ bị ngất xỉu thôi và các bác sĩ đã
cứu sống họ rồi. Tôi thấy lạnh xương sống, người như xây xẩm, điều
mà tôi lo ngại thật sự đã xảy ra. Nếu tính theo tỷ lệ thì trong số
60,70 người đã được ném xuống biển, có thể có 40 đến 50 người chỉ
là ngất xỉu mà thôi ! Nếu lúc chạm nước biển mát lạnh họ tỉnh dậy
thì sao ? Nói cho cùng, tôi không có trách nhiệm gì về chuyện này cả
nhưng đó vẫn là một ám ảnh đối với tôi trong nhiều năm.
Sau đó tôi
còn nghe được câu chuyện ly kỳ của 2 anh em, người anh 15 tuổi và cô em
14 tuổi. Người anh mệt lả nằm bất
động và sắp sửa bị quẳng xuống biển. Cô em hoảng hốt và bỗng nhiên
có sáng kiến là giựt bao nylon của một người bên cạnh đang ói mữa
rồi rót vào miệng người anh. Anh này tỉnh dậy (không biết vì được
uống nước hay vì chịu không nổi mùi hôi thối) và không bị quẳng
xuống biển nữa.
Một ngày
sau đó thì có 2 người nữa qua đời và tất cả chúng tôi cùng sỹ quan
và binh sỹ trên tàu đã làm lễ thủy táng đàng hoàng. Đếm lại thì
còn 262 người sống sót. Ngày hôm sau, phái đoàn Mỹ lên tận trên tàu
để phỏng vấn và hầu hết đều được nhận đi định cư tại Mỹ. Đây là
một trường hợp khá hy hữu vì thuyền nhân đã được nhận đi định cư
trước khi vào trại tỵ nạn (Laem Sing, ở Thái Lan). Trong trại tỵ nạn,
các nhóm thường lấy tên tàu của mình để phân biệt với các nhóm khác.
Riêng tàu của chúng tôi không có tên và thường được biết đến như “tàu
262” tại vì trong trại không có tàu nào chứa đông người như vậy.
Tàu cứu
sống chúng tôi là khu trục hạm (destroyer) chuyên dùng để phóng phi
đạn (guided missile) thuộc Hạm đội 7 Thái bình Dương, có tên là USS
Robison dài 133m, rộng 14m. Trên tàu có 2 giàn phóng phi đạn khổng lồ,
262 người chúng tôi nằm quanh một trong 2 giàn phóng mà rộng rãi
thoải mái. Nhiệm vụ chính của khu trục hạm Robison là tuần tiễu trên biển Đông. Tháng 12 năm 1980 là một trong
những lần hiếm hoi tàu đến vịnh Thái Lan để tập trận với Hải quân
Thái Lan.
Trên
internet có đầy đủ chi tiết và lịch sử của chiếc tàu này kể cả 2
lần làm công tác nhân đạo, lần 1 cứu được 262 và lần 2 được 21
người. Tôi còn nhớ có một lần tôi đã nói với ông Hạm trưởng là tôi
hiểu tại sao buổi sáng ông không cứu chúng tôi mà phải chờ đến buổi
chiều. Tuy nhiên hậu quả là có thêm ít nhất từ 20 đến 30 người phải
tử vong vì quá tuyệt vọng. Đọc lại lịch sử tàu Robison trong
Wikipedia trong đoạn nói về lần cứu vớt 262 người cũng đã có hàm ý
nói lên sự kiện đó.
Nhân đây,
tôi xin thay mặt cho 262 thuyền nhân thành thật biết ơn Ông Hạm trưởng
cùng thủy thủ đoàn, không những đã cứu vớt mà trong mấy ngày ở trên
tàu đã đối xử với chúng tôi như những thượng khách.
Lê khắc Huy
Tháng 5, 2013
Cám ơn anh Hai (captain của đội bóng Laval năm nào) Lê Khắc Huy đã chia sẻ. Tôi đã rất xúc động khi đọc xong bài này. Tôi có nói với nhà tôi (cô Lan my house) là sau khi đọc bài này tôi thấy những kỷ niệm buồn vui hay khó khăn nho nhỏ trong bài tôi viết trở thành vô nghĩa. Bài anh Huy cho thấy nỗi đau và mất mát rất lớn của rất nhiều người trong chúng ta, đa số là những người Việt tị nạn ở hải ngoại. Chỉ khi nào nhà cầm quyền trong nước hiểu được những thảm cảnh mà họ, bên "thắng cuộc", đã gây ra cho những người cùng dòng máu, nhất là người dân miền Nam bên "thua cuộc", thì may ra có thể họ sẽ tìm những phương cách để chữa lành những vết thương đó. Cách hay nhất là mình phải tự lo cho mình để tự mình hóa giải được những khổ đau của chính mình. Bài viết nhẹ nhàng không lên án không trách móc của anh Huy cho thấy là anh đã chắc chắn chuyển hóa được nội tâm. Tuy nhiên, nói như người dân xứ Con Vịt Điên (Cana-dien), we can forgive but we won't forget...Mong gặp lại anh Hai Huy.
Trả lờiXóaAnh Huy viết một bài rất hay, cảm động, nhưng cũng có nhiều đoạn vui nhẹ nhàng. Hồi xưa, lúc còn học Laval, nghe tiếng anh học giỏi, đậu bằng có mention, em tuy qua sau, nhưng cũng như mọi người đều rất nể phục anh. Nay đọc bài này, nhận thấy anh không phải chỉ là một người thông minh và có kiến thức cao, mà còn là một người có lý tưởng, sẵn sàng về nước đi lính (dù là sau đó được biệt phái về dạy học). Anh kể chuyện trên tàu vượt biên, người ta quăng những người có lẽ chưa chết xuống biển, vì họ không còn sức để phản ứng hay cử động, làm anh bị ám ảnh khá lâu. Điều này cho thấy anh còn có lòng nhân.
Trả lờiXóaBài anh viết làm em liên tưỏng tới nhân vật Iohann Moritz của chuyện "Giờ thứ 25". Anh chàng này cũng như anh, vì hoàn cảnh, phải gặp "xui" hơn người ta: Những người về nước trước hay sau anh 6 tháng năm 1971 thì không thành sĩ quan, và không bị những ngày "học tập cải tạo" sau này. Còn anh bị "xui" nên phải bị đi tù. Rồi khi vượt biên bị bắt, những người dưới 20 tuổi hay trên 50 tuổi được thả ra, còn anh thì... cũng bị đi tù !!
Em trích ra đây 1 đoạn nói về chuyện "Giờ thứ 25" của tác giả Virgil Gheorgiu trên Wikipedia để nói về hoàn cảnh anh chàng này, đọc chơi "cho vui":
« De toute ma vie, je n'ai désiré que peu de choses : pouvoir travailler, avoir où m'abriter avec ma femme et mes enfants et avoir de quoi manger. C'est à cause de cela que vous m'avez arrêté ?
Les Roumains ont envoyé le gendarme pour me réquisitionner – comme on réquisitionne les choses et les animaux. Je me suis laissé réquisitionner. Mes mains étaient vides et je ne pouvais lutter ni contre le roi ni contre le gendarme qui avait des fusils et des pistolets. Ils ont prétendu que je m'appelle Iacob et non Ion comme m'avait baptisé ma mère. Ils m'ont enfermé avec des juifs dans un camp entouré de barbelés, – comme pour le bétail – et m'ont obligé à faire des travaux forcés. Nous avons dû coucher comme le bétail avec tout le troupeau, nous avons dû manger avec tout le troupeau, boire le thé avec tout le troupeau et je m'attendais à être conduit à l'abattoir avec tout le troupeau. Les autres ont dû y aller. Moi je me suis évadé. C'est à cause de cela que vous m'avez arrêté ? Parce que je me suis évadé avant d'être conduit à l'abattoir ? Les Hongrois ont prétendu que je ne m'appelais pas Iacob mais Ion et ils m'ont arrêté parce que j'étais Roumain. Ils m'ont torturé et m'ont fait souffrir. Ensuite ils m'ont vendu aux Allemands. Les Allemands ont prétendu que je ne m'appelais ni Ion ni Iacob, mais Ianos et ils m'ont torturé à nouveau, parce que j'étais Hongrois. Puis un colonel est venu qui m'a dit que je ne m'appelais ni Iacob ni Iankel – mais Iohann – et il m'a fait soldat. D'abord il a mesuré ma tête, il a compté mes dents et mis mon sang dans des tubes en verre. Tout cela pour démontrer que j'ai un autre nom que celui dont m'a baptisé ma mère. C'est à cause de cela que vous m'avez arrêté ? Comme soldat, j'ai aidé des prisonniers français à s'évader de prison. C'est pour cela que vous m'avez arrêté ? Lorsque la guerre a pris fin et que j'ai cru que j'aurais, moi aussi, droit à la paix, les Américains sont venus et ils m'ont donné, comme à un seigneur, du chocolat et des aliments de chez eux. Puis, sans dire un mot, ils m'ont mis en prison. Ils m'ont envoyé dans quatorze camps. Comme les bandits les plus redoutables qu'ait jamais connus la terre. Et maintenant je veux moi aussi savoir : pourquoi. »
Lần "trở về" này vui vẻ, chớ không giống như những lần "trở về" trong những chuyến vượt biên "thập tử nhất sinh", mà chỉ được Chị nói một cách thản nhiên "anh về rồi đó à?". Hy vọng kỳ này về Québec họp mặt, sẽ được bắt tay anh để tỏ lòng kính phục và ngưỡng mộ.