Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2013

Nhớ về Sư Cô Thanh Quang


Hôm nay em đi chùa Hương
Hoa cỏ mờ hơi sương…

Tôi đang lẩm nhẩm ngâm nga bài thơ của Nguyễn Nhược Pháp, vừa rảo bước leo lên con dốc dẫn đến cổng chùa Bồ Đề… Thấp thoáng trong sân chùa, bóng dáng của sư cô Thanh Quang trong bộ áo nhật bình mầu nâu thẫm, đang lom khom bên luống hoa dưới chân tượng Phật Quan Thế Âm… Hình ảnh này quá quen thuộc với chúng tôi mỗi lần có dịp lên chùa làm công quả, cùng với sư cô quét dọn vườn tược…

A Di Đà Phật, thưa sư cô!

Nghe tiếng tôi, sư cô ngẩng đầu lên, đứng dậy:

A Di Đà Phật, chị L. đến rồi à? Có khỏe không?


Giọng nói miền Nam êm dịu, ngọt ngào đưa tôi về với quá khứ xa xưa… Một ngày Đông năm 75, tôi gặp chị lần đầu tiên, ngày tôi mới chập chững chân ướt chân ráo đến thành phố Québec lạnh lẽo này. Trước mặt tôi là một thiếu phụ dịu dàng, tóc thả ngang lưng, với dáng dấp một nữ sinh hơn là một thiếu phụ đã 3 con. Chị chào đón tôi với một nụ cười hiền hòa và một giọng nói miền Nam êm ái…cho tôi một cảm giác ấm áp trong lòng, trong khi bên ngoài tuyết rơi trắng xoá phủ không gian một mầu băng giá!... 

Chị tên Trần Thị Hoa, là phu nhân của bạn của chồng tôi. Từ đó chúng tôi quen nhau, rồi trở thành thân thiết. Chị lớn tuổi hơn tôi, tôi xem chị như người chị cả. Tôi được biết chị là sinh viên du học về ngành Canh Nông. Chị đã tốt nghiệp Kỹ sư tại trường Đại Học Laval, ra trường làm việc một thời gian thì chị quyết định ở nhà chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái.

Ngày tôi quen chị, anh chị đã có 2 cháu gái và một cháu trai. Hai năm sau chị có thêm một cháu trai nữa. Nhìn một gia đình với 4 đứa trẻ xinh đẹp, kháu khỉnh và cách thức chăm sóc con cái, nhà cửa quá chu toàn, tôi thầm phục tài quán xuyến và sự can đảm của chị… Ngày tôi bắt đầu có đứa con đầu lòng, tôi nhớ mãi những lời dặn dò, nhắc nhở ân cần của chị, chẳng khác gì sự quan tâm của một người chị đối với đứa em gái.
 
Một thời gian dài, chúng tôi còn có dịp làm việc chung trong những sinh hoạt cộng đồng, nhất là thời gian chị làm Hội trưởng Hội Phụ Nữ VN tại Québec, tôi lại nhận thấy không những chị là một người nội trợ đảm đang trong gia đình mà ngoài xã hội chị cũng chứng tỏ là một người đầy nhiệt tâm, hăng hái trong mọi hoạt động về văn hóa, xã hội và từ thiện… Chị còn là một Phật tử có lòng đã sát cánh cùng một số các vị cao niên và Phật tử trong Cộng đồng phát tâm, cổ động thành lập ngôi chùa Phật giáo đầu tiên tại Québec… Đó là chùa Bồ Đề. Từ đó chị miệt mài góp tay tổ chức và duy trì những sinh hoạt thường xuyên của Chùa. Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn còn gặp nhau và có nhiều dịp trao đổi cùng nhau những vui buồn, thành quả hay khó khăn trong cuộc sống Đạo và Đời. 

Rồi một ngay chị tỏ lời giã từ chúng tôi để lên đường tu học ở Mỹ quốc! Tôi bâng khuâng và ngỡ ngàng trước quyết định của chị. Đành buông bỏ tất cả sao? Chị quyết tâm thực hiện tâm nguyện đã ấp ủ từ lâu! Tôi cũng đang chập chững học Phật…  nhưng… có lẽ chưa đủ căn duyên, tâm chưa sáng, trí còn u minh, nên không đủ can đảm chấp nhận ý tưởng « cắt ái từ thân »  vì thế không đành lòng nhìn chị « vào Chùa »!

Thế rồi, sau một thời gian tu học tại Tu viện Kim Sơn, nhân duyên đến, chị giã từ thầy tổ, sư huynh đệ, khăn gói xuống núi, trở về lãnh nhận trách nhiệm trụ trì và tiếp tục công việc Phật sự tại chùa Bồ Đề; nơi mình đã góp tay tạo dựng nên.


Tôi gặp lại chị… bây giờ là một nữ tu « đầu tròn áo vuông » với Pháp danh Thích nữ Thanh Quang. Tôi rất mừng thấy chị khỏe mạnh với một phong thái rất thanh thoát. Buổi đầu tôi còn luống cuống trong cách xưng hô; lúc thì chị , lúc thì cô… nhưng rồi cũng quen nhanh với  tiếng gọi Sư Cô quen thuộc và thân mến…Từ ngày Sư Cô về trụ trì, tôi cũng siêng năng đi chùa lễ Phật...

Thời gian trụ trì chùa Bồ Đề, Sư Cô Thanh Quang hết lòng chia xẻ cùng Phật tử những kiến thức về phật giáo, tận tâm hướng dẫn rất nhiều Phật tử VN và Québecois trong việc áp dụng, thực hành giáo lý của đạo Phật trong đời sống. Đây cũng là một điểm son trong sự nghiệp tu tập và hoằng pháp của Sư Cô tại vùng đất lạnh. 

Các bạn khắp nơi nếu có dịp ghé thăm chùa Bồ Đề, cũng đừng ngạc nhiên khi thấy trong khóa lễ của chùa, xuất hiện bóng dáng các Phật tử ngoại quốc trong chiếc áo tràng màu lam trang nghiêm,  đang tụng kinh bằng tiếng Việt hoặc một vị cư sĩ Québecois nào đó đang thuần thục đánh chuông  gõ mõ cùng đại chúng tụng kinh… Đó là một nét dễ thương khác của  chùa Bồ Đề, nơi Sư Cô Thanh Quang đã từng trụ trì. Ngôi chùa khang trang nằm trên sườn đồi thoai thoải của vùng trời Beauport, nhìn xuống dòng sông Saint-Laurent hùng vĩ.

Vô thường quá! Cảm thấy tuổi đời đã lớn, sức khỏe cũng suy yếu nên Sư Cô quyết định rời chùa, về miền Tây vào sống trong viện dưỡng lão Tuổi Hạc tại thành phố Edmonton. Nơi đây Sư Cô vẫn tiếp tục đời sống tu hành; hàng ngày lo phật sự, tụng kinh niệm Phật cùng quí phật tử cao niên nơi Niệm Phật đường của viện dưỡng lão… cho đến ngày Sư Cô lâm bịnh.

Tháng Giêng năm 2012, trong người mang bịnh Ung thư, nhưng Sư Cô đã cố gắng trở về thăm lại chùa xưa, bạn cũ và phật tử chùa BĐ. Bình thản trước bịnh hoạn sinh tử, nét mặt trầm tĩnh trong sáng của Sư Cô trong những ngày lưu lại Québec đã mang lại cho chúng tôi thật nhiều an lạc trong mấy ngày đầu năm.Tôi nhớ ngày tiễn đưa Sư Cô lên đường trở lại Edmonton, cũng là một ngày Đông, tuyết lạnh! Cách nhau một bức tường bằng kính ở phi trường, bên kia hình ảnh Sư Cô chắp tay hoa sen giã từ các đạo hữu đến tiễn đưa…bên này chúng tôi cũng bùi ngùi chắp tay… Lòng tôi chợt khởi niệm biệt ly!... Mùa thu năm đó, Sư Cô thật sự rời bỏ thế giới này.

Tháng 8 năm 2013, ngày họp mặt Laval của bao thế hệ sinh viên VN, đã từng miệt mài sôi kinh nấu sử nơi ngôi trường đại học thân yêu của vùng đất, nổi tiếng là xứ lạnh tình nồng . Tôi viết những dòng chữ này để nhớ về một khuôn mặt Laval cũ và cùng chia xẻ với các anh chị sinh viên cũng như Phật tử của chùa Bồ Đề những kỷ niệm riêng tư, nhưng đầy thân thương đối với một đàn chị đã khuất bóng.

Mỗi lần đến chùa, chắp tay trước bàn thờ, nhìn nụ cười thanh thản của Sư Cô chập chờn qua màn lệ, tai tôi còn văng vẳng tiếng ai…A Di Đà Phật…Chị L. đến rồi à?

Lam Sơn
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét