Thứ Năm, 18 tháng 7, 2013

Tình đầu???




Tháng 8 năm 1954, gia đình tôi di cư vào Saigon vì biết không thể sống dưới chính thể Cộng Sản ở miền Bắc Việt Nam được.

Ở tuổi sắp bước sang 17, tôi chẳng có một chút âu lo gì cho những khó khăn đang đợi chờ gia đình chúng tôi ở nơi cư trú mới. Cũng như bao gia đình ở miền Bắc đã chọn miền Nam để sinh sống sau hiệp định Genève (ngày 20.7.1954), gia đình chúng tôi phải bỏ lại hầu như tất  cả tài sản ở miền Bắc để di cư vào Nam với gần như hai bàn tay trắng. Không những thế,  dù sống tại Hà Nội chúng tôi cũng phải ra đi trong sự kín đáo tuyệt đối vì có những người họ hàng sống ở hậu phương (chỉ nơi Cộng Sản đang kiểm soát) đến thăm viếng, khuyên nhủ, khuyến khích và hứa hẹn để chúng tôi ở lại. Cũng may, mẹ tôi có một người bạn là người Tàu, đã trốn được khỏi chế độ Cộng Sản tại Trung Hoa kể cho nghe về những khốn khó và khắc nghiệt nếu phải sống dưới chế độ Cộng Sản nên rất cương quyết đi Nam. Phần tôi, một người con trai chưa tới 17 tuổi nên chẳng có gì phải lo âu trong chuyến đi này cả. Trái lại tôi có những hới mưng* khó tả ở trong lòng. Tôi cũng chẳng có một mối tình chớm nở nào dắt lưng trước khi ra đi nên nỗi lòng kẻ ra đi như tôi nhẹ tênh hênh,  chẳng khắc khoải như  “Nỗi lòng người đi” của nhạc sĩ Anh Bằng.

Một sớm đầu tháng Tám (năm 1954), gia đình chúng tôi gồm bố mẹ tôi, một người anh trai, một người em trai và ba cô em gái được xe hơi đến đón và đưa ra tập trung tại sân cỏ của nhà hát lớn Hà Nội. Khoảng mười lăm phút sau chúng tôi được chở sang phi trường Gia Lâm. Chúng tôi được leo lên một chiếc phi cơ Dakota (sau này tôi mới biết người ta còn gọi phi cơ này là C-47). Đây là lần đầu tiên trong đời tôi được leo lên một chiếc máy bay nên rất thích thú và cũng rất tò mò. Cũng may, tôi được xếp ngồi ngay cạnh cửa sổ nên tha hồ nhìn khung cảnh dưới đất trên suốt đoạn đường bay từ Hà Nội vào Saigon. Phải thú thật là trái với âu lo của bố mẹ, tôi rất vui và thích thú trong cuộc đi Nam. Tuổi trẻ là vậy mà. Còn gì vui bằng được viễn du bằng máy bay và sẽ có nhiều dịp khám phá  những điều mới mẻ nơi đất mới.

Sau khi xuống máy bay, gia đình chúng tôi được đưa về nơi sẽ là sở làm tạm thời của bố tôi vì bố tôi là công chức. Khoảng nửa giờ sau, chúng tôi được đưa về nơi cư ngụ tạm thời.

Nơi tạm cư của gia đình chúng tôi là một nhà kho bỏ trống của sở Hỏa Xa. Khi chúng tôi đến nơi thì nơi đây đã có nhiều gia đình đến trước chúng tôi ở đó rồi. Phải công nhận người Việt mình nhanh chân thật.

Có lẽ đã có sự sắp xếp từ giới chức thẩm quyền nên có một khu vực gần cửa ra vào để trống với bốn cái giường trải chiếu sạch sẽ và một cái bàn gỗ khá lớn còn khá mới sẵn sàng chờ đón chúng tôi.

Nhà kho này chung quanh bằng ciment, nền nhà cũng bằng ciment. Nhà khá lớn, một chiều cỡ hơn mười lăm thước còn chiều ngang cũng hơn mười thước. Mái nhà rất cao, phải hơn tám thước. Nhà có một cửa ra vào khoảng hơn ba thước. Ngoài ra còn có một cửa ra vào bình thường như ở những căn nhà bình thường. Kể cả gia đình chúng tôi, nhà kho có bốn gia đình cư ngụ. Bên trong, nơi đầu nhà có máy nước nhưng cũng hơi bất tiện vì không có nhà tắm cũng như nhà vệ sinh. Tắm rửa thì đành phải mặc quần áo sau đó về khu vực gia đình mình mà khéo léo thay quần ướt. Muốn đi vệ sinh thì phải ra ngoài, có nhà vệ sinh dành riêng cho cư dân của nhà kho này!

Bốn gia đình phân cách nhau bằng khoảng trống khoảng một thước, tạo thành lối đi ngang dọc. Khu vực của mỗi gia đình được che bằng những tấm vải dầy móc trên những sợi giây kẽm ngang dọc. Gia đình chúng tôi nhiều người nhất nên chiếm một khu lớn nhất và có nhiều giường nhất, lại ưu tiên có cửa ra vào riêng. Có thể đây là một chút ưu đãi vì bố tôi lớn tuổi nhất và nhất là ngạch trật cao nhất nên ai cũng nể nang.

Phía góc trong cùng có một gia đình tôi thấy chỉ có ba người gồm hai vợ chồng còn trẻ và một cô con gái trạc tuổi em gái tôi, nghĩa là kém tôi một hoặc hai tuổi. Lúc đầu tôi chẳng để ý gì vì có lẽ tôi cũng mới qua khỏi cái thời đánh đinh, đánh đáo một thời gian ngắn nên chẳng quan tâm đến mọi chuyện cũng là lẽ thường.

Một buổi sáng khoảng ba hôm từ ngày gia đình chúng tôi dọn đến, tôi thấy ông hàng xóm ấy cõng cô gái trẻ từ ngoài đường đi về khu cư ngụ của mình. Cô em tôi sau đó cho biết ông ta mới đưa con gái về từ nhà thương. Thú thực tôi cũng chẳng quan tâm lắm vì cũng mới chỉ thoáng thấy cô ta một hai lần. Tôi cũng chẳng rõ cô ta đau yếu làm sao.

Cho đến hai hôm sau, đang đứng thơ thẩn ở cửa ra vào, tôi lại thấy ông ta cõng cô con gái nhưng đi ra đường chứ không phải đi vào nhà như lần trước. Lần này thì tôi thấy cô ta thật rõ. Cô bận một chiếc quần đen và một chiếc áo cánh trắng đơn sơ. Mái tóc xõa dài đen nháy, lòa xòa che mất nửa khuôn mặt trái soan. Lạ thay đáng lẽ bệnh hoạn như vậy thì da dẻ phải xanh xao, vàng vọt nhưng làn da cô lại trắng hồng, môi đỏ và hàm răng đều như hàng hạt bắp trắng tinh. Khi đi ngang qua tôi, cô nhìn tôi như muốn nói gì đó với tôi. Khi đã qua khỏi chỗ tôi đứng cả chục thước, cô vẫn còn ngoái đầu nhìn tôi. Một anh chàng mới lớn như tôi làm sao đủ chững chạc để có thể bắt chuyện, hỏi han đôi lời dù trong lòng cứ mãi thắc mắc vì ánh mắt đó.

Nhìn ông bố cõng cô con gái đưa đi nhà thương, tôi những mong bằng cách nào đó được giúp đỡ ông một tay nhưng lại chỉ biết đứng nhìn như một người tò mò và vô dụng. Cái cảm giác khi thấy ông cõng cô ta đưa đi nhà thương vì cô ta quá yếu đuối, bịnh tật làm tôi nhớ lại hình ảnh một con mèo ngoạm con đưa chúng ra khỏi vòng hiểm nguy. Kể từ ngày đó, cái ánh mắt như cầu cứu, như muốn nói một cái gì đó với tôi cứ mãi vấn vương trong đời sống của tôi. Ngày nay tôi đã có gia đình, con cháu đầy đàn nhưng có nhiều lúc trống vắng trong lòng, hình ảnh người con gái này cứ mãi thoáng hiện trong tôi. Đúng là một cuộc hạnh ngộ không thể quên của đời tôi.

Trong cuộc sống này có những cuộc hạnh ngộ như vậy, trong như nước suối, trắng tinh, thơm ngát như hoa bưởi, mà chẳng bao giờ quên được, lọ là cần phải có một cái gì dù chỉ là một cái nắm tay thôi. Cái thơ ngây, khờ khạo bao giờ cũng đẹp phải không quý bạn. Cho đến hôm nay tôi chưa hề biết tên, biết tuổi mà cũng chẳng biết bây giờ người ta ra sao! Có điều chắc chắn dù người con gái này ra sao, như thế nào,lúc nào tôi cũng nhớ đến cô ta. Phải chăng đây mới chính là mối tình đầu đời của tôi.

Tôi được đào tạo hoàn toàn ở trong nước, không có hân hạnh được đi du học cho nên không phải dân Laval mà cũng chẳng phải liên trường, nhưng tôi có một người bạn khá thân là dân du học Laval. Chúng tôi  học cùng lớp ở trường CVA và cùng sinh hoạt trong một nhóm do giáo sư Hiếu thành lập: đó là nhóm có tên là Vân Đồn.


Người bạn này là NNĐ. Bạn ta nếu đọc  những dòng chữ này thì chả cần hỏi cũng biết tôi là ai. Đ. còn nhớ những buổi chơi bóng chuyền, bóng rổ của nhóm Vân Đồn 58 năm trước không? Ngày đó cái sân vận động sau trường Petrus Ký, ngay gần góc đường Nguyễn Hoàng với đường Trần Bình Trọng chẳng ngày nào vắng bóng nhóm Vân Đồn. Có khi nào bạn còn nhớ đến những ngày tháng trẻ trung cũ đó chăng?

Đ. nhỉ nếu chúng ta tin là con người có số mạng thì mọi chuyện ở đời đều đã được một đấng siêu việt nào đó sắp xếp sẵn rồi. Bốn mươi năm trước ai tin được anh và tôi sẽ gập nhau nơi đây, như thế này. Đó là chuyện tôi với anh nhưng đến ngày hội ngộ này chúng ta sẽ gặp nhiều người khác mà có lẽ có nhiều người chưa bao giờ mình đã gặp. Gặp nhau rồi có khi lại trở thành bạn chí thân không chừng Đ. nhỉ.

*hới mưng được dùng với nghiã trong lòng đột ngột nảy sinh ra nỗi vui mừng, thích thú.

Bùi Thế Phụng

1 nhận xét: