Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

Áo mới đón Xuân

Mỹ Hào
Tôi vừa mới xóa đi một lời thề, lời thề mà tôi đã giữ trong suốt hơn 20 năm qua. Kể từ sau cái ngày tôi bước lên xe hoa về nhà chồng, tôi đã hứa với lòng là sẽ không bao giờ, sẽ không bao giờ… mặc lại áo dài .

Mở đầu câu chuyện là đã thấy lâm ly, gây cấn rồi phải không quí vị? Nào là tôi vừa xóa đi một lời thề. Nào là kể từ sau cái ngày tôi bước lên xe hoa về nhà chồng. Nào là tôi đã giữ lời thề trong suốt một khoảng thời gian dài hơn 20 năm. Đọc đến đây chắc quí vị nghĩ là tôi sẽ bắt đầu kể lại một câu chuyện tình lâm ly, bi đát, đã làm tổn thương đến ít nhất là hai người trong một cuộc tình không đơm hoa kết trái. Một câu chuyện tình ướt đẫm nước mắt, không có được một kết cuộc viên mãn như ý. Nàng theo chồng bỏ cuộc chơi, nhưng thề với lòng là sẽ yêu chàng mãi mãi, yêu suốt hơn 20 năm dài… Chuyện lãng mạn, éo le như vậy chỉ có trong tiểu thuyết tình cảm của Lệ Hằng, của Túy Hồng hay của Quỳnh Dao thôi quí vị. Chuyện của tôi sắp kể ra đây chỉ là chuyện may áo dài, chuyện mặc áo dài, chuyện lẩm cẩm, vụn vặt của con gái thôi quí vị ạ.

Tôi nhớ lúc còn ở bên Việt Nam, khi tôi lên trung học thì nữ sinh đã không còn bị bắt buộc mặc áo dài đi học. Chúng tôi chỉ cần có đồng phục quần xanh hoặc đen và áo trắng mà thôi.

Qua bên xứ Canada lạnh lẽo này thì tôi càng không có cơ hội để diện áo dài. Bởi vậy, kho tàng áo dài của tôi không có nhiều. Số áo dài của tôi có thể đếm trên đầu ngón tay. Để xem nhé, một cái tôi may lúc đám cưới chị Tám của tôi. Một cái cho đám cưới anh Bảy của tôi. Hai cái cho đám cưới của tôi. Vị chi là bốn cái, quá ít cho một người con gái thuần túy Việt Nam phải không quí vị ? Đọc đến đây chắc thế nào cũng có người đặt câu hỏi tôi có ít nhất là bốn chiếc áo dài mà tại sao tôi lại thề sẽ không mặc áo dài nữa? Thôi thì tôi sẽ từ từ kể hết cho quí vị nghe nhé!

Từ khi qua sống ở Montréal này tôi đã không có nhiều cơ hội để diện áo dài. Hơn nữa, để tậu cho mình một chiếc áo dài thì khỏi phải nói, thật là lôi thôi, rắc rối. Một chữ thôi quí vị: “Phiền!”. Tôi phải dùng chữ “tậu” để cho quí vị hình dung được là ở bên xứ này có được một chiếc áo dài cũng gian nan không kém gì đi làm việc để tậu nhà, tậu xe. Giá trị của một chiếc áo dài không nhiều, không quí bằng một căn nhà đẹp, một chiếc xe mới nhưng mà muốn có một chiếc áo dài để mặc cách đây hơn 20 năm thì cũng tốn khá nhiều công sức.

Chị nào đã từng đi may áo dài ở bên này thì đều biết, thật là phiền phức, mất thì giờ. Tiền vải, tiền công để có một chiếc áo dài ít nhất cũng hơn cả trăm đô (tùy loại vải, tùy kiểu, áo cần có lót, loại vải khó may… v.v. & v.v.). Chưa kể đến phần phải đi chọn vải, lựa kiểu, lấy ni, đủ thứ hằm bà lằng hết quí vị. Sau đó là một cái hẹn từ một đến hai tháng để đến mặc thử, lấy ni lần cuối trước khi thợ may làm khuy, đơm nút. Để rồi mỗi cái áo dài mặc được đúng một lần, xong việc rồi thì xếp gọn để cho “tủ mặc”. 

Mỗi lần diện áo dài thì cũng là lúc bắt đầu một “Cực hình không tên” cho tôi. Má dặn chúng tôi mặc áo dài thì phải cẩn thận, lưng phải thẳng, ngực phải cao, bụng phải gọn. (Má dạy sao giống như sắp sữa ra thi “lực sĩ đẹp” vậy trời!). Đi, đứng, nằm, ngồi đều phải giữ ý nếu không thì áo sẽ nhăn, không đẹp, không sang. Má còn dặn chúng tôi, là con gái không mặc áo dài thì thôi, đã mặc vào người thì phải nhớ nằm lòng câu : “Iểu điệu thục nữ, quân tử háo cầu”. Chắc tại má thấy tôi với nhỏ cháu mặc áo dài mà đi đứng nghênh ngang, nói năng rổn rãng, tay giơ cao quá đầu nên má nhắc khéo chăng ???!!!.


Nếu như chỉ có vậy thôi thì tôi chưa hẳn phải thề là sẽ không mặc áo dài nữa. Tôi còn nhớ hôm đám cưới chị Tám của tôi, 4 giờ sáng hai vợ chồng chị phải ngồi trước cửa nhà người thợ may chờ lấy áo dài cưới, để 10 giờ đón dâu lạy ông bà. Còn lại 3 cái áo dài của má tôi, của tôi và của nhỏ cháu phải chờ đến 9 giờ em trai của chị thợ may sẽ mang đến nhà. Má tôi thì có nhiều áo dài lắm, áo mới chưa tới thì má tôi lấy cái cũ mặc lại. Chuyện nhỏ như con thỏ, không thành vấn đề. Nhưng tôi và nhỏ cháu thì không xong.

Tôi hỏi má :
- Tụi con có cần phải mặc áo dài không?
Má tôi khẳng định:
 Nhất định phải mặc. Ngày cưới của chị chỉ có một lần, mấy đứa phải mặc áo dài để chụp hình, quay phim làm kỷ niệm. Mấy đứa ráng chờ chút đi, người ta mang áo đến ngay bây giờ.

Ngồi chờ áo dài mà tôi thấy giận kinh hồn luôn. Tôi chẳng bao giờ giận ai quí vị ạ, vậy mà bữa đó ngồi chờ lâu quá tôi giận! Tôi giận chị may áo dài giao áo trễ. Tôi giận em trai chị may áo dài không chịu làm anh hùng xa lộ để đưa áo đến nhà tôi được nhanh hơn. Tôi giận lưu thông trong thành phố quá tệ nên em trai của chị may áo dài chạy chậm. Cuối cùng thì tôi giận luôn tại sao đám cưới phải mặc áo dài. Cô dâu mới diện áo dài thôi. Tôi chỉ là em gái cô dâu cần gì phải diện áo dài. Thế là tôi giận luôn mấy cái phong tục cổ xưa bắt buộc mọi người trong họ phải mặc áo dài. Giận quá nên tôi thề, tôi tự hứa với lòng từ giờ trở đi tôi sẽ không thèm may áo dài, không thèm diện áo dài nữa.

Má nghe tôi thề xong rồi cười :
- Cô khỏi phải thề, đám cưới của cô thì cô cũng phải mặc áo dài, đội khăn đóng thôi. Người Việt mình, đám cưới mà không mặc áo dài, đội khăn đóng lạy tổ tiên ông bà thì không đủ lễ.

Má còn tặng thêm một câu nghe rất là đau tim, buốt óc:
- Cô không mặc áo dài thì ai rước cô đi dùm tôi. 

Thấy chưa, thấy chưa, thấy có đáng giận không chứ? Chỉ có mỗi cái việc mặc áo dài thôi mà cũng là cái cớ cho má có cơ hội để nhắc khéo tôi. Má sợ không ai chịu rước tôi. Tôi mới vừa bước qua hai mươi thôi mà má đã sợ tôi “Bóng nhỏ giáo đường”. Má sợ tôi “Chiều một mình qua phố”.

Má đâu cần phải sợ. Con gái của má không được đẹp sắc nước hương trời, nghiêng thành đổ nước. Con gái của má không được xinh để chim sa cá lặn, hoa nhường nguyệt thẹn nhưng mà con gái của má cũng đâu có tệ lắm. Coi tôi nè, tứ chi đầy đủ, mặt mày coi cũng được. Hai con mắt không được tròn xoe, lúng liếng như mắt bồ câu. Nhưng được cái hai con mắt thương nhau cùng nhìn một hướng. Hai con mắt nó không giận nhau, ngoảnh mặt làm ngơ là được rồi. Mũi thì không được dọc dừa nhưng cũng thẳng thớm, không gồ ghề, khúc khủy như đèo Hải Vân. Miệng thì không được nhỏ xíu, chúm chím hình trái tim nhưng cũng xinh xắn chớ bộ. Răng lợi đầy đủ cơm, bún, mì, phở tôi ăn tất không cần phải quanh năm… húp cháo.

Má đâu cần phải lo. Con gái của má đâu có ế. Con gái của má chỉ… kén thôi. “Ế” với “Kén” khác xa phải không quí vị? “Ế” là người ta không thèm đếm xỉa tới mình, không chọn mình. Còn “Kén” thì lại khác, kén là tôi không thèm đếm xỉa, tôi có quyền được chọn lựa, tôi ngon lành, tôi bảnh… tôi chảnh!!!???.  

Tôi còn phải công nhận tiếng Việt của mình phong phú thiệt, chỉ cần đổi một chữ thôi thì tình thế đã khác hẳn. Tôi đã chuyển bại thành thắng. Tôi đã biến đứa con gái ngây thơ, hồn nhiên, dễ thương, hiền lành, ngoan ngoãn ... có nguy cơ sắp ế chồng của má thành con nhỏ đang kén… bạch mã hoàng tử. Hay! Tiếng Việt của mình hay thiệt! Tiếng Việt hết xẩy! Tiếng Việt muôn năm!

Nói tóm lại là cũng tại cái áo dài mà má tôi có cơ hội nhắc khéo tôi nên kiếm chồng để khỏi “Ế!”. (Cái chữ mà chẳng đứa con gái nào muốn nghe, muốn biết, muốn... hiểu mà má cứ lôi ra nhắc nhở tôi hoài). Bởi vậy, chuyện tôi ghét không may áo dài, không diện áo dài cũng đâu có oan ức cho nó phải không quí vị.

Vậy mà đầu năm nay, xuân Nhâm Thìn, sau hai mươi mấy năm giữ lời thề tôi đã phá lệ mặc lại chiếc áo dài Việt Nam hôm tham dự tiệc sinh nhật của “bố L”.

Trước đó chị H gởi email nhắc mọi người nhớ mang theo áo dài để chụp hình, nhân dịp mừng xuân Nhâm Thìn luôn. Chị hết chuyện để nói chơi sao? Tôi lấy đâu ra áo dài để chụp hình đây?

Cuối tuần đến nhà anh chị L&H, vừa bước vào cửa là đã thấy bảy, tám cô tiên mắc đọa đang chụp hình. Chị nào cũng xinh xắn, duyên dáng. Áo dài đủ kiểu, đủ màu thật lạ mắt. Các đấng mày râu đang chờ tới phiên để được chụp hình với các nàng tiên xinh đẹp.

Thấy tôi không diện áo dài, chị H nói :
- MH lấy áo dài của H mặc nha, mặc chụp hình cho đẹp.

Nói là làm liền, chị đưa cho tôi bộ áo dài mới chị mua hôm hội chợ tết. Tôi thấy ngại quá nên từ chối, nhưng các anh chị khác khuyến khích tôi thay áo dài để chụp hình cho vui.

Thế là cuối cùng thì tôi đã xóa đi lời thề sẽ không mặc áo dài của mình. Mấy anh chị thương, khen tôi mặc áo dài xinh quá.

Chị H bảo tôi :
- MH mặc vừa lấy mặc đi, H nhường lại cho.

Chị D nói với tôi :
- H chịu nhường thì MH nên lấy đi. Áo mặc vừa lắm, đặt may chưa chắc mặc được đẹp như vậy.

Tôi cũng thích lắm (xin đừng cười tôi), nhưng thấy ngại quá. Tôi có đọc được một câu ở đâu đó hình như là trong truyện Thủy Hử : “Người quân tử không lấy đồ yêu thích của người khác”. Bởi vậy nên tôi suy nghĩ dữ lắm. Tôi mặc áo dài đi tới, đi lui, làm dáng chụp hình, nhưng trong đầu tôi đang suy nghĩ, kiếm đủ lý do để tự thuyết phục mình có nên mua bộ áo dài mà chị H nhường lại cho tôi.

Cuối cùng thì tôi cũng kiếm được hai lý do.

Thứ nhất đó là chị H tuyên bố nhường lại cho tôi bộ áo dài chứ tôi đâu có hỏi chị. Tôi không nên phụ ý đẹp của chị. Cám ơn chị. Lý do thứ nhất coi như pass, 1-0.

Thứ hai, người ta nói: “Người quân tử không lấy đồ yêu thích của người khác”. Tôi chợt nghĩ tôi đâu phải là quân tử, tôi là… thục nữ mà! Bởi vậy, chuyện tôi nhận bộ áo dài mà chị H đã ưu ái nhường lại cho tôi thì đâu có liên quan gì đến mấy ông quân tử Tàu. Lý do thứ hai cũng pass, 2-0.

Đọc đến đây thì chắc khỏi cần kể tiếp quí vị cũng biết đoạn kết như thế nào. Party kết thúc, tôi rời nhà anh chị L&H lúc nửa đêm cùng với túi áo dài trong tay. Tôi thấy vui lắm! Này nhé, sau hơn 20 năm không mặc áo dài, hôm nay mặc lại vẫn được các anh chị khen. Tôi khỏi cần phải đi lựa vải, đi lấy ni, đi thử, chờ đợi lâu lắc cho đời thêm khổ. Giá cả thì khỏi nói, 30 đô cho một bộ áo dài, rẻ như bèo phải không quí vị? Điều quan trọng là từ giờ trở đi, tôi khỏi phải kêu trời nếu như có anh chị nào kêu tôi mang theo áo dài để chụp hình làm kỷ niệm.

Trời đang mùa đông. Cuối tháng giêng, chung quanh tuyết trắng xóa, gió thật nhiều, lạnh khủng khiếp nhưng sao tôi thấy lòng mình thật ấm áp.

Mỹ Hào

01-2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét