Bây giờ trời đã vào thu, độ giữa
tháng mười, nơi miền Ngàn Đảo của tỉnh bang Ontario. Sau nhiều năm sinh sống
nơi vùng sông nước Ngũ-Đại-Hồ này tôi mới kiểm chứng được cái hiện tượng khoa học
mà dân nơi đây gọi là lake effect: nghĩa là khi bầu không khí bắt đầu trở lạnh
sang thu thì khối lượng nước khổng lồ của Ngũ-Đại-Hồ Ontario sẽ bắt đầu làm việc
nghĩa, dần dần tỏa nhiệt (đã được hấp thụ trong suốt mùa hè) ra để sưởi ấm
bầu trời ven bờ hồ. Bởi vậy những cây Érables nơi vùng này mới chỉ vừa được tô
điểm màu vàng, màu đỏ mà thôi; chẳng bù với những rừng cây phong nơi miền Đất Lạnh
của chúng ta, nhứt là trên vùng núi của Lac-Beauport, giờ này chắc lá mùa thu
đã rơi rụng gần hết, chỉ còn trơ lại những chiếc lá cuối cùng đang chờ đợi những
trận bão tuyết đầu mùa cuốn đi thôi! Xin đừng trách mùa thu Québec sao quá lạnh,
vì đây mới là nét đẹp riêng của miền Đất Lạnh Tình Nồng!
Trưa nào tôi cũng thường hay rảo bước
dạo quanh bờ hồ của cái bán đảo nơi trường đại-học quân sự hoàng gia Canada tọa
lạc. Thực ra thì nơi đây ngày xưa đã là
một trong những hòn đảo lớn của vùng ngàn đảo, nhưng người ta đã lắp đất của một
con rạch bao quanh để biến hòn đảo thành một bán đảo rộng lớn hơn để xây cất
khu đại học. Hôm nay bầu trời trong xanh không một áng mây che phủ. Cái màu
xanh biếc đặc thù của mùa thu nơi xứ lạnh mà chúng ta không thể nào bắt gặp nơi
những miền nhiệt đới, cho dù vào những ngày khô ráo mát mẻ nơi quê xưa.
Nhìn bầu trời xanh biếc tôi chợt nhớ
đến một bức hình trong những tài liệu mà phái đoàn Gia-Nã- Đại đã tặng chúng
tôi trước khi lên đường sang Québec. Đó là bức ảnh chụp một cây "pomme" đầy lá
xanh, tô điểm thêm bởi những trái pommes màu đỏ thắm (chắc thuộc loại "Red
Delicious"?), tất cả hiện giữa một bầu trời xanh thẫm, thực là một bức tranh
thiên nhiên tuyệt đẹp của miền Đất Lạnh.
Vào những ngày cuối tuần lúc mới đến
Laval, nhóm năm đứa chúng tôi: Lê Khắc Huy, Nguyễn Cao Liêu, Trần Bửu Long, Bùi
văn Tâm, Nguyễn Thanh Xuân, đã rủ nhau đi vòng quanh khu đại học chụp những tấm
hình kỷ niệm, nhiều nhứt là trước Pavillon Vachon, với thảm cỏ xanh mướt. Một
trong những tấm hình này tôi đã gởi tặng Chú Năm tôi ở Sài-gòn mà hôm hè rồi cậu
em họ tôi đã tình cờ tìm thấy trong cái hộp đựng souvenirs của Chú tôi: thật giống
như là thời gian đã quay ngược dòng trở lại!
Những ngày thu rồi cũng quá nhanh,
tôi còn nhớ buổi trưa hôm ấy (vào giữa tháng mười) sau khi ăn trưa ở Pollack
xong tôi vội vã trở lại trường, vừa ra tới parking Pollack, tôi đã say mê chiêm
ngưỡng những bông tuyết bay lất phất trong nền trời màu xám đục: đây mới chính
là bức tranh thiên nhiên thật sự mà hồi ở quê nhà tôi chỉ tưởng tượng ra khi
nghe những tuồng hát cải lương như "tuyết phủ chiều đông" trên vùng núi Phú
Sĩ của xứ sở hoa anh đào. Tôi vẫn còn nhớ, lúc ấy anh Võ Ngọc Bá (đã ra đi
hơn mười năm nay!) đi đến sau tôi, và anh Bá đã cười hỏi tôi lần đầu tiên nhìn
thấy tuyết rơi chắc là thích thú lắm?
Đã qua biết bao mùa tuyết rơi, cứ mỗi
lần nhìn thấy những bông tuyết đầu mùa tôi đều có cái cảm gíác rất đặc biệt của
một người vừa mới đến xứ lạnh từ một miền nhiệt đới. Hai tuần lễ sau đó, vào một
ngày giá buốt đầu tháng mười một, trước khi đi đến trường, tôi đã bắt radio để
nghe tin tức, một tin đã làm tôi thật xao xuyến: tổng-thống của nước Việt Nam Cộng
Hòa cùng với bào-đệ vừa mới bị sát hại bởi… rất nhiều người??? Và rồi đúng ba
tuần lễ sau đó, trong một buổi chiều đầy tuyết rơi (đó là trận bão tuyết
đầu mùa) sau khi tan học về lại Moraud, tôi đã xuống phòng TV xem tin tức, một
tin tức và hình ảnh được trực tiếp đến từ thành phố Dallas, Texas, đã làm tôi
và tất cả mọi người thời bấy giờ thật sự hoang mang!!
Đã qua rồi những kỷ niệm của mùa thu
50 năm trước, nhưng mà những kỷ niệm lúc ban đầu bao giờ người ta cũng nhớ mãi.
Đối với riêng tôi thì mùa thu năm ấy
đã là một cái gạch nối giữa hai vùng quá khứ trong cuộc đời, hai quá khứ đã được
ngăn cách rõ ràng bởi một đại dương.
Bùi văn Tâm, niên khóa 63
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét