Một
chuyến
đi thú vị
Nguyễn Duy Vinh
Nếu không có mấy người bạn québecois rủ rê đến đảo để cùng giúp họ tổ chức một khóa tu thiền theo Pháp môn Làng Mai trên đảo thì chắc chúng tôi chẳng bao giờ đi thăm đảo này. Đảo đó có một cái tên rất nhẹ nhàng, hình như đã được một thuyền trưởng hay một chúa đảo nào đó trong quá khứ (tức là cũng gần đây thôi) vì thương nhớ người tình mới đặt cho đảo một cái tên khá thơ mộng Les Îles de la Madeleine.
Hai vợ chồng tôi khăn gói quả mướp lên đường thật sớm để
hưởng những ngày thong thả trên đảo trước khi bị (được ?) xung công vào khóa
tu. Có nhiều cách đến đảo này lắm. Các bạn có thể đi tàu ferry (traversier) hoặc
đi máy bay. Đi tàu thì bạn có thể đem cả xe hơi theo và bạn phải lái đến các cảng
đỗ như Souris ở Prince Edward Island (PEI) hoặc ở Montréal (và mới đây nghe nói
bạn có thể đi từ Trois-Rivières). Mấy chiếc tàu này khá to, đuôi nó có thể mở rộng
(giống như loại tàu há mồm của hải quân Hoa Kỳ dùng vào thời điểm di cư năm 54 ở
nước ta !) để hành khách đi tàu có thể tự lái xe lên tàu, xin xem hình bên đây.
Còn nếu bạn có ít thời giờ hoặc dư giả tiền tiêu thì có
thể đi máy bay như chúng tôi đã làm. Hai vợ chồng chúng tôi đi với Air Canada
và chúng tôi bay từ Dorval. Những máy bay của Air Canada chuyên chở hành khách
đi đảo là những chiếc máy bay hai động cơ do hãng Bombardier chế tạo. Máy bay
có tên Dash 8 (và đa số là Series 300 chở được khoảng tối đa 50 người mỗi chuyến).
Xin xem hình bên đây chụp trước khi chúng tôi lên phi cơ:
Máy bay đáp
xuống sân bay Havre-Maison vào khoảng một giờ rưỡi chiều và cô Louise (một người
bạn mới và cũng là một thành viên của ban tổ chức khóa tu) đã có mặt để đưa
chúng tôi về nhà trọ.
Nhà trọ đẹp lắm.
Nằm cạnh biển, sừng sững một mình một góc trên đỉnh đồi nhìn ra biển mênh mông.
Con người ta trước biển cả bao la bỗng thấy mình nhỏ bé quá. Tôi cứ ngồi cả giờ
lặng đi trước khung cảnh hùng vĩ đó. Biển xanh rì bao bọc. Khi gió êm thì biển
lặng. Khi gió gào thét từng cơn thì biển trả lời bằng những đợt sóng đập tới tấp
vào bờ. Và chính những đợt sóng này là những nguyên nhân gây ra nhiều phiền
toái và lo lắng cho người dân trên đảo. Lý do giản dị là những cơn sóng đó đủ sức
làm mòn những bờ vách thiên nhiên quanh đảo và làm sụt lở dần những bức tường
thiên nhiên này. Với thời gian, nếu không có những phương pháp “trị sóng”, dân
đảo nghĩ có lúc đảo sẽ không còn vì khi đất hết thì nước biển sẽ tràn ngập khắp
nơi. Được bao nhiêu năm nữa có bạn sẽ thắc mắc hỏi. Chúng tôi không có câu trả
lời chính xác, có người nói trong vòng một thế hệ nữa thôi…Chúng tôi không dám
nghĩ đến chuyện này nhưng đi đâu cũng nhìn thấy nó. “Érosion” là tên gọi của hiện
tượng này bằng tiếng Pháp mà cháu bé Ismail, học sinh lớp 5 trường làng École
Primaire aux Iris đã lên tiếng cảnh tỉnh chúng tôi khi một câu hỏi đã được đặt
ra trước lớp hôm chúng tôi đến thăm trường: qu’est-ce-qui vous concerne le plus
les Madelinots?
Tôi xin dán
xuống đây vài tấm hình cho thấy sức mạnh của sóng ngày đêm vỗ vào bờ:
Hoặc tấm hình
dưới đây chụp vào buổi sáng sớm lúc mặt trời vừa lên, từ nhà trọ của chúng tôi.
Cô Linda chủ nhà trọ cho biết ngay là đất nhà cô cũng lở và sụp dần và cô lo
không biết lúc nào phải dời nhà hoặc bán đi để mua căn nhà mới xa bãi biển hơn.
Chúng tôi rất xót xa khi nghe những lời nói đó. Và tôi cũng được biết dân đảo
đã tìm mọi kỹ thuật để giảm bớt sức mạnh của sóng biển. Khi thì chúng tôi thấy
họ đổ đá dọc theo bờ biển, khi thì chúng tôi thấy họ dùng những viên xi măng to
theo phương pháp người Hy Lạp và Bồ Đào Nha dùng (còn có tên là dollos) như một
tấm hình khác dưới đây. Việc đổ đá ven bờ tốn kém lắm. Theo ước lượng thì cứ một
cây số đường biển thì tiền tốn có thể lên đến khoảng 100 ngàn đô la (Gia kim).
Bạn cứ tính thử với khoảng 300 cây số đường vòng vèo quanh đảo, đổ chứng ấy đá
sẽ tốn khoảng 30 triệu đồng. Tiền này không lớn so với số tiền chi tiêu của
chính phủ Québec khoảng xấp xỉ 73 tỉ đô la (tức là khoảng 4% tổng số chi tiêu)
theo như hồ sơ chính thức của chính phủ cho biết hiện nay:
Và đây là
hình:
Những ngày kế
tiếp trên đảo là những ngày thảnh thơi và thư giãn. Sáng nào sau khi ăn chúng
tôi cũng cuốc bộ cả giờ đồng hồ dọc bãi biền. Bãi dài rộng vào mùa này không một
bóng người. Gió thổi mạnh từng cơn và nhiệt độ có hôm xuống khoảng 5 hay 6 độ.
Chúng tôi bảo nhau ăn mặc thật ấm. Cũng may nhờ có mặt trời ban cho những tia nắng
ấm, gió cách mấy chúng tôi cũng không ngần ngại đi. Trời xanh ngắt không một cụm
mây. Sóng vỗ lăn tăn hoặc cuộn thành một khối trắng xóa thoai thoải tiến vào bờ.
Hôm nào gió ít thì sóng như có thời giờ ôm lấy bờ, mơn trớn vuốt ve giống như
bàn tay yêu thương của người tình đang thoa nhẹ trên thân thể người yêu. Bất chợt
lúc ấy tôi cũng nhìn sang vợ nhưng nàng đi nhanh quá làm tôi không bắt kịp để
đưa bàn tay lạnh ngắt của mình sang nắm lấy tay nàng. Một cảm giác hụt hẫng xâm
chiếm tâm hồn nhưng nó lại thoáng tan đi với tiếng vỗ của một vài cơn sóng lớn,
bất chợt làm kẻ bộ hành lòng bỗng bâng khuâng.
Và đây là
tôi, người hùng trên biển xanh (xin xem hình).
Hôm nào trời
lạnh và ít gió, chúng tôi rủ nhau đi hái những quả canneberges (cranberries), từ
điển mới trong nước gọi những quả này là quả nham lê. Những quả dại mọc đầy bãi
lau sậy dọc theo bãi biển. Quả nào quả nấy đỏ mọng mọc len lỏi trong đám cỏ lau
và sẵn sàng phô trọn tấm thân “kiều nữ” khi người hái vén gạt những cỏ lau đi.
Thế là mình chỉ còn đưa hai tay vào bốc, giật, kéo và hốt ra từng chùm nham lê.
Không giấy bút nào tả được cái hạnh phúc này. Như là bắt được vàng ấy. Nụ cười
của hai đứa chúng tôi trên tấm ảnh dưới đây chứng minh cho điều đó. Bỗng dưng
trong đầu tôi lóe lên bài hát mà tôi đã học được trong một khóa tu :
Le bonheur est maintenant
Je laisse tomber tous mes soucis
Nulle part où aller
Et rien à faire
À présent je prends mon temps
Bài hát đưa
tôi về với giây phút hiện tại. Giây phút ấy là giây phút tuyệt vời, viên mãn.
Tôi lại lẩm bẩm một mình: quá khứ đã qua rồi, tương lai thì chưa tới, giây
phút hiện tại này đây mà ta còn không tiếp xúc được thì đúng là mình đang sống
với ma.
Những ngày kế
tiếp trên đảo, chúng tôi đã được đi xem một khu vườn trồng táo và làm rượu xít
(cidre). Hàng trăm hàng ngàn quả táo mọc đỏ chín bám lủng lẳng vào thân cây.
Trông bằng mắt là mình đã thèm lắm, chỉ muốn xin được một quả và đưa cả mồm vào
ngoạm và cắn từng miếng táo ngon ngọt, nhai luôn cả vỏ. Đây là một hạnh phúc lớn,
được sống gần thiên nhiên. Lại còn được ông chủ vườn táo cho nếm món rược xít
(cidre) thơm nồng. Uống vào nhưng không dám nuốt chửng, sợ đánh mất đi hương vị
táo lên men đang tới tấp chen nhau chui vào từng tế bào lưỡi, tạo cho người uống
một cảm giác đê mê khoan khoái.
Rồi việc gì đến
sẽ đến, cuối cùng cho một chuyến đi là khóa tu thiền được tổ chức trên đảo
Grande Entrée, nằm tận phía bắc của nhóm đảo Madeleine. Đảo Grande Entrée không
xa nhà trọ. Chúng tôi lái xe mất gần một tiếng. Đường đi không khó vì ngăn sông
cách núi…Nhưng đường đi thì quá ngoạn mục. Xe lái dọc theo xa lộ 199, một con đường
tráng nhựa rộng thênh thang chạy dài tít chân trời, với hai bên là biển xanh
rì. Trời xanh quang đãng không một gợn mây.
Nhưng mây ở đây thì “chúng nó” đến nhanh lắm và “chúng nó” cũng không
bao giờ hỏi ý kiến mình. Trời đang đẹp như thế mà khi chúng tôi đến khu nghỉ
mát La Salicorne (nơi có khóa tu) thì mây đã ùn ùn kéo đến. Đây lại là một bài
học quý giá về vô thường. Mặt trời nhất định không chịu thua, hắt những tia nắng
yếu ớt cuối ngày qua những đám mây. Khi mây thiếu đoàn tụ và bay xa nhau quá,
tia sáng xuyên qua được thành từng bó và chiếu xuống mặt biển xanh phẳng lặng.
Khung cảnh hùng vĩ quá. Tôi vội ngừng xe và đem máy ảnh ra chụp. Cảnh tượng ấy
người trên đảo được xem rất thường và họ có tiếng gọi cho những bó hoa trời làm
đó là “des pieds de vent” (dịch nôm na là “chân gió”) hay tả cho nó thơ mộng
thêm tí nữa là những sợi tơ trời lơ lửng, vất vưởng đang còn lưu luyến những
giây phút trần gian. Xin dán xuống đây tấm hình cô Louise gửi tặng (đẹp hơn tấm
hình tôi chụp rất nhiều). Lúc đó mình cố gắng quay về với hơi thở để thật sự tiếp
xúc được với cảnh tượng thần tiên, nhiệm mầu trong đó mây, gió, tia sáng mặt trời,
biển xanh cùng quấn quít vào với nhau mà hiện hữu. Cảnh tượng ấy kéo dài độ
mươi mười lăm phút cho đến khi mây đến thật nhiều, rồi mặt trời sửa soạn đi ngủ,
và cũng là lúc chúng tôi vào khóa tu.
Khóa tu do
người Gia Nã Đại Pháp tổ chức. Tôi phải nói ngay là rất chu đáo. Chương trình
sinh hoạt mỗi ngày đã được thông báo từ trước gồm có những giờ thiền ngồi (thiền
tọa) và thiền đi (kinh hành hoặc thiền hành ngoài trời). Ăn cơm sáng trưa chiều
hoàn toàn trong im lặng và mỗi bận trước khi ăn đều có một anh hay một chị thiền
sinh đọc 5 lời quán nguyện (bằng tiếng Pháp). Có những buổi thiền thư giãn, những
buổi tập những động tác Yoga hay khí công. Ngoài ra chương trình ngày thứ nhì
có Pháp thoại, Pháp đàm và buổi chót của khóa tu có năm anh chị xung phong làm
thành viên của một panel chia sẻ về 5 giới cho người tu tại gia. Trước khi ra về,
mọi người tụ họp nơi thiền đường (xem hình dưới đây) để chụp một tấm hình lưu
niệm. Ai nấy hớn hở chia tay, ôm chầm nhau trong tư thế thiền ôm (và phải thở đủ
ba hơi) và chúc nhau những ngày tươi đẹp nhất.
Chúng tôi
cũng lại khăn gói quả mướp lên đường và cũng không quên dừng chân ngắm cảnh biển
lần chót (xem hình) trước khi về lại nhà trọ.
Buổi tối hôm
đó trước khi đi ngủ, chúng tôi lại được những thiên thần của đảo rủ nhau cho chúng
tôi thưởng thức màn mặt trời lặn lần cuối trước khi chúng tôi lấy máy bay về lại
Montréal. Thật là một chuyến đi thú vị.
Nguyễn Duy Vinh (cuối thu 2013)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét