Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2013

Tú Mỡ

Tú Mỡ - Hồ Trọng Hiếu (1900-1976)


Hồ Trọng Hiếu sinh năm 1900, nhà nghèo, sau khi học xong trung học tại trường bảo hộ nổi tiếng Trường Bưởi, (sau đổi tên là trường Chu Văn An, bên cạnh Hồ Tây, phía bắc Hà Nội), ông không tiếp tục học lên cao, mà đi làm thư ký sở Tài Chánh để kiềm tiền nuôi mẹ, cô, và bốn em ăn học.
Năm 1920, gập Nguyễn Tường Tam đến làm cùng sở. Hai người thành bạn tâm giao ngay, trao đổi những điều tâm đắc, những việc văn chương đang thai nghén… khuyến khích, an ủi lẫn nhau
Nguyễn Tường Tam là người có chí lớn, chỉ làm tạm bợ ở đây kiếm chút vốn, quyết sẽ đi học nữa, sẽ làm nhà văn, sống bằng ngòi bút của mình, sống bằng một nghề tự do ngòai vòng kiềm tỏa. Dần dà Nguyễn Tường Tam tìm thấy sở đắc của Hồ Trọng Hiếu, đã khuyên : “Anh khá đấy, nên làm thơ hài hước đi, anh có khiếu về trào phúng đấy” Một lời đã biết đến nhau. Câu nói của anh Tam đã thấm vào tâm trí Hồ Trọng Hiếu.
Hơn chục năm sau, 1932, Nguyễn Tường Tam sau những năm tháng bôn ba học hỏi, lấy tên hiệu là Nhất Linh, dự tính mở tờ báo Tiếng Cười. Hồ Trọng Hiếu tới giúp sức sửa soạn báo cùng anh em. Nhưng thực dân Pháp không cho phép ra báo. Xoay kế khác, Nguyễn Tường Tam mua lại tờ báo Phong Hóa của Phạm Hữu Ninh sắp đóng cửa, tụ họp các anh em, bạn hữu, những người viết mới, biến đổi Phong Hóa cũ thành một tờ báo mới lấy khôi hài làm chủ đề, đưa ra một cách viết mới, một cách nhìn ra xã hội mới …
Nhóm đã thành công lừng lẫy, tạo nên nền móng cho văn học Việt Nam: Họ đã tạo ra một cuộc cách mạng văn hóa.
Hồ Trọng Hiếu lấy bút hiệu Tú Mỡ, ông phụ trách mục Giòng Nước Ngược, thơ hài hước đùa cợt chế diễu, nổi tiếng một thời.
Tú Mỡ là chuyên viên cười của Phong Hóa Ngày Nay trong suốt thời gian hoạt động văn học từ 1932 tới 1940. Có chân trong Tự Lực Văn Đoàn từ ngày thành lập. Năm 1934, ngày 27 tháng 5, Tú Mỡ viết mấy câu cám ơn người “đã biết đến ta”:
Ít lời lẽ ngang phè,
Mấy vần thơ lỗ mỗ
Tặng anh Nguyễn Tường Tam
Đáp tấm ơn tri ngộ
Tác phẩm của Tú Mỡ thời đó, gồm vào hai tập thơ trào phúng: Giòng Nước Ngược I, 1934, và Giòng Nước Ngược II, 1941, nhà xuất bản Đời Nay, Hà Nội. “Hai tập thơ có cái giọng bình dân rất trong sáng chúng ta vốn ưa thích xưa nay: Giọng đùa cợt lẳng lơ của Hồ Xuân Hương, giọng nhạo đời của Trần Kế Xương, giọng thù ứng ý nhị của Nguyễn Khắc Hiếu, giọng giao duyên tình tứ của Trần Tuấn Khải, từng ấy giọng thơ, nay ta thấy cả trong hai tập thơ của Tứ Mỡ. (Vũ Ngọc Phan, Nhà Văn Hiện Đại)
Khái Hưng trong bài Tựa Giòng Nước Ngược thêm vào: “Mà câu văn của Tú Mỡ cũng như của Tú Xương, của Hồ Xuân Hương, cũng như những câu ca dao tục ngữ, quả thực hoàn toàn có tính cách Việt Nam”.
1947, Tú Mỡ đi kháng chiến chống Pháp, thường nhớ đến bạn cũ: “Kể về công, các anh em đã thực hiện được mục đích của đoàn, điều chính là làm giầu thêm văn sản trong nước, đã có một đóng góp đáng kể vào văn học Việt Nam, tạo cho đoàn một tiếng tăm vang dội một thời, một thành tích mà các văn đoàn đời sau không đạt được, một chân giá trị riêng trong một giai đoạn nhất định, mà giới văn học ngày nay và ngày mai phải công nhận.”(Hồi Ký của Tú Mỡ, Láng, 12 tháng 8, năm 1969)
Tú Mỡ và Thế Lữ sau này vẫn là đôi bạn tri kỷ lui tới với nhau, một đời.
Năm 1974, bà vợ tào khang chung thủy của ông mất, Tú Mỡ đã viết bài thơ Khóc Người Vợ Hiền, đáng kể là một trong những bài thơ tình hay nhất:
Bà Tú ơi! Bà Tú ơi
Té ra bà đã qua đời, thực ư?
Tôi cứ tưởng nằm mơ quái ác,
Vùng dậy là tỉnh giấc chiêm bao.
Tỉnh dậy, nào thấy đâu nào,
Nào đâu bóng dáng ra vào hôm mai…
Hai năm sau 1976, Tú Mỡ mất, hưởng thọ 77 tuổi.
 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét