Phạm Đỗ Chí
Kính dâng
hương hồn Giáo sư Marc-Aurèle Thibeault
Kính tặng các thầy cô Tân Định, Trần
Lục và Chu Văn An
Riêng gửi anh em gia đình và bạn bè
biết tôi lúc học ở trường Laval, Québec.
Tôn sư trọng
đạo. Tôi
tưởng những chữ này đã đi vào quên lãng từ bài học Hán văn cũ ngày xưa ở trung
học. Không ngờ cả câu sống lại trọn vẹn lúc tôi chợt lặng đi khi nhận được
email của con trai lớn từ New York chuyển một tin nhắn ghi lại trong điện
thoại, từ một Hélène Thibeault báo tin cha cô, GS Marc Thibeault, là người thầy
dạy tôi cũ ở Université Laval những năm 1967-70, đã mất cách đó vài hôm, thọ 93
tuổi.
Lúc đó là 2 giờ sáng và tôi buồn mênh
mang như mất đi một người thân ruột thịt trong gia đình, dù đã bặt tin ông từ
2003 sau khi gửi tặng ông một quyển sách viết về kinh tế Việt Nam bằng Anh ngữ,
như một món quà tặng trả ơn thầy đã dạy những bài kinh tế nhập môn qua khóa học
"kinh toán vi phân". Đây là môn khó nhất năm học đầu tiên, nhưng cũng
là môn "tủ" nhất của tôi vì tôi ít phải vận dụng vốn Pháp và Anh ngữ
nghèo nàn của mình trong năm đầu đại học, và thay vào là những công thức toán bù lại cái dốt về ngoại ngữ.
nghèo nàn của mình trong năm đầu đại học, và thay vào là những công thức toán bù lại cái dốt về ngoại ngữ.
Tin ông mất cũng nhắc lại cho tôi cả
khung trời kỷ niệm ba năm học ở Laval với học bổng Plan Colombo, lồng thêm các
kỷ niệm với quê hương (hay đúng hơn qua một Saigon thân yêu xa cách), gia đình
và nhóm bạn cùng học ở Québec, trong những năm tháng đó.
Tôi biết ơn ông vì ngoài tình thầy
trò, ông đã xử sự như một người cha nâng đỡ tinh thần và khuyến khích tôi trong
năm học đầu đầy khó khăn, không phải chỉ vì kém ngoại ngữ, mà vì những xúc động
tâm lý tràn đầy trong năm đầu xa gia đình và quê hương, khi tâm hồn tôi còn
trĩu nặng những kỷ niệm của một thành phố mà tôi không hề muốn rời xa (trong
nhiều năm sau này, tôi đã mãi nghĩ về nó trong một thổn thức thường trực về
"Saigon, Người Tình Nhân".)
Trong ba năm ở Laval, tôi luôn gặp
trong lớp hay ngoài lớp vào những bữa ăn, và luôn kính trọng gọi ông bằng tên
họ Thibeault, dù ông nhiều lần bắt tôi gọi bằng tên riêng "Marc" cho
thân mật theo cách xưng hô ở Bắc Mỹ. Tôi vẫn chưa dám gọi như vậy cho tới bữa
tiệc chia tay trước khi rời Québec sang Mỹ học, và tôi đã được phép gọi ông
bằng Marc thoải mái trong suốt bữa ăn tối. Kèm theo là Lucile, tên vợ ông.
Marc đã là ân nhân của tôi, vượt xa
vai trò người thầy ruột. Ông đã cười nhiều lần trong lớp, khi thấy tôi ấp úng
tiếng Pháp thưa gửi (vì 7 năm trung học ở Trần Lục và Chu Văn An vẫn chỉ trang
bị cho tôi một vốn Pháp văn "ăn đong", chưa đủ sức học môn kinh tế
cần nhiều "chữ nghĩa nhân văn" hơn là các môn toán hay khoa học!),
hay lúc chuyên phát những trang giấy carbon để nhờ cô bạn Việt cựu dân trường
Pháp là Quốc Uy và cô bạn tóc vàng Nicole Boyer lấy notes hộ đem về nhà học
trong suốt lục cá nguyệt đầu. Tôi phải nhận là mình hoàn toàn dốt mù tịt lúc
nghe giảng, lấy công làm lời trong năm đầu bằng cách học thâu đêm suốt sáng
trong vài tháng đầu các trang "đi mượn" đó! Chính Nicole cũng đã hỏi
tôi nhiều lần làm sao tôi hiểu được bài như vậy và mỗi lần thi cuối kỳ lại phải
viết lối "luận văn" (dissertation) chứ không phải các môn tests chỉ
cần gạch đúng sai.
Nhớ lại những ngày tháng thân yêu đó
tôi thấy mình sau này không bao giờ cố gắng bằng được như vậy. Chỉ có thể giải
thích được bằng đam mê tuổi trẻ, hừng hực nhuệ khí học hành thi cử khi phải rời
xa quê hương trong tâm tưởng phải trở về với một trang bị kiến thức nào đó để
làm việc. Tôi đã xa Saigon trong day dứt khôn nguôi của một người không muốn
rời nó, quay cuồng trong các kỷ niệm của đời sống hàng ngày với gia đình bạn
bè, mang trong óc hình ảnh của từng góc phố, của các quán ăn ngon hay quán cà
phê, của từng buổi đêm đi nghe hát khuya hay của các buổi văn nghệ học trò, và
những nụ cười ánh mắt mộng mị chưa kịp tắt.
Thế đó mà một ngày phải rời xa chốn
nắng ấm bụi bậm, tiếng xe huyên náo suốt ngày đó, để chui vào cái giá lạnh buốt
-30 độ và những đống tuyết khổng lồ phủ đầy các tòa nhà các bãi cỏ rộng mênh
mông của khu campus trường Laval, mỗi ngày 7 giờ sáng đã lội bộ từ khu cư xá
sinh viên sang trường học trong bộ áo dầy cộm, tai che kín mà đến nơi vẫn sưng
mọng đỏ vì lạnh.
Tôi nhập học vài tuần đầu trong cái
bỡ ngỡ chán nản vì tâm tư còn vướng bận Saigon, với nỗi nhớ nhà khôn tả. Đã
toan tính chuyện bỏ về để tiếp tục năm thứ nhất ở Y khoa, nơi ba tôi đã kỳ vọng
tôi sẽ tiếp tục học ra Bác sĩ để hợp với số "tử vi" đã lấy sẵn cho
tôi. Ba tôi không thích chút nào chuyện tôi có học bổng đi học môn kinh tế ở
Canada, vì ba tôi có quan niệm là với bằng đó về nhà chỉ làm thư ký hay cán sự
hành chính sau này. Làm cha mẹ trong xã hội truyền thống của Việt nam vẫn cho
các bằng Bác sĩ Dược sĩ là nhất (nhìn lại nhiều năm biết đâu các cụ đã nghĩ
đúng?!). Vì thế ba tôi tỏ vẻ giận lúc tôi đi du học và đã từ chối không viết
thư cho tôi trong vài tháng đầu ở Quebec. Cũng vì tự ái đã quyết định ra đi bỏ
mặc lời khuyên của ba tôi, tôi tự nhủ phải đành cố ở lại học tiếp, vì vài tuần
đã bỏ Canada về nhà thì "mất mặt bầu cua" quá!
Ông thầy Marc biết rõ chuyện đó và
thương tình sự chịu khó nhẫn nại học hành của tôi hàng ngày. Ông đã hỏi địa chỉ
gia đình tôi và tử tế lấy sáng kiến viết thẳng cho ba tôi vài lần kể về sự tiến
bộ trong việc học của tôi, cũng như khuyên ba tôi viết khuyên nhủ tôi cố hơn
nữa vì biết tinh thần tôi đang "yếu" có thể lưỡng lự tính chuyện về
nước. Ba tôi trước việc đó đã cảm động vì ân tình của người thầy giáo từ phương
trời xa lạ đã dành cho con ông, một đứa học trò ngoại quốc. Và ông cũng bắt đầu
viết cho tôi ủng hộ tinh thần. Nhưng ông cũng tò mò hỏi thêm về gia cảnh của
thầy Marc Thibeault. Tôi ngay tình kể thật là thầy cô Marc có hai người con
nuôi, một trai một gái. Thế là tự nhiên ba tôi thêm mối lo "tưởng
tượng"; ông nghĩ thầy Marc "thương" tôi một phần vì đã để ý cho
cô con gái "Hélène" của thầy (mặc dù cô bé lúc đó mới 14). Từ trước
ngày du học, ba mẹ tôi đã "lo" rất kỹ cho tôi, khuyên tôi và bắt hứa
không được "lấy vợ đầm" mới cho đi du học vì sợ mất luôn cậu con trai
bên trời "Tây" lúc học xong. Với ý nghĩ đó sẵn trong đầu, ba tôi đã
rất lo trong một thời gian, khi thấy tình thân của thầy Marc với gia đình và
"tình thương" dành cho tôi. Báo hại tôi phải giải thích mãi mới xong,
nhất là về số tuổi nhỏ của cô bé. Cuộc đời dành một sự ngạc nhiên thú vị là hơn
bốn chục năm sau cô bé cùng chồng tìm được cách báo tin cho tôi là bố cô vừa
mất.
Tình thân đó của thầy Marc đã làm ba
tôi đổi thái độ. Ông chăm sóc việc học và tinh thần tôi bằng một lá thư mỗi
tuần, khuyên nhủ đều chuyện ăn uống đầy đủ giữ sức khỏe và cố gắng học lên xa
vượt bằng cử nhân, thay hẳn lời dặn lúc đầu là muốn tôi về nước càng sớm càng
tốt. Tôi đã lên hẳn tinh thần sau những lá thư thương yêu của ba tôi, mất hẳn
sự bỡ ngỡ và thương nhớ Saigon ban đầu. Tôi đã cắm đầu vào sách vở trong mộng
mị lý tưởng của một "ngày về" để làm ba tôi vui và hài lòng về tôi
hơn lúc đi xa. Nhưng cuộc đời không cho những giấc mơ đẹp và hoàn hảo. Hai
tháng trước kỳ thi tôi ra trường, ba tôi mất sớm vì bệnh ngặt nghèo. Cảm động
và thật chân tình, thầy Marc đã xin một lễ riêng ở nhà thờ để làm lễ cầu nguyện
cho ba tôi, và đưa cho tôi tấm thẻ bài cầu nguyện để gửi về nhà cho mẹ tôi. Tôi
đã không cầm được nước mắt lúc đó và lúc viết thư kể về nhà. Mẹ tôi luôn hỏi
chuyện về thầy Marc nhưng đã mất năm ngoái, còn vài anh em tôi biết chuyện này
đã thật xúc động và nhớ tên thầy Marc của tôi cho tới bây giờ.
Học xong năm thứ nhất, kết quả thi
khá đã khiến thầy Marc tin tưởng tôi và cho tôi làm phụ tá giảng dạy lớp bài
tập áp dụng ngay cho môn toán kinh tế này ở năm thứ nhất, mặc dù tôi mới bắt
đầu năm thứ hai. Đúng là cảnh chỉ học trước vài bài để dạy lại "học
trò". Tôi còn nhớ cả lớp học, trong đó có Quốc Nghiêm và Guy Hồ Văn Hạp
(dân trường Tây) chắc vẫn còn buồn cười tiếng "Tây bồi" ngắt đoạn của
tôi trong lúc đứng lớp giảng dạy. Thế mà tôi vẫn may mắn qua khỏi khó khăn để
dạy thêm một năm sau đó trước lúc tốt nghiệp. Chút kỷ niệm xâu xa thêm với tôi,
là thầy Marc đã can thiệp dành cho tôi riêng một văn phòng làm việc ở cạnh các
giáo sư khác trong phân khoa, cho tôi chút uy tín khi hàng ngày là sinh viên mà
được vác cặp lên văn phòng "riêng", cũng là lý do giải thích tại sao
tôi "vùi mình" trong suốt 2 năm sau trong cái văn phòng đó để học, để
dạy và chấm bài cho xứng đáng cái "mã thầy giáo tập sự", và từ đó cho
tôi tiếp tục niềm đam mê với môn kinh tế học cho suốt cuộc đời sự nghiệp sau
này.
Thêm vào đó, thầy Marc còn giới thiệu
tôi trong việc làm phụ tá giảng dạy đến các thầy khác như Claude Autin, Yves
Dubé, được các ông này giao cho chấm bài các kỳ thi của những môn mới. Tôi
thành có "uy tín" thêm trong nhóm bạn trẻ sau mình một hai lớp, và
cũng thêm "lợi tức" dồi dào nhờ chấm điểm thi phụ thêm vào tiền học
bổng Colombo. Cuộc đời đi học khá "sung túc" của tôi đã bắt đầu từ
thầy Marc, ngoài vốn kiến thức mà ông truyền dạy cho tôi trong lớp ông dạy hay
lúc đứng lớp làm phụ tá cho ông. Gần ra trường ông còn cho tôi các bức thư giới
thiệu quý giá để xin được học bổng các trường lớn bên Mỹ học lên cao. Và ngay
cả lúc xin việc lần đầu, ông còn cho tôi bức thư gây ảnh hưởng. Có thể nói sự
nghiệp kinh tế gia của tôi đã do thầy Marc quyết định cho! Một người giáo sư
đại học bên Bắc Mỹ có thể ảnh hưởng sâu xa đến sự nghiệp lâu dài của mình như
vậy, mong các bạn trẻ nhớ chi tiết này lúc theo học.
Nhưng không phải chỉ vì biết ơn thầy
Marc đã giúp đỡ chuyện học hành, vật chất hay công danh của tôi khiến tôi viết
những dòng này. Tôi viết vì thầy Marc đã có mặt trong suốt cuộc đời tôi như một
ân sư theo nghĩa Á đông. Tôi hãnh diện sung sướng vì mình đã gặp may trong đời
có sư phụ như vậy, để tôn kính và có lý tưởng hơn trong cuộc sống, giữa một xã
hội băng hoại có nhiều giá trị tinh thần đang đi xuống, nhất là trong vài câu
chuyện đáng xấu hổ cho toàn xã hội khi trò lăng nhục hay hành hung thầy.
Trong nỗi đau buồn tưởng nhớ các kỷ
niệm của một quãng đời dài đã qua, con xin dâng thầy nén hương với lòng biết ơn
sâu xa, Dear Marc!
Và cũng xin gửi lời thăm hỏi nhớ
thương đến các thầy cô khác của tôi còn sống trên mọi nẻo đường thế giới!
Phạm Đỗ Chí
Phạm Đỗ Chí
Cám ơn anh Chí đã cho đọc một bài viết rất cảm động về một người thầy đáng quý của Đại học Laval. Cũng như thấy được ở anh một người học trò hiếm có, còn nhớ ơn đến thầy cô sau ngần mấy mươi năm.
Trả lờiXóa